Trước ngưỡng cửa nâng hạng: Chứng khoán Việt đã cải thiện, song tiêu chuẩn lại cao hơn

Việt Nam đang tiến gần đến cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán từ FTSE Russell. Cải cách mạnh mẽ đã mở đường, nhưng liệu thị trường có đáp ứng được kỳ vọng quốc tế?

Khi thời điểm công bố báo cáo giữa kỳ của FTSE Russell về kết quả xếp hạng thị trường đang đến gần, thị trường xôn xao trở lại về khả năng Việt Nam được nâng hạng từ Thị trường cận biên lên Thị trường mới nổi trong năm 2025.

Dù được nâng hạng sẽ là một cột mốc đáng chú ý, việc nhìn nhận lại hành trình phát triển thị trường trong một thập kỷ qua và động lực hiện tại cũng mang rất nhiều ý nghĩa.

Nhìn lại hành trình phát triển

Trước hết là câu chuyện tăng trưởng. Trong một thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển đáng kể khi chỉ số VN-Index tăng 2,3 lần, vốn hóa thị trường tăng 6,4 lần và thanh khoản tăng 3,8 lần. Số lượng tài khoản giao dịch tăng 6,7 lần, số lượng mã số giao dịch chứng khoán (MSGD) cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tăng 2,8 lần.

Chỉ tính riêng trong năm ngoái, chỉ số VN-Index tăng gần 13%, vốn hóa thị trường tăng 21% và đạt xấp xỉ 70% GDP. Số lượng tài khoản giao dịch vượt mốc 9 triệu tài khoản (tương đương với 9% dân số).

Rõ ràng, các chỉ số và các bước phát triển định lượng không phải là rào cản đối với tiến trình nâng hạng và câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam rất đáng được ghi nhận.

Với câu chuyện cải cách, các tiêu chí định tính nhằm đánh giá thị trường thường khó đo lường hơn, do đó, các nhà cung cấp chỉ số như FTSE Russell cùng cộng đồng đầu tư nước ngoài xây dựng một hệ thống các tiêu chí đánh giá. Quy trình này hoàn toàn công khai, minh mạch, theo đó, Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi từ năm 2018.

Các chính sách cải cách gần đây đã được đưa ra nhằm mục tiêu đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, đồng thời, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nói chung cho nhà đầu tư nước ngoài.

Các chính sách này bao gồm gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với giao dịch mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường (MSGD điện tử và sử dụng điện SWIFT); công bố thông tin bắt buộc bằng tiếng Anh theo lộ trình đối với tổ chức phát hành và áp dụng ngay đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và các Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK).

Cùng với đó, cải thiện quy định về giao dịch ngoài sàn và áp dụng bỏ phiếu điện tử/họp trực tuyến nhằm hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền bỏ phiếu tại đại hội cổ đông của công ty đại chúng.

Các chính sách cải cách không chỉ dừng ở đó. UBCK mới đây đã đưa ra một công bố bằng tiếng Anh trên trang thông tin điện tử chính thức, cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin ngay lập tức mà không cần nhờ đến dịch thuật hay công cụ AI. Công bố này cho thấy Việt Nam đang nhanh chóng giải quyết các vấn đề FTSE Russell nêu ra hồi tháng 2/2025.

Trong số chín giải pháp cụ thể được đưa ra, một giải pháp đã được áp dụng, bốn giải pháp được kỳ vọng sẽ triển khai ngay trong vòng ba tháng tới và chỉ có một giải pháp chiến lược liên quan tới hoạt động thanh toán bù trừ thông qua mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty - CCP) dự kiến triển khai sau năm 2025.

Nếu như tốc độ phát triển thị trường còn khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi trong giai đoạn giữa năm 2024 thì giờ đây, tiến độ dường như đã trở nên rõ nét hơn.

Ai sẽ hưởng lợi?

Những cải cách nói trên dường như nhắm tới nhóm nhà đầu tư tổ chức nước ngoài nhưng trên thực tế, quá trình phát triển thị trường chứng khoán mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia thị trường thông qua việc tác động tích cực lên chức năng của thị trường vốn.

Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm gần 90% giao dịch trên thị trường chứng khoán, việc liên tục cải thiện chất lượng thị trường có thể giảm thiểu rủi ro cho nhóm này.

Khuôn khổ pháp lý vững chắc, tăng cường giám sát thị trường, cải thiện quản trị doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, tăng tính minh bạch và hiệu quả không chỉ giúp nhà đầu tư nước ngoài vững tin hơn mà còn củng cố niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư trong nước.

Việt Nam được nâng hạng sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng, nhưng không thể không công nhận rằng, tiềm năng của thị trường vốn Việt Nam mới là điều đáng nói hơn cả.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC ghi nhận, Việt Nam là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất ASEAN trong năm 2024, nhưng thị trường vốn vẫn chưa được coi là phát triển đúng tiềm năng khi mà ở đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng trong nhiều thập kỷ qua.

So với các nước ASEAN khác, sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng so với dòng vốn từ thị trường chứng khoán của Việt Nam đang ở mức đáng chú ý.

Mức độ quá phụ thuộc vào tín dụng này có thể dẫn đến việc những điều chỉnh tác động bất lợi lên chi phí đi vay như hồi cuối năm 2022, khi chi phí tăng khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh và ảnh hưởng bất lợi đến nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước, đặc biệt là ngân hàng và bất động sản.

Nhóm Ngân hàng Thế giới từng nhận định hồi tháng 8/2024 rằng, thị trường vốn Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong một thập kỷ qua và bắt kịp với các thị trường khác có cùng quy mô. Tuy nhiên, khi đánh giá ba chức năng của thị trường vốn, bao gồm huy động vốn, tích lũy tiết kiệm và thiết lập giá, báo cáo của tổ chức này đã chỉ ra những mảng cần cải thiện ở từng chức năng.

Một vấn đề then chốt được nhấn mạnh chính là chưa phát triển nhóm các nhà đầu tư tổ chức. Số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường chứng khoán có thể tạo ra nhiều biến động mạnh làm giảm động lực niêm yết của các công ty chất lượng trong bối cảnh thị trường thiếu vắng những nhà đầu tư dài hạn có chất lượng.

Việc nâng hạng được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng huy động vốn của thị trường, hỗ trợ phát triển kinh tế. Nếu chính thức triển khai, FTSE Russell ước tính Việt Nam có thể thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài trị giá khoảng 6 tỷ USD, tương đương hơn 1% GDP.

Việc này cũng giúp thị trường ổn định hơn thông qua sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức dài hạn trên thị trường, góp phần giải quyết các vấn đề hạn chế nêu trên. Một thị trường vốn vận hành đầy đủ chức năng, có khả năng huy động và phân bổ hiệu quả vốn cho các lĩnh vực, ngành nghề, sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng GDP cho Việt Nam và giảm thiểu rủi ro liên quan đến tình trạng quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Con đường phía trước

HSBC hiện đang cung cấp dịch lưu ký chứng khoán cho khoảng 50% nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và chúng tôi thực sự yên tâm khi chứng kiến các cơ quan quản lý đã tích cực tiếp nhận ý kiến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài về các thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm thúc đẩy phát triển thị trường.

Đây là một hướng đi đúng đắn được thực tiễn chứng minh mà chúng tôi đã quan sát được ở các thị trường từng trải qua quá trình nâng hạng.

Một thử thách tiềm tàng đối với Việt Nam chính là tiêu chuẩn đối với thị trường vốn liên tục được nâng cao trong bối cảnh các thị trường khác không ngừng cạnh tranh.

FTSE Russell đã chia sẻ trong các phiên thảo luận rằng họ không đơn thương độc mã đưa ra quyết định mà chính thị trường sẽ tham gia vào quá trình này. Thực tế, việc đánh giá và xếp hạng được các ủy ban và hội đồng xem xét cũng như phê duyệt trong tháng 03/2025 trước khi kết quả sơ bộ được công bố sau đó.

Có thể Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu cố định, nhưng tiêu chuẩn để cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đưa ra ý kiến mang tính định tính được nâng lên một mức cao hơn so với thời điểm trước đây khi các thị trường láng giềng trong khu vực ASEAN được nâng hạng.

Kinh nghiệm của HSBC cho thấy, các nhà đầu tư tổ chức sẽ liên tục trông đợi thị trường có những bước phát triển mang lại hiệu quả, an toàn tài sản và khả năng mở rộng quy mô.

Xét những yếu tố này cũng như những cải cách chính sách nhờ tiếp thu ý kiến cộng đồng quốc tế, có thể thấy câu chuyện phát triển thị trường của Việt Nam vẫn rất tích cực.

Dù kết quả thế nào, HSBC Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển và tiến hóa, phát huy thành công đạt được trong 25 năm khai mở tiềm năng kể từ phiên giao dịch đầu tiên vào tháng 7/2000, mang lại lợi ích chung cho Việt Nam.

*Bài viết thể hiện quan điểm của ông Gary Harron, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam

*Ông Gary Harron, HSBC

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/truoc-nguong-cua-nang-hang-chung-khoan-viet-da-cai-thien-song-tieu-chuan-lai-cao-hon-d39457.html
Zalo