Trung ương ban hành kế hoạch sáp nhập tỉnh, xã
Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành Kế hoạch 47 triển khai sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, xã và tổ chức chính quyền hai cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
Ngày 14/4/2025, ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương (Ban Chỉ đạo) về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW công bố Kế hoạch số 47-KH/BCĐ (Kế hoạch số 47) của Ban Chỉ đạo về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.

Công bố kế hoạch sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh minh họa
Kế hoạch nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; để việc thực hiện bảo đảm đúng tiến độ đề ra, đạt mục tiêu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp như sau:
Mục đích, yêu cầu
Tổ chức quán triệt nghiêm nguyên tắc, yêu cầu và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, sự đồng thuận trong xã hội về chủ trương, định hướng và việc tổ chức triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Phân công công việc phải gắn với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nhằm bảo đảm việc thực hiện kịp thời, đồng bộ, thống nhất, chất lượng và hiệu quả.
Phân công nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương
Phụ lục kèm theo Kế hoạch số 47 nêu rõ nội dung, nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp; mốc dự kiến thời gian hoàn thành tập trung chủ yếu trong năm 2025.
Phụ lục nêu rõ nhiệm vụ của Đảng ủy Chính phủ; Đảng ủy Quốc hội; Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương; các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Quân ủy Trung ương; Đảng ủy Công an Trung ương; Đảng ủy Tòa án Nhân dân Tối cao; Đảng ủy Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương…
Tổ chức thực hiện
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cần bám sát nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chủ động, tích cực làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Tập trung chỉ đạo, khẩn trương cụ thể hóa kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, phân công cụ thể trách nhiệm trong tổ chức thực hiện bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch. Đồng thời, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực và ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội.
Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số để cải cách tổ chức hoạt động của các cơ quan, đơn vị; khẩn trương số hóa tài liệu, đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp.
Kiểm soát chặt chẽ tình hình, bảo đảm an ninh trật tự ở các địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người hoặc phát sinh điểm nóng, phức tạp.
Phối hợp chặt chẽ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả và chủ động, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này; biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, không đạt mục tiêu sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.
Từ ngày 16/4/2025 - 31/10/2025, cần định kỳ báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ, đề án về Ban Chỉ đạo (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước 15 giờ ngày thứ 4 hằng tuần, để Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư vào thứ 6 hằng tuần.
Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp cùng các cấp ủy, cơ quan, đơn vị liên quan giúp Ban Chỉ đạo thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, tham gia ý kiến (khi cần thiết) trong quá trình triển khai các bước thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị bảo đảm đúng tiến độ, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo.
Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nội dung, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện trong Kế hoạch bảo đảm bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và phù hợp tình hình thực tiễn.