Trường đạt chuẩn quốc gia - môi trường dạy, học thuận lợi
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) là giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo hướng hiện đại phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh Long An.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu “Tỷ lệ trường đạt CQG theo tiêu chí mới đến năm 2025 đạt 60%”. Thực hiện nhiệm vụ này, ngành GD&ĐT tỉnh nỗ lực hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết với 73,14% trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh trong cuối năm 2024.
Để đạt kết quả đó, thời gian qua, từ tỉnh đến địa phương tập trung xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, giúp các trường có môi trường dạy và học thuận lợi. Một trong những trường đạt CQG đầu tiên của tỉnh và nỗ lực duy trì là Trường Tiểu học Lạc Tấn (huyện Tân Trụ). Trường có không gian rộng rãi, thoáng mát; khuôn viên, hành lang các lối đi trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng, đặc biệt là khu nhà vệ sinh của học sinh (HS) sạch sẽ, nhiều cây xanh và có gắn loa để phát nhạc không lời. Trường có đầy đủ phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị đủ đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Tấn - Đặng Thị Ái Uyên cho biết: “Trường hiện đạt CQG mức độ 1 và có cơ sở vật chất đạt mức độ 2. So với cơ sở vật chất mức độ 1, trường có thêm nhà đa năng giúp giáo viên (GV), HS có môi trường dạy và học thuận lợi, nhất là tiết thể dục và các hoạt động ngoài trời; có phòng nghỉ cho GV thông với phòng GV, giúp GV có nơi nghỉ ngơi trong thời gian trống tiết. Ngoài ra, tất cả các lớp học đều có tivi thông minh phục vụ tốt cho GV thay đổi phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện trường được đầu tư xây dựng thêm 9 phòng học, phòng chức năng để thay thế những phòng đã cũ, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2025, góp phần nâng chất tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 của trường”.
Năm 2024, Trường THCS Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa) được đầu tư xây mới nhà đa năng với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, phục vụ môn Giáo dục thể chất cũng như hoạt động thể dục - thể thao của trường. Ngoài ra, trường chủ động sửa chữa, nâng cấp các phòng học, bàn ghế, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học; xây dựng mái che từ nguồn xã hội hóa để tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp của HS diễn ra thuận lợi hơn.
Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lạc - Trần Quốc Khởi cho biết: “Nhờ được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trường khang trang, hiện đại hơn. Đạt CQG mức độ 1 và cơ sở vật chất mức độ 2, chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng lên, tạo uy tín, sự tin tưởng của phụ huynh và xã hội”.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Cơ sở vật chất bảo đảm, khang trang, hiện đại, GV, HS được dạy và học trong điều kiện thuận lợi. GV có thể khai thác triệt để các trang thiết bị dạy học để thay đổi phương pháp cũng như áp dụng công nghệ thông tin vào tiết dạy, giúp phát huy năng lực, sự chủ động, sáng tạo của HS. Với những thay đổi đó, HS được truyền cảm hứng, thích thú học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị nói riêng, ngành GD&ĐT tỉnh nói chung.
Trong công tác giảng dạy, cô Trương Thị Mai Thảo - GV môn Công nghệ, Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An), nỗ lực tạo hứng thú học tập cho HS. Cô đổi mới phương pháp dạy học bằng cách tổ chức cho HS tham gia các trò chơi học tập, làm việc nhóm, thuyết trình, làm dự án, dạy học ngoài không gian lớp học,... Cô thường xen kẽ những câu hỏi, bài thực nghiệm để linh hoạt hơn trong giờ học; đồng thời, kết hợp tổ chức trò chơi cho các em bằng các phần mềm thiết kế trò chơi như đuổi hình bắt chữ, kahoot, quizizz,... Cô chia lớp thành các đội cho HS thi đua để tiết học thêm sinh động.
Cô Thảo chia sẻ: “Trò chơi là những phương tiện góp phần đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và tạo hứng thú cho HS. Hoạt động trò chơi còn giúp các em phát triển phẩm chất, trách nhiệm và chăm chỉ, năng lực giao tiếp và hợp tác giải quyết vấn đề sáng tạo hơn”.
Với cô Nguyễn Thị Xuân Nguyên - GV Trường Tiểu học Lạc Tấn, vào đầu mỗi buổi học, cô tạo không khí sôi nổi, vui vẻ cho HS bằng các trò chơi, bài hát, bài múa ngắn khoảng 5 phút. Được “sạc pin”, các HS có tinh thần hơn khi bắt đầu giờ học chính thức. Cô Nguyên cho biết: “Tôi xây dựng mô hình Đôi bạn cùng tiến để các em giúp đỡ, hỗ trợ, động viên nhau trong học tập; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để thông tin tình hình học tập của các em”.
Trường Mầm non Ánh Dương (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) - ngôi trường vùng biên đạt CQG cũng có nhiều đổi thay so với trước đây, nhất là phương pháp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô Phạm Thị Hồng Loan - GV Trường Mầm non Ánh Dương, tâm sự: “Mỗi ngày trẻ đến trường, tôi đều tạo không khí vui vẻ, thân thiện cho cả lớp, giúp trẻ tìm được niềm vui, sự yêu thích trong các hoạt động học, chơi. Với phương châm lấy trẻ làm trung tâm, trong tất cả hoạt động, tôi đều cố gắng cho trẻ tự khám phá kiến thức mới qua các câu hỏi gợi mở, kích thích sự quan tâm, tò mò của trẻ; từ đó giải thích để trẻ hiểu kỹ hơn nội dung vừa học. Tôi chú trọng cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm tại vườn hoa, vườn rau, khu hoạt động ngoài trời,...”.
Bên cạnh sự nỗ lực của GV, HS cũng không ngừng phấn đấu trong học tập, cố gắng phát huy năng lực, sở trường cũng như đặt mục tiêu để quyết tâm chinh phục trong năm học. Em Huỳnh Thị Thanh Ngân - HS lớp 10A1, Trường THCS&THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ), đặt mục tiêu lớn trong năm học này là cố gắng hết mình trong học tập và đạt những kết quả xứng đáng. Ngân tâm sự: “Em thích tất cả các môn học nhưng Toán và Vật lý là 2 môn yêu thích nhất vì tạo cho em sự hứng thú và muốn chinh phục để hiểu sâu hơn những nội dung kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Để duy trì học tốt các môn học, nhất là môn học yêu thích, trên lớp, em chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài; phát huy tinh thần tự học cũng như tích cực học hỏi, trao đổi với bạn bè, các anh chị khóa trên. Em còn lập thời gian biểu tự học phù hợp để học tập đạt hiệu quả, đạt những kết quả như mong muốn”.
Xây dựng trường đạt CQG không chỉ là đầu tư cơ sở vật chất mà còn tạo ra một môi trường dạy và học thuận lợi, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trường đạt CQG còn là nền tảng quan trọng giúp GV nâng cao chất lượng giảng dạy, HS phát triển năng lực, phẩm chất, từ đó trở thành những công dân có ích cho xã hội./.