Trước khi gặp khó, Lộc Trời đã bị từ chối ghi hàng trăm tỷ tiền lãi

Năm 2023, báo cáo tài chính tự lập của Lộc Trời ghi nhận khoản lãi hơn 300 tỷ đồng từ việc mua lại một công ty liên kết. Tuy nhiên, phía kiểm toán đã không công nhận khoản lãi này.

 Lộc Trời đang đối mặt với tình trạng kết quả kinh doanh suy yếu. Ảnh: LTG.

Lộc Trời đang đối mặt với tình trạng kết quả kinh doanh suy yếu. Ảnh: LTG.

Mất 3 thập niên để phát triển từ một công ty sản xuất, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhưng chỉ trong một năm trở lại đây, hiệu quả kinh doanh đi xuống cùng mâu thuẫn ở thượng tầng ban lãnh đạo đang khiến Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) khó khăn.

Mâu thuẫn ban lãnh đạo

Những mâu thuẫn trong ban lãnh đạo Lộc Trời chủ yếu cũng xoanh quanh vấn đề tài chính mà tập đoàn đang gặp phải. Theo đó, HĐQT Lộc Trời đã có công văn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, cựu Tổng giám đốc. Ông Thuận bị cáo buộc có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty.

Trước đó, cũng chính HĐQT Lộc Trời đã quyết định miễn nhiệm ông Thuận khỏi vị trí Tổng giám đốc sau giai đoạn kinh doanh kém hiệu quả và gặp khó khăn về dòng tiền.

Chia sẻ trong một sự kiện gần đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Lộc Trời, cho biết sai lầm trong việc lựa chọn người điều hành đã dẫn đến tình thế cực kỳ nguy hiểm cho doanh nghiệp.

Vị chủ tịch tố đã bị "dẫn công ty vào một cái bẫy và chúng ta bị địch phục kích ở đó, kịch bản được đưa ra vô cùng tinh vi". Điều này dẫn tới kết quả kinh doanh đi xuống rất nhanh của doanh nghiệp, khiến công ty "chưa bao giờ thua lỗ" phải "gặp thua lỗ nặng như ngày hôm nay”.

 Ông Huỳnh Văn Thòn (trái), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chuyển giao quyền điều hành doanh nghiệp cho ông Nguyễn Duy Thuận năm 2020. Ảnh: LTG.

Ông Huỳnh Văn Thòn (trái), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời chuyển giao quyền điều hành doanh nghiệp cho ông Nguyễn Duy Thuận năm 2020. Ảnh: LTG.

Trước những sự việc trên, ông Thuận chỉ chia sẻ hiện Lộc Trời đang ở trong giai đoạn rất khó khăn, bất kỳ phát ngôn thiếu cẩn trọng nào cũng làm cho mọi việc khó khăn hơn cho tập đoàn và nhấn mạnh: "Thời gian sẽ trả lời mọi chuyện".

Dù mâu thuẫn ở thượng tầng lãnh đạo liên quan việc điều hành, lèo lái doanh nghiệp mới diễn ra gần đây, hoạt động kinh doanh của Lộc Trời đã xuất hiện những dấu hiệu bất thường từ năm 2023.

Tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (E&Y) - đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Lộc Trời - đã từ chối ghi nhận hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận của tập đoàn này.

Lãi "hụt" từ giao dịch mua rẻ

Báo cáo tài chính năm 2023 do Lộc Trời tự lập ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.069 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Do biên lãi gộp giảm trong khi các chi phí phát sinh trong kỳ tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế giảm 36%, đạt 265 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm cùng năm, kết quả lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời đã ghi nhận thay đổi lớn, chỉ đạt vỏn vẹn 16,5 tỷ đồng, tức giảm 96% so với năm liền trước và giảm 94% so với báo cáo tự lập.

Theo giải trình của Lộc Trời, 2 thay đổi trọng yếu dẫn tới chênh lệch kết quả 2 báo cáo là ở mục chi phí quản lý doanh nghiệp và lãi trong công ty liên kết. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tại báo cáo kiểm toán đã giảm gần 77 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Tuy nhiên, phần lãi trong công ty liên kết lại bị ghi giảm tới 315 tỷ đồng.

Lộc Trời cho biết chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán giảm chủ yếu do các điều chỉnh ở công ty mẹ, bao gồm giảm chi phí dự phòng phải thu khó đòi của một số khách hàng và giảm thù lao HĐQT, Ban kiểm soát theo quyết định của HĐQT.

Giao dịch mua rẻ của Lộc Trời với Công ty Lộc Nhân được đánh giá lại trong báo cáo kiểm toán năm 2023. Nguồn: BCTC DN.

Giao dịch mua rẻ của Lộc Trời với Công ty Lộc Nhân được đánh giá lại trong báo cáo kiểm toán năm 2023. Nguồn: BCTC DN.

Trong khi đó, việc ghi giảm hơn 315 tỷ đồng lãi trong công ty liên kết là do đơn vị kiểm toán loại trừ phần lãi từ giao dịch giá rẻ phát sinh với một công ty liên kết. Theo phía kiểm toán, việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính tự lập.

Giao dịch mua rẻ kể trên của Lộc Trời phát sinh trong thương vụ nâng sở hữu tại Công ty CP Lương thực Lộc Nhân lên 49% vào tháng 2/2023. Đến cuối quý I/2023, tổng số tiền doanh nghiệp đã "rót" vào Lộc Nhân là 185 tỷ đồng.

Trong thương vụ này, Lộc Trời cho rằng đây là một giao dịch giá rẻ, với phần giá phí công ty chi ra thấp hơn so với phần giá trị tài sản thuần thuộc sở hữu của công ty tại ngày mua Lộc Nhân. Điều này giúp công ty ghi nhận một khoản lãi chênh lệch mua rẻ.

Trong báo cáo tài chính bán niên 2023, Lộc Trời tính toán khoản lãi ở thời điểm mua lại vào khoảng 334 tỷ đồng và số tiền này được ghi nhận vào phần lãi trong công ty liên kết của doanh nghiệp.

Lộc Trời cũng cho biết tại ngày lập báo cáo kiểm toán bán niên, tập đoàn vẫn đang làm việc với đơn vị tư vấn định giá để đánh giá chính thức giá trị hợp lý phần tài sản thuần của Lộc Nhân. Việc ghi nhận kế toán ban đầu của giao dịch được xác định tạm thời dựa trên giá trị sổ sách tài sản thuần của Lộc Nhân tại ngày mua. Tập đoàn sẽ điều chỉnh (nếu có) khi hoàn thành định giá chính thức trong vòng 12 tháng kể từ ngày mua.

Đến báo cáo tự lập cuối năm 2023, tập đoàn này chưa ghi nhận điều chỉnh về giá trị liên quan đến khoản đầu tư vào Lộc Nhân.

Tuy nhiên, sau kiểm toán, E&Y đã loại trừ khoản lãi từ giao dịch này, khiến Lộc Trời phải ghi giảm hơn 315 tỷ đồng lãi ở công ty liên kết, cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến lơi nhuận sau kiểm toán của Lộc Trời "bốc hơi" 94% trong năm vừa qua.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/truoc-khi-gap-kho-loc-troi-da-bi-tu-choi-ghi-hang-tram-ty-tien-lai-post1503021.html
Zalo