Trường đại học nói gì về đề xuất miễn học phí cho sinh viên y, dược?
Theo lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, việc thiếu nhân lực ngành y là một vấn đề phức tạp và không chỉ do đầu vào mà còn có nhiều nguyên nhân khác.
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm tức là sinh viên học ngành y, dược được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Đề xuất này đang nhận được ý kiến đóng góp từ nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành y, dược trên cả nước.
Có thể tạo áp lực lên ngân sách quốc gia
Là một trong những cơ sở đang đào tạo khối ngành y dược, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất trên, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cho hay, những năm gần đây, do hạn chế về nguồn tài chính công, giáo dục đại học đã và đang thực hiện theo cơ chế tự chủ, tập trung huy động nhiều nguồn tài chính để phát triển và từng bước tăng học phí để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Có thể thấy, chủ trương hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành y, dược nói riêng sẽ cần một nguồn ngân sách lớn từ Chính phủ để duy trì dài lâu. Điều này có thể tạo áp lực lên ngân sách quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn trong khi có nhiều nhu cầu cấp bách khác đang cần giải quyết.
Chính vì vậy, để tăng chỉ tiêu đào tạo nhân lực y, dược bằng chính sách hỗ trợ 100% học phí và chi phí sinh hoạt như sinh viên ngành sư phạmsẽ khó khả thi. Bởi, cơ cấu nhân lực theo vùng miền, ở vùng sâu, vùng xa nơi cần số lượng nhiều, chất lượng.
Trong khi đó, đối tượng đáp ứng tiêu chuẩn tuyển sinh đầu vào ở vùng này thấp, số lượng cơ sở, công nghệ thiết bị ít, mối quan hệ giữa đào tạo và việc làm chưa đảm bảo chắc chắn sau khi tốt nghiệp.
Không những vậy, chính sách, chế độ đãi ngộ cho nhân viên công tác trong lĩnh vực y tế hiện nay vẫn chưa tương xứng với nghề nghiệp, công sức bỏ ra dẫn đến nhiều nhân sự bỏ nghề.
Cũng theo thầy Tuấn, học phí của các trường y dược phụ thuộc vào đầu tư phòng thực hành, thí nghiệm, máy móc thiết bị và đội ngũ giảng dạy (nhiều cơ sở còn mời giảng viên có chuyên môn cao từ các đại học lớn ở nước ngoài). Hơn nữa, trên thực tế, mức học phí được các trường đào tạo y, dược ngày càng tăng cao, nguồn lực ngân sách khó đáp ứng.
Từ trước đến nay, đầu vào của sinh viên ngành y có điểm đầu vào luôn ở top đầu, cao hơn nhiều lĩnh vực khác.
Hiện tại, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Đại Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh đang nhận mỗi năm khoảng hơn 560 chỉ tiêu đào tạo y khoa cho sinh viên thuộc các nước India, Nepal, Iran, Srilanka, Middle Eastern Countries, African countries. Con số này dự kiến sẽ tăng vào các năm tiếp theo, cho thấy năng lực đào tạo ở các trường đại học vẫn còn.
Từ thực tế đó, thầy Tuấn cho rằng, việc thiếu nhân lực ngành y là một vấn đề phức tạp và không chỉ do đầu vào mà còn có nhiều nguyên nhân khác.
Đơn cử, ngành y, dược hiện vẫn chưa đảm bảo công việc lâu dài và ổn định về tài chính sau khi tốt nghiệp ra trường, chưa tạo ra sự yên tâm về tương lai nghề nghiệp để thu hút thí sinh vào học. Không những vậy, vấn đề cải thiện chế độ đãi ngộ và lương chưa hấp dẫn (theo thống kê Bộ Y tế trong 18 tháng 01/01/2021 - 30/6/2022 có 3.094 bác sĩ nghỉ việc do áp lực công việc và thu nhập thấp).
Do đó, có thể thấy rằng, việc đề xuất nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho sinh viên y, dược bằng mức thu của cơ sở đào tạo y, dược là chưa phù hợp.
Do đó thầy Tuấn cho rằng, để tăng cường, thu hút sinh viên vào học ngành y tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay, cần hỗ trợ học phí theo mức trung bình thống nhất cho tất cả các trường (khi trường đáp ứng được 1 số tiêu chuẩn chất lượng).
Bên cạnh đó, cần đầu tư vào cơ sở vật chất dùng chung như phòng thực hành, thí nghiệm, cơ sở bệnh viện thực tập (nhà nước đầu tư phòng thực hành, thí nghiệm, quy hoạch các bệnh viện cơ sở thực tập tại các thành phố lớn, quy hoạch các trường trong khu vực sử dụng chung). Đầu tư vào chương trình đào tạo tiên tiến. Đồng thời, cần có riêng đề án về phát triển đội ngũ giảng viên ngành Y (như Đề án số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030).
Không phải ngành học nào cũng nên được miễn học phí
Cùng bàn về đề xuất trên, thầy Trần Đức Đại - Trưởng Bộ môn Y Dược học cơ sở và Y học lâm sàng, Khoa Y – Dược, Trường Đại học Tân Trào bày tỏ, khối ngành y, dược là khá rộng khi đào tạo cả bác sĩ, dược và điều dưỡng. Chính vì vậy, nên cân nhắc cụ thể từng ngành chứ không nên “ôm” tất cả các ngành được hưởng chính sách trên.
Thay vào đó, cần có nghiên cứu cụ thể về tình hình thực tế hiện tại và tầm nhìn trong 5 năm nữa để lựa chọn, ưu tiên ngành sức khỏe nào nên được miễn học phí. Đồng thời, cần có kế hoạch về các điều kiện ràng buộc, kinh phí nếu người học sau khi tốt nghiệp không làm việc cho hệ thống y tế Việt Nam sẽ thu hồi ra sao, ai là người chịu trách nhiệm… Đơn cử như ngành Dược hiện nay gần như đang bão hòa, đến 5 năm nữa khi lứa sinh viên hiện tại ra trường có thể sẽ rất khó xử lý về vấn đề thu hồi kinh phí đã miễn.
Không những vậy, lộ trình miễn giảm học phí cũng chỉ nên diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Cao Văn Dư – Phó Trưởng khoa Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng, đây là một chính sách tốt để thu hút được nhiều nhân tài vào lĩnh vực y tế. Bởi, để đào tạo nhân lực cho ngành y tế, chất lượng đầu vào là rất quan trọng.
Thầy Dư cho rằng, hiện nay, học phí ngành y nói chung và đặc biệt là của một số trường đại học y dược tốp đầu cả nước là khá cao cộng thêm thời gian đào tạo khối ngành này là khá dài khoảng 5-6 năm kéo theo học phí đã cao càng thêm cao hơn so với những ngành khác. Điều này gần như đóng cửa hoàn toàn với những học sinh có học lực giỏi, muốn vào học trong ngành y, dược nhưng hoàn cảnh khó khăn.
Tại Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng, nhiều trường hợp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được giảng viên và Nhà trường tìm hiểu cũng như hỗ trợ giảm học phí, tạo điều kiện cho các em đi làm thêm, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học để tăng thêm thu nhập, …
Nếu chính sách trên được thực thi, tất nhiên những sinh viên y, dược phải có nghĩa vụ cống hiến, làm việc cho hệ thống y tế của quốc gia. Lúc này, nhà nước sẽ có giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành y, dược dựa trên ngân sách, nhu cầu nhân lực y tế.
Cũng theo thầy Dư, hiện nay nước ta đặc biệt thiếu nhân lực ở ngành Điều dưỡng bởi tính chất công việc rất vất vả nên nhiều người không muốn tham gia. Vậy nên, nếu phải ưu tiên ngành học nào trong khối y, dược được miễn học phí thì nên là ngành Điều dưỡng.