Trường Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội mở 3 chuyên ngành đào tạo
Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế công bố 3 chuyên ngành đào tạo mới thuộc chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế.
Theo đó, từ năm học 2025, chương trình Cử nhân Kinh tế quốc tế chính thức triển khai 3 chuyên ngành: Thương mại quốc tế, Kinh doanh quốc tế và phát triển thị trường toàn cầu, Logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Kinh tế quốc tế là một trong những ngành học mang tính dẫn dắt, gắn với các mục tiêu phát triển quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc phân hóa chương trình thành 3 chuyên ngành sâu là bước đi chiến lược trong đào tạo, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tư duy toàn cầu và năng lực hành động bản địa.
"Chúng tôi mong muốn cung cấp cho người học không chỉ một chương trình đào tạo bài bản, mà còn là một hành trình học tập trọn vẹn, nơi mỗi sinh viên hiểu rõ mình học để làm gì, có thể trở thành ai, và đóng góp thế nào cho cộng đồng, đất nước, thế giới", PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nói.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê phát biểu trong buổi công bố các chuyên ngành đào tạo ngành Kinh tế quốc tế.
PGS.TS. Vũ Thanh Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế nhấn mạnh, chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế được xây dựng theo định hướng quốc tế hóa toàn diện, kết hợp giữa lý thuyết học thuật và năng lực thực hành hiện đại.
Tại đây, sinh viên được học tập trong môi trường đổi mới, quốc tế, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, các bộ ban ngành, các tổ chức quốc tế, và có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi tín chỉ, study tour tại nhiều quốc gia.
"Ngành Kinh tế quốc tế liên tục nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất toàn trường, cho thấy sức hút ổn định và uy tín đào tạo vượt trội. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt khoảng 95%, với đầu ra đa dạng từ khu vực công đến doanh nghiệp tư nhân, tổ chức quốc tế hay học thuật, nghiên cứu", PGS.TS. Vũ Thanh Hương cho biết thêm.
Trong khuôn khổ chương trình, nhà trường tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 4 trường THPT đối tác gồm: THPT Kim Liên, THPT Đống Đa, THPT Nhân Chính và THPT Khương Đình. Đây là hoạt động khẳng định cam kết trong công tác hướng nghiệp và kết nối giáo dục giữa bậc phổ thông và đại học.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 4 trường THPT của Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm nay, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu cho 9 ngành và 30 chuyên ngành đào tạo, gồm chương trình chính quy trong nước và liên kết quốc tế.
Phương thức tuyển sinh đa dạng: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc THPT; xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và của ĐHQG Hà Nội.