Trưởng Công an xã '3 cùng' với bà con vùng hạn mặn

Mùa khô năm 2024, trời nắng như đổ lửa. Đường sá thưa vắng người qua lại. Thỉnh thoảng có chiếc xe gắn máy vụt qua rồi khuất nhanh sau những hàng cây xanh như để trốn chạy cái nắng nóng. Rất bất ngờ, một xe tải nhỏ chở theo nhiều thùng nước len lỏi giữa con đường nông thôn gập ghềnh. Và người điểu khiển xe mặc sắc phục Cảnh sát chính là Trung tá Thạch Quốc Thi, Trưởng Công an xã Lịch Hội Thượng.

Anh Trương Quang Toàn (ngụ ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) chia sẻ: “Những ngày tháng 3 và 4 năm 2024, nhiều hộ dân xã Lịch Hội Thượng và một số xã lân cận thiếu nước sạch sử dụng. Trước tình hình đó, Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức hỗ trợ nước sạch cho người dân. Bên cạnh sự hỗ trợ của Công an tỉnh, bà con còn cảm phục khi đồng chí Thạch Quốc Thi cùng CBCS Công an xã bất chấp cái nắng như đổ lửa, chở nước đến tận nhà cho bà con ở vùng xa, vùng sâu mà xe lớn không vào được”.

Trung tá Thạch Quốc Thi (thời điểm đầu năm 2024 là Thiếu tá) chở nước sạch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn mặn khốc liệt.

Trung tá Thạch Quốc Thi (thời điểm đầu năm 2024 là Thiếu tá) chở nước sạch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi hạn mặn khốc liệt.

Trung tá Thạch Quốc Thi, Trưởng Công an xã Lịch Hội Thượng cho biết: “Nhiều hộ dân ở xã Lịch Hội Thượng, nhất là các ấp ở sâu, ở xa thiếu nước sạch sinh hoạt nhiều ngày. Lúc đó, tôi liên hệ một số nơi có nước sạch xin về cho bà con. Xe chỉ vào được đường lớn. Chúng tôi nhờ người dân ở cạnh đường lớn hỗ trợ bể chứa. Bà con lân cận có nhu cầu thì mang dụng cụ ra lấy nước về sử dụng, còn ở xa, chúng tôi dùng xe tải nhỏ chở nước vào tận nhà cho bà con. Có ngày chúng tôi chở được trên 60m3 nước sạch cấp cho hàng trăm hộ dân ở ấp Nam Chánh và một số hộ ở ấp Giồng Cát (xã Liêu Tú), ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình) của huyện Trần Đề”.

Thời điểm khô hạn khốc liệt diễn ra đúng vào dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024 của đồng bào Khmer nên công việc của Trung tá Thi và đồng đội vô cùng vất vả. Vừa bố trí lực lượng giữ gìn an ninh trật tự để bà con vui Tết, vừa bố trí người đi cấp nước cho người dân. Với chiếc xe tải nhẹ được Bộ Công an trang cấp, Trung tá Thi sử dụng đi từng ngõ nhỏ, mang những thùng nước sạch đến với bà con trong sự xúc động khôn tả. Để kịp thời phục vụ người dân, đồng chí Thi bỏ tiền túi mua hàng chục can nhựa 30 lít chứa nước rồi mang tới tận nhà hỗ trợ bà con. Đặc biệt, đồng chí còn trích một phần tiền lương mua xăng để chạy ôtô của đơn vị chở nước hỗ trợ nhân dân. Nơi nào không có đường nhựa, anh và đồng đội phải đi xuồng cả mấy cây số mang nước sạch đến cho bà con.

Ông Sơn Quên (76 tuổi, ngụ xóm Kinh Ngang, ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng) có hoàn cảnh éo le khi vợ mất, ông ở một mình trong căn chòi rách nát. “Xóm Kinh Ngang có 7 hộ. Chúng tôi gọi là xóm “3 không” vì không có đường, không điện, không nước sạch. Những ngày khô hạn, nước kênh nhiễm mặn chúng tôi vẫn phải dùng. Rất may vào thời điểm đó, chú Thi cùng anh em Công an xã dùng vỏ lãi chở nước vào tận nhà cho bà con, xúc động lắm” - ông Sơn Quên bày tỏ.

Bà Diệp Thị Suôn (67 tuổi, hàng xóm với ông Sơn Quên) tiếp lời: “Không có chú Thi và anh em Công an giúp, chúng tôi muốn có nước sạch sử dụng phải đi xuồng ra ngoài chợ, cách 3 - 4 cây số để mua. Trung tá Thạch Quốc Thi phân trần: “Đừng nói gì 6, 7 hộ, ở nơi xa chỉ có một hộ chúng tôi cũng phải đưa nước đến”.

Những ngày giúp dân giải tỏa cơn khát nước sạch, Trung tá Thi và đồng đội ăn vội bên đường những hộp cơm, gói mì dã chiến, dù nhà của các đồng chí không xa nơi cấp nước cho bà con... Ông Sơn Quên xúc động: “Tôi nhớ mãi, có lần chú xuống thăm mang theo hai túi gạo, hai thùng mì, một thùng sữa và một nồi thịt kho. Nhận quà tôi bật khóc. Chú Thi còn vận động cất cho tôi một căn nhà nhỏ thay cho mái lá lụp xụp, ọp ẹp, rồi mua cho một số đồ dùng khác. Chú còn vận động hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Mới đây, chú ấy còn vận động các nhà hảo tâm cất cho bà con một cây cầu để đi lại dễ dàng hơn”.

Cách đây mấy năm, anh Út Em nghe lời rủ rê của đối tượng xấu nên sa ngã và phải chịu án tù. Theo Trung tá Thạch Quốc Thi, hoàn cảnh sa ngã của Út Em khá đặc biệt. Thời điểm đó, anh trai của Út Em bị bệnh nặng, cần truyền máu, chi phí điều trị khá cao. Nhà cửa, đất đai thậm chí cả chiếc xe máy, anh Út Em cũng bán để chạy chữa cho anh trai nhưng vẫn thiếu. Trong cơn túng quẫn, không biết xoay xở đâu ra tiền để điều trị tiếp cho anh trai, Út Em bị một số kẻ xấu rủ rê trộm cắp tài sản. Ngay lần đầu tham gia, Út Em và đồng bọn đã bị người dân phát hiện. Do sợ hãi nên Út Em bỏ chạy, còn đồng bọn quay lại chống trả nên bị bắt. Út Em ra đầu thú, bị tuyên phạt 3 năm tù giam. “Sau khi mãn hạn tù, tôi trở về địa phương. Thời gian đầu, tôi mặc cảm lắm nhưng nhờ sự động viên, chia sẻ của người thân, sự quan tâm của xóm giềng, đặc biệt là sự giúp đỡ của anh Thi, tôi đã hòa nhập với cộng đồng, tu chí làm ăn”, anh Út Em tâm sự.

Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Trung tá Thạch Quốc Thi và Công an xã Lịch Hội Thượng, anh Út Em được một chủ đầm tôm nhận vào làm công, bao ăn ngày 3 bữa, mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch, chủ còn thưởng thêm cho 2 vợ chồng vài chục triệu đồng. Kinh tế gia đình anh hiện khá ổn định, các con có điều kiện ăn học. Hai vợ chồng anh cũng tiết kiệm, gom góp được 200 triệu đồng xây ngôi nhà kiên cố tránh mưa nắng.

Anh Út Em hồ hởi: “Anh Thi giúp tôi rất nhiều. Khi tôi ra tù, anh bảo lãnh cho tôi đi làm cho các đầm tôm trong huyện. Vợ chồng đã có cuộc sống ổn định, đã xây được căn nhà kiên cố. Đại dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng khi chủ đầm tôm gặp khó khăn. Một lần nữa, anh Thi hỗ trợ để chúng tôi được vay vốn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà”.

Trung tá Thạch Quốc Thi dành nhiều thời gian đến từng xóm, ấp; quen thuộc từng đường ngang, ngõ tắt; tìm hiểu gia cảnh từng hộ dân trên địa bàn xã. Bằng kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động nhân dân, Trung tá Thi nhanh chóng gặp gỡ những người uy tín trong đồng bào dân tộc, thực hiện phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng lao động, cùng nói tiếng đồng bào), tuyên truyền giải thích đến từng người dân, tranh thủ tiếng nói của người uy tín để tuyên truyền tới các hộ gia đình những chủ trương, quy định của pháp luật liên quan đến quy trình, chủ trương đền bù giải phóng mặt bằng. Lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc, yêu cầu của người dân, từ đó tham mưu cho lãnh đạo có phương án giải quyết hợp lý. Bằng sự chân thành, gần gũi, khả năng thuyết phục cao của Trung tá Thạch Quốc Thi, người dân địa phương hưởng ứng, đồng thuận việc thực hiện các dự án trên địa bàn.

Để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn, Trưởng Công an xã Lịch Hội Thượng đặc biệt quan tâm, củng cố, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Anh chủ động tham mưu, xây dựng, thực hiện nhiều mô hình phòng, chống tội phạm, như: “Mô hình camera an ninh”, “Đường dây nóng tố giác tội phạm”, “Sư sãi cùng phật tử tham gia đảm bảo ANTT”, “Tổ bảo vệ ANTT cơ sở”... Các mô hình đều phát huy hiệu quả, góp phần phòng, chống tội phạm trên địa bàn, giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Gần dân, lo cho dân như người thân yêu của mình, Trung tá Thạch Quốc Thi còn động viên bà con, nhất là đồng bào Khmer lo cho con cái học hành, lấy cái chữ để cải thiện cuộc sống. Trường hợp nào có khó khăn, đồng chí hướng dẫn bà con làm hồ sơ để được hưởng các chính sách của Nhà nước. Từ đó, nhiều học sinh được đến trường, mở ra tương lai tốt đẹp cho các em, chắp cánh cho ước mơ của các em bay cao, mai này bước vào đời vững vàng lập thân, lập nghiệp. “Phần thưởng lớn nhất của tôi là được bà con mến yêu, tin tưởng. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là được phục vụ cho nhân dân như lời dạy của Bác Hồ”, Trung tá Thi cho biết.

V.Đức – C.Xuân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/truong-cong-an-xa-3-cung-voi-ba-con-vung-han-man-i758395/
Zalo