Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông: Bước đột phá trong đào tạo các ngành mũi nhọn
Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên (ICTU) là một trong những đơn vị luôn khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo trong nhiều năm qua. Đặc biệt, Nhà trường đã chủ động nắm bắt xu thế, xây dựng lộ trình phát triển, quan tâm mở ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. Phát huy tối đa lợi thế, Trường là cơ sở đào tạo của Đại học Thái Nguyên tiên phong trong công tác chuyển đổi số, khẳng định bước đột phá trong xây dựng các chương trình đào tạo mới về bán dẫn vi mạch và trí tuệ nhân tạo (AI).
![Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn đội ngũ giảng viên và chuyên gia; cử tham gia nghiên cứu và hợp tác với các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức mới nhất.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_458_51350561/80b751fc91b378ed21a2.jpg)
Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn đội ngũ giảng viên và chuyên gia; cử tham gia nghiên cứu và hợp tác với các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức mới nhất.
Xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế
ICTU được biết đến từ lâu là một trong những cơ sở đào tạo uy tín của Đại học Thái Nguyên, với 24 chương trình đào tạo thuộc các nhóm ngành: Công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ số, kinh tế quản trị số, nghệ thuật và truyền thông số, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, các chương trình chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.
Trong những năm gần đây, bên cạnh các chương trình đào tạo hiện có, Nhà trường đã phát huy lợi thế, mở mới các chương trình đào tạo, trong đó có các chương trình đào tạo bán dẫn vi mạch và trí tuệ nhân tạo (Al) để thích ứng với bối cảnh giai đoạn hiện nay, khi công nghiệp bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ điện tử và đóng góp vào phát triển kinh tế và tiến bộ của xã hội.
![Lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông khen thưởng sinh viên xuất sắc - giỏi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_458_51350561/849d57d697997ec72788.jpg)
Lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ - Thông tin và Truyền thông khen thưởng sinh viên xuất sắc - giỏi.
PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng ICTU, cho biết: Công nghệ vi mạch bán dẫn không chỉ dừng lại ở ứng dụng trong các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, mà đã mở ra nhiều ứng dụng khác nhau như trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, y tế số, IoT (Internet of Things) và nhiều lĩnh vực công nghiệp khác.
Việc mở các chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường và phù hợp với chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Đặc biệt là chủ trương của tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 4.500 lao động phục vụ công nghiệp bán dẫn, công nghệ - thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), phục vụ công nghiệp bán dẫn, công nghệ - thông tin, AI. - PGS.TS Phùng Trung Nghĩa
Tăng cường hợp tác để phát triển
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường quan tâm xây dựng đội ngũ có tâm, tầm và trí tuệ. Trường hiện có 358 cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động, trong đó có 1 giáo sư, 5 phó giáo sư, 62 tiến sĩ, 178 thạc sỹ. Trường thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn đội ngũ giảng viên và chuyên gia; cử tham gia nghiên cứu và hợp tác với các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cập nhật kiến thức mới nhất; đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu và phát triển vào các vấn đề thực tiễn và công nghệ mới…
Hiện nay, lĩnh vực công nghệ bán dẫn tại Việt Nam đang có triển vọng phát triển rất khả quan, mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn cho các sinh viên tốt nghiệp ra trường, với mức lương cao và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Bởi vậy, ICTU cũng tăng cường hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp, như: Viện Công nghệ - Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm đổi mới sáng tạo NIC, Tập đoàn HCL, Tập đoàn Hồng Hải, SamSung... để chia sẻ cơ sở vật chất đào tạo, cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế và các hội thảo chuyên đề. Việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn không chỉ cung cấp cơ hội thực tập, tham gia dự án thực tế cho sinh viên mà còn mở rộng cơ hội tuyển dụng và đảm bảo đầu ra cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.
![Năm học 2024-2025, quy mô đào tạo của Trường là 10.000 sinh viên (tăng trên 1.000 người học so với năm học trước); trong đó có trên 3.000 sinh viên theo học chuyên ngành công nghệ - thông tin, bán dẫn vi mạch và AI.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_458_51350561/488f9ec45e8bb7d5ee9a.jpg)
Năm học 2024-2025, quy mô đào tạo của Trường là 10.000 sinh viên (tăng trên 1.000 người học so với năm học trước); trong đó có trên 3.000 sinh viên theo học chuyên ngành công nghệ - thông tin, bán dẫn vi mạch và AI.
Đặc biệt, ICTU đã hợp tác với Viện Công nghệ - Thông tin (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa đưa vào hoạt động Phòng thí nghiệm Công nghệ trí tuệ nhân tạo và ứng dụng (AITA LAB), với các trang thiết bị khá hiện đại, đồng bộ. Phòng thí nghiệm có tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng, phục vụ cho việc nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, học viên của 2 đơn vị. Từ đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo như các hướng nhận dạng, học máy, thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP). Đồng thời, góp phần khẳng định ICTU luôn nhấn mạnh đến vai trò của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong hoạt động công tác, giảng dạy.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Trong những năm qua, ICTU đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Bên cạnh các cơ sở vật chất dùng chung và phòng thí nghiệm cơ sở (hệ thống phòng học, giảng đường hiện đại, phòng thực hành FPGA, phòng thực hành về các hệ thống nhúng, IoT và AI), Nhà trường đầu tư thêm các phòng thí nghiệm chuyên sâu cho thiết kế vi mạch. Đồng thời, xây dựng tài liệu và tài nguyên học tập, cung cấp sách, giáo trình, tài liệu nghiên cứu và các nguồn tài nguyên học tập khác để hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên.
Nhà trường tiếp tục tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đầu ra đối với sinh viên và tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, cân nhắc đối với mỗi ngành nghề theo tình hình thực tiễn. Năm học 2024-2025, quy mô đào tạo của Trường là 10.000 sinh viên (tăng trên 1.000 người học so với năm học trước); trong đó có trên 3.000 sinh viên theo học chuyên ngành công nghệ - thông tin, bán dẫn vi mạch và AI. Những năm qua, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt cao. Trong đó, nhiều sinh viên đã phát huy năng lực, sở trưởng, vận dụng những kiến thức đã được học vào thực tiễn, có những sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả công tác và mang lại giá trị kinh tế đối với các cơ quan, đơn vị, công ty...
![ICTU tạo ra môi trường học tập hiệu quả và giúp sinh viên chuẩn bị tốt cho sự nghiệp sau khi ra trường, với mức lương ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_458_51350561/1561c22a0265eb3bb274.jpg)
ICTU tạo ra môi trường học tập hiệu quả và giúp sinh viên chuẩn bị tốt cho sự nghiệp sau khi ra trường, với mức lương ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng.
Chương trình đào tạo, phương pháp và môi trường đào tạo kết hợp hợp tác với ngành công nghiệp, đào tạo gắn với thực tiễn, hỗ trợ tìm việc, đảm bảo chất lượng đào tạo, ICTU đã tạo ra môi trường học tập hiệu quả và giúp sinh viên chuẩn bị tốt cho sự nghiệp sau khi ra trường, với mức lương ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng. Riêng đối với sinh viên học chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn, AI, Nhà trường đảm bảo việc làm cho 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp, mức lương từ 15-30 triệu đồng/tháng. Nhà trường cũng dự kiến mở rộng quy mô đào tạo về vi mạch bán dẫn và AI khoảng 400 sinh viên/năm...
Trong thời gian tới, ICTU tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI vào hệ thống quản lý đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học và đảm bảo sinh viên đạt được các chuẩn đầu ra cao hơn, đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực và kỹ thuật hiện đại của ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng và nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên sâu; hiện đại hóa hệ thống hạ tầng công nghệ - thông tin để hỗ trợ các dự án nghiên cứu và ứng dụng AI trong đào tạo và thực hành; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đối với sinh viên, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn và AI....