Trường đại học tiên phong đào tạo lâm nghiệp và đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 16/11, Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1964-2024). Đây là một trong những trường đại học có bề dày truyền thống và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng rừng, trồng người của Việt Nam.
Theo GS.TS. NGƯT Phạm Văn Điển, Trường Đại học Lâm nghiệp trong 60 năm qua đã tiên phong đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số và là trường đại học đầu ngành về lĩnh vực lâm nghiệp của cả nước. Trường cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến nguồn nhân lực lâm nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, rừng có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển và bảo vệ đất nước ở Việt Nam... Phó Thủ tướng nhắc lại lời Bác Hồ từng căn dặn lúc sinh thời: "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý...".
Trong 60 năm qua, Trường Đại học Lâm nghiệp đã không ngừng phát triển và trưởng thành. Khi mới thành lập, trường chỉ có 4 ngành đào tạo cho 475 sinh viên. Đến nay, trường đã có quy mô hơn 12.000 người học, 184 thầy cô là TS, PGS, GS. Trường đã đào tạo cho đất nước hơn 50.000 cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý có trình độ cao, trên 6.000 thạc sĩ và gần 150 tiến sĩ. Cán bộ do nhà trường đào tạo là nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Trường cũng đào tạo trên 10.000 học sinh THPT, trong đó có 2.500 con em đồng bào các dân tộc ít người và đã có 25 bằng phát minh sáng chế, sở hữu trí tuệ được công nhận trong lĩnh vực lâm nghiệp, trên 100 giải thưởng khoa học cấp quốc gia, giải thưởng quốc tế...
Hợp tác quốc tế của nhà trường luôn được tăng cường, mở rộng, ngày càng chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Đến nay, Trường đã hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức quốc tế, 145 trường đại học và viện nghiên cứu ở 26 quốc gia. Nhà trường đã đào tạo hơn 500 kỹ sư, trên 50 thạc sĩ, tiến sĩ cho các quốc gia.
Với những đóng góp to lớn cho ngành lâm nghiệp, cho đất nước, Trường Đại học Lâm nghiệp đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương độc lập hạng nhất, Huân chương lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do (năm 1984), Huân chương Hữu nghị (năm 2000), Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những thành tích Nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua.
Để bắt kịp xu thế thời đại, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh của dân tộc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Trường Đại học Lâm nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn chặt với thực tiễn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của nhà trường, nhằm đảm bảo sinh viên tốt nghiệp là những chuyên gia chất lượng về lâm nghiệp, vừa có kiến thức, nền tảng vững chắc, vừa có kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm đa dạng và khả năng làm việc trong môi trường thực tiễn...
Mặt khác, trường phải là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam và ngang tầm khu vực về lĩnh vực lâm nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của khu vực và quốc tế...
Theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng giúp Trường Đại học Lâm nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiếp cận với những thành tựu khoa học tiên tiến của nhân loại, để tiến kịp, đi cùng và vượt lên so với các cơ sở đào tạo đại học trong khu vực và quốc tế. Cụ thể, định hướng hợp tác quốc tế đòi hỏi nhà trường phải tham gia các dự án quốc tế, khuyến khích giảng viên, sinh viên trở thành đồng tác giả và công bố quốc tế, trao đổi chuyên gia và học giả; tham gia liên kết đào tạo đại học, sau đại học, đồng cấp bằng quốc tế; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lâm nghiệp, chuyển giao công nghệ chế biến lâm sản hiện đại, phát triển các dự án, thí nghiệm các mô hình phát triển bảo vệ rừng với quốc tế...
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Lâm nghiệp ngày càng phát triển.