Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên: Chuyển mình sau 3 năm tự chủ hoàn toàn
Sau hơn 3 năm chuyển từ đơn vị tự chủ một phần thành đơn vị tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá trong tổ chức bộ máy và hoạt động chuyên môn. Nhà trường đã giảm từ 28 đầu mối cấp phòng xuống còn 16, giảm số viên chức, người lao động từ 210 người xuống còn 159...
ThS, Bs Bế Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, chia sẻ: Thực hiện tự chủ tài chính từ tháng 7-2021, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Về chủ quan, còn có nhiều cá nhân chưa thích nghi với sự thay đổi, thụ động trong công việc. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế chung khiến nhiều học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn làm công nhân tạo thu nhập tức thời, trong khi xuất hiện tâm lý e ngại học nghề y bởi tính nguy hiểm và sự vất vả bộc lộ qua đại dịch.
Do đó, ngay năm 2021, lượng tuyển sinh của Nhà trường chỉ đạt 458 học sinh, sinh viên ở 3 bậc học: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp.
Đặc biệt, năm 2022, không chỉ kết quả tuyển sinh đạt thấp (508 học sinh, sinh viên), Nhà trường thâm hụt chi lớn hơn thu 3 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định do bộ máy cồng kềnh, hoạt động chưa hiệu quả, nguồn thu chưa đa dạng... Thời điểm đó, Nhà trường có tới 28 phòng, bộ môn, trung tâm trực thuộc với 210 viên chức, người lao động.
Trước những khó khăn hiện hữu, đơn vị đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, một mặt thực hiện các biện pháp cắt, giảm chi để đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với viên chức, người lao động cũng như nghĩa vụ với Nhà nước; triển khai tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường thực hành tiết kiệm; chú trọng hơn về công tác tuyển sinh…
Ngay trong năm 2022, Nhà trường đã rà soát tổng thể nhân lực để xây dựng phương án sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm. Từ đó đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động người lao động tại một số vị trí việc làm tình nguyện nghỉ chế độ hoặc chuyển công việc phù hợp hơn. Nhà trường cũng triển khai thu gọn các đơn vị cấp phòng từ 28 đầu mối xuống còn 16.
Thạc sĩ Phạm Thị Ngọc Diệp, Phó Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, cho biết: Các kế hoạch, đề án tinh gọn bộ máy đều được công khai, họp bàn tới từng viên chức, người lao động. Mỗi cá nhân viên chức, người lao động của Nhà trường đều được tham gia ý kiến dân chủ để đưa ra nghị quyết cùng thực hiện. Qua đó, năm 2022, Nhà trường không chỉ thu gọn còn 16 đơn vị cấp phòng mà còn giảm được 40 viên chức, người lao động.
Song song với đó, từ cuối năm 2022, Nhà trường đã điều chỉnh lại phương pháp tuyển sinh, mở rộng địa bàn truyền thông. Đồng thời yêu cầu mỗi viên chức, người lao động nâng cao trách nhiệm, trực tiếp tham gia tuyển sinh và vận động các học sinh, sinh viên cùng góp sức truyền thông tuyển sinh với Nhà trường.
Nhà trường cũng đẩy mạnh các các hoạt động đào tạo liên tục, đào tạo thường xuyên; xây dựng hàng loạt chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu của xã hội; chủ động khai thác nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh; kết nối các đơn vị sử dụng lao động phù hợp với ngành, nghề đào tạo; đẩy mạnh các giải pháp thực hành tiết kiệm; kêu gọi viên chức, người lao động chủ động nâng cao trình độ và phát huy tính tự giác…
Từ những giải pháp trên, sau hơn 3 năm thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn, Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đã chuyển mình mạnh với nhiều thay đổi lớn trong tổ chức bộ máy, tuyển sinh cũng như công tác chăm lo đời sống người lao động.
Về tinh gọn bộ máy, không những giảm xuống còn 16 đơn vị cấp phòng, Nhà trường còn giảm tới trên 24% nhân lực, từ 210 viên chức, người lao động xuống còn 159. Trong khi đó, kết quả tuyển sinh ở 3 bậc học: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp của nhà trường đã tăng gần 230% từ 458 năm 2021 lên 1.040 năm 2024.
Cũng trong năm 2024, Nhà trường tổ chức đào tạo liên tục cho trên 1,7 nghìn học viên, hiện có trên 1,8 nghìn học sinh, sinh viên các cấp, bậc học, trong đó có trên 1,5 nghìn sinh viên hệ cao đẳng…
Về tài chính, năm 2023, Nhà trường có chênh lệch thu đã lớn hơn chi, bù đắp được toàn bộ phần thâm hụt từ năm 2022 và có thặng dư. Qua đó không chỉ bảo đảm tiền lương mà đã bắt đầu chi lương tăng thêm và thường xuyên tổ chức được nhiều hoạt động công đoàn, động viên tinh thần viên chức, người lao động.
Theo ThS, Bs Bế Thu Hà, chuyển biến của đơn vị qua công tác tự chủ không chỉ bao gồm các số liệu thống kê kể trên mà còn được đánh giá qua việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi viên chức, người lao động đối với tập thể. Viên chức, người lao động trong Nhà trường không chỉ thích nghi với điều kiện mới, năng động và hiệu quả hơn trong thực hiện nhiệm vụ mà còn trách nhiệm hơn đối với công việc chung quan trọng nhất là nâng cao chất lượng đào tạo.
Vượt qua những khó khăn của giai đoạn đầu thực hiện tự chủ, đến nay Nhà trường đã hoạt động ổn định, góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước theo tinh thần của Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư.
Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu các địa phương đưa chỉ tiêu phát triển các trường nghề vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - Xã hội hàng năm, hướng tới mục tiêu có khoảng 50-55% học sinh THPT phân luồng vào đào tạo nghề trong giai đoạn 2030-2045.