Trung ương Đảng thống nhất sắp xếp lại bộ máy hành chính, còn 34 tỉnh

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất sắp xếp lại bộ máy hành chính còn 34 tỉnh, thành phố trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc

Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc sau ba ngày làm việc khẩn trương và tập trung. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao nhiều nội dung quan trọng, mang tính chiến lược, tạo nền tảng cho bước chuyển lớn trong tổ chức hệ thống chính trị và phát triển đất nước.

Một trong những quyết sách then chốt được thông qua là tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.

Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh, việc này được xây dựng với tầm nhìn xa, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành, mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước.

Theo đó, mô hình tổ chức hành chính sẽ thay đổi căn bản. Chính quyền địa phương chỉ còn hai cấp: tỉnh và xã.

Cả nước sẽ chỉ còn 34 tỉnh, thành phố trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động sau khi Quốc hội quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Việc sáp nhập cấp xã dự kiến giảm khoảng 60–70% tổng số xã hiện nay.

Tổ chức đảng cũng được điều chỉnh tương ứng. Trung ương đồng ý kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện, thay vào đó là tổ chức đảng ở cấp tỉnh và xã.

Mô hình mới đặt cấp tỉnh vào vị trí vừa thực thi chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách, chỉ đạo trực tiếp cấp xã. Trong khi đó, cấp xã được tăng quyền tự quyết, có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi nhiệm vụ tại địa phương.

Trung ương cũng nhất trí sáp nhập, tinh gọn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng rõ chức năng, không chồng chéo, hành chính hóa. Mục tiêu là đưa các tổ chức này trở thành cánh tay nối dài của Đảng, phục vụ trực tiếp người dân tại cơ sở.

Đáng chú ý, công đoàn viên chức và công đoàn lực lượng vũ trang sẽ kết thúc hoạt động, đồng thời giảm mức đóng góp công đoàn phí của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Một điểm đột phá khác là việc tổ chức lại bộ máy tòa án và viện kiểm sát nhân dân. Cấp huyện và cấp cao sẽ chấm dứt hoạt động.

Hệ thống mới gồm ba cấp: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; cấp tỉnh, khu vực. Các tòa án và viện kiểm sát quân sự giữ nguyên mô hình hiện tại.

Cùng với những thay đổi về tổ chức, Trung ương thống nhất cao chủ trương sửa đổi Hiến pháp và các luật liên quan để đồng bộ hóa thể chế. Hạn chót hoàn thành là trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Trung ương yêu cầu khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản thể chế, đặc biệt trong đấu thầu, đầu tư công, ngân sách, kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cơ chế chính sách cần theo sát tình hình thực tiễn và tính đặc thù của cuộc cách mạng về cơ cấu tổ chức không để tình trạng chờ luật, chờ cơ chế dẫn đến chậm trễ, mất cơ hội; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí thấp.

Bên cạnh các nội dung về bộ máy, Trung ương cũng đã bàn sâu về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng và bầu cử Quốc hội khóa XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031. Các dự thảo văn kiện Đại hội XIV được đánh giá cao về chất lượng, nội dung ngắn gọn hơn nhưng vẫn toàn diện và hành động hơn, cập nhật các vấn đề lớn của đất nước, sẵn sàng triển khai.

Ba nội dung được nhấn mạnh: xác định rõ mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống nhân dân; thúc đẩy mô hình phát triển chất lượng cao, nhanh và bền vững, tự chủ và tự cường; xác lập mô hình tăng trưởng mới với động lực là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và kinh tế tư nhân. Trong đó, tư nhân – cả trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài – được xem là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Trung ương thống nhất quyết tâm xây dựng mô hình điểm về các tỉnh "xã hội chủ nghĩa", các xã "xã hội chủ nghĩa". Quan điểm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” được cụ thể hóa qua các chỉ đạo phát triển.

Ngay sau hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu triển khai ngay bảy công việc trọng tâm. Trong đó có việc quán triệt và định hướng tư tưởng trong hệ thống chính trị và xã hội; sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, giữ chân người tài; quản lý, xử lý tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, tuyệt đối không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực; tổ chức đại hội các cấp ở địa phương sáp nhập đúng quy định và thực chất, không hình thức.

Về văn kiện, cấp tỉnh sau hợp nhất phải xây dựng văn kiện của đại hội tỉnh mới trên tinh thần ‘không gian phát triển mở rộng’ của tỉnh mới, không cộng gộp cơ hội các văn kiện của tỉnh cũ.

Về nhân sự, Trung ương yêu cầu lấy tiêu chuẩn công việc làm tiêu chí cao nhất khi lựa chọn, nhất là người đứng đầu cơ quan sau sáp nhập phải có sự thống nhất.

Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo thêm động lực mới cùng Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 59 về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Tất cả nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên của năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/trung-uong-dang-thong-nhat-sap-xep-lai-bo-may-hanh-chinh-con-34-tinh-d39706.html
Zalo