Trưởng Công an phường kể chuyện quản lý địa bàn

Lần nào cũng vậy, mỗi khi trở lại làng Thủ Lệ, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội - địa bàn từng có hơn 10 năm gắn bó, Trung tá Nguyễn Đức Quý, Trưởng Công an phường Kim Mã, quận Ba Đình vừa cảm thấy thân quen nhưng cũng vừa xa lạ. Quen bởi ở đó, anh được gặp lại những con người đã nhiều năm gắn bó; lạ bởi sự đổi thay hằng ngày, hằng giờ ở nơi đây…

Đào Tấn giờ đã trở thành trục đường trung tâm sầm uất; làng Thủ Lệ giờ có những người gốc địa phương sinh sống nhưng cũng có người từ nơi khác đến đây an cư, lập nghiệp. Với người Trưởng Công an phường, đó còn là tình nghĩa của người dân với một cán bộ Công an.

Theo nhiệm vụ được phân công, Trung tá Nguyễn Đức Quý giờ là Trưởng Công an phường Kim Mã, quận Ba Đình nhưng mỗi khi vào dịp lễ, Tết hay hội làng, anh vẫn được đón nhận tình cảm của người dân nơi đây. Giá trị những món quà tuy không lớn, khi thì một cặp bánh chưng, lúc là cân giò… nhưng chứa đựng tình cảm của người dân với người cán bộ Công an tận tụy, trách nhiệm với công việc. Điều đó, giúp người Trưởng Công an phường càng cảm nhận rõ nét hơn câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

Trung tá Nguyễn Đức Quý cùng đồng đội trao đổi công việc.

Trung tá Nguyễn Đức Quý cùng đồng đội trao đổi công việc.

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Với Trung tá Nguyễn Đức Quý, hơn 20 năm công tác trong lực lượng CAND, quãng thời gian gắn bó với phường Ngọc Khánh để lại cho anh thật nhiều cảm xúc. Năm 2002, anh nhận công tác tại Công an phường Ngọc Khánh, Công an quận Ba Đình cũ và được giao làm Cảnh sát khu vực. “Vào thời điểm đó, việc một cán bộ trẻ chân ướt, chân ráo ra trường xung phong nhận nhiệm vụ tại địa bàn “nóng” nhất về ANTT trên địa bàn phường, khiến lãnh đạo và nhiều CBCS của Công an phường khá bất ngờ. Có người còn tỏ ra hoài nghi, không biết tôi có đảm đương được nhiệm vụ hay không?”- Trung tá Nguyễn Đức Quý nhớ lại.

Về phần mình, vào thời điểm đó, Nguyễn Đức Quý chỉ nghĩ rằng mình còn trẻ, nếu không “thử sức” ở những việc khó thì không thể trưởng thành được. Hăm hở, nhiệt tình là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, không ít lần anh cảm thấy nhụt chí; lo lắng không biết có thể hoàn thành được nhiệm vụ hay không? Muốn quản lý được địa bàn phải nắm chắc được tình hình. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, với sự dìu dắt của các thế hệ đi trước; sự đồng lòng của người dân, anh đã từng bước thực hiện được mong muốn của mình; mang lại sự bình yên cho địa bàn.

“Cho đến bây giờ, ấn tượng về lần đầu tiên đặt chân vào làng Thủ Lệ vẫn còn hằn in trong tâm trí của tôi. Đó là ánh mắt ngây thơ, trong trẻo của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa Thủ đô hoa lệ nhưng không được cắp sách đến trường. Đó còn là ánh mắt tuyệt vọng, bất lực của người mẹ bởi những đứa con dần trượt ra khỏi vòng tay, dính vào các tệ nạn xã hội… Đó còn là những căn nhà “không số, phố không tên”; với số đối tượng quản lý ở địa bàn khi đó bằng cả Công an phường cộng lại. Đó còn chưa kể đến các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm len lỏi vào từng ngõ ngách, với hình ảnh của những cô gái ăn mặc thiếu vải, sau một đêm vật lộn mưu sinh vội vã trở về trong các căn phòng trọ chật hẹp”, Trung tá Nguyễn Đức Quý nhớ lại.

Bởi thế mà ngoài những lúc phải làm việc tại trụ sở, anh lại xuống cơ sở; thông qua các đồng chí bí thư chi bộ, bảo vệ dân phố, đặc biệt là những người có uy tín trong các dòng họ để nắm bắt những vấn đề nổi cộm, cần giải quyết… Cũng vào thời điểm này, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân bắt đầu gia tăng cùng việc mở con đường Đào Tấn.

Những miếng đất đầu thừa, đuôi thẹo trước kia vốn chẳng có giá trị cao, người ta có thể dễ dàng cho nhau bằng miệng bỗng chốc được Nhà nước đền bù một khoản tiền lớn. Mâu thuẫn cũng vì thế mà phát sinh… Vì quyền lợi, nhiều người trước đây là “hàng xóm tắt lửa tối đèn”, thậm chí là anh em “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” cũng trở mặt với nhau. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì sẽ nảy sinh thành những mâu thuẫn lớn, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

“Vào thời điểm đó, họ Đào là dòng họ lớn nhất, bác trưởng dòng họ là người có uy tín với các dòng họ khác nên tôi đã gặp gỡ, tranh thủ sự ủng hộ của bác. Với sự giúp đỡ của bác, tôi đã hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp từ cơ sở, không để nảy sinh vấn đề phức tạp trên địa bàn” -Trung tá Nguyễn Đức Quý cho biết.

Chuyển hóa địa bàn từ việc giúp đỡ nhân dân

Khi xuống địa bàn, anh nhận thấy các số nhà trong khu dân cư đánh không theo thứ tự; một số trường hợp thì địa chỉ trên sổ đỏ, sổ hộ khẩu không trùng khớp. Sau khi báo cáo và được sự đồng ý của lãnh đạo, anh đã gặp gỡ người dân, cam kết điều chỉnh thông tin trên các giấy tờ giúp họ… Để người dân tin tưởng, anh đã viết cam kết nhận giấy tờ rồi lên Công an quận cũ, phối hợp với các đơn vị chức năng điều chỉnh phù hợp rồi bàn giao cho người dân.

Rồi trong quá trình làm nhiệm vụ tại Công viên - vườn thú Thủ Lệ, anh thấy khu vực cổng công trình văn hóa “mạnh ai, người đấy làm”. Ngoài sự nhếch nhác ở công trình văn hóa, nơi du khách cả nước về tham quan còn xảy ra tình trạng mất ANTT. Khi đó, anh báo cáo với ban chỉ huy, tham mưu với UBND phường thành lập tổ dịch vụ; tổ chức cho các hộ kinh doanh nộp thuế theo quy định; cam kết kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; việc trông xe đảm bảo đúng giá quy định. Từ đó, tạo ra nếp sống nền nếp văn hóa…

Những vấn đề nổi cộm được lần lượt giải quyết, Trung tá Nguyễn Đức Quý đã dần lấy được lòng tin của người dân trên địa bàn. Những khi có việc làng hoặc gia đình có con, em cưới hỏi, mọi người đều mời anh tham dự như người thân trong gia đình. Có một câu chuyện mà đến giờ anh còn ấn tượng, đó là lần vận động một đối tượng truy nã ra đầu thú. Đối tượng có anh em sinh đôi, hình thức bên ngoài rất giống nhau…

Lần đó, các lực lượng nghiệp vụ của Công an thành phố và Công an quận có mặt tại nhà, tổ chức lực lượng bắt giữ nhưng đối tượng trốn truy nã cố thủ trong nhà. Sau khi được thuyết phục, đối tượng đồng ý ra đầu thú với điều kiện phải có Trung tá Nguyễn Đức Quý… Sau khi gặp gỡ, giáo dục, Trung tá Nguyễn Đức Quý đã đưa đối tượng đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đầu thú.

Từng vấn đề được giải quyết, người cán bộ cảm thấy vui như giải được một bài toán khó, anh càng say mê công hiến. Với những kết quả đạt được, năm 2011, anh được bổ nhiệm là Phó trưởng Công an phường Ngọc Khánh; đến năm 2014, được bổ nhiệm làm Trưởng Công an phường.

Năm 2023, Trung tá Nguyễn Đức Quý được điều động về Công an phường Kim Mã. Ở cương vị công tác mới, người Trưởng Công an phường vẫn phát huy thành tích đạt được. Bắt đầu bằng công tác xây dựng lực lượng, quan tâm đến đời sống của anh em. Cùng với đó là việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác chuyên môn trên từng lĩnh vực để giảm tải công tác nhanh chóng hóa thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cộng tác viên trong công tác nắm tình hình, tự quản tại từng nhóm, từng địa bàn dân cư theo đặc điểm cụ thể của từng nơi; và với sự hưởng ứng tích cực, mỗi cá nhân đều trở thành hạt nhân tốt trong đảm bảo ANTT…, trong năm 2024, Kim Mã là một trong những đơn vị kiễu mẫu về ANTT.

Anh đã cùng với ban chỉ huy Công an phường lãnh đạo đơn vị, cùng CBCS thực hiện được nhiều kết quả cao trong công tác. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về ANCT trên địa bàn, các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện lớn của đất nước, Thủ đô và địa phương diễn ra trên địa bàn phường. Kết quả thực hiện chỉ tiêu cụ thể, trong 3 năm, số vụ phạm pháp được kìm chế và kéo giảm trên 5%; điều tra khám phá án đạt trên 80%; nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Với những kết quả, thành tích đã đạt được, Trung tá Nguyễn Đức Quý nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; vinh dự được Bộ Công an tặng Bằng khen, Giám đốc Công an TP Hà Nội tặng Giấy khen…

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/truong-cong-an-phuong-ke-chuyen-quan-ly-dia-ban-i768701/
Zalo