Trung tướng Nguyễn Minh Đức nêu lý do nên bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Đức, nên bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ, bởi mục tiêu cuối cùng là thu hồi tài sản.

Ngày 20-5, tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo tờ trình, dự thảo luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 8/18 tội danh, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nhà nước; sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức phát biểu tại phiên thảo luận Tổ về sửa đổi Bộ luật Hình sự

Trung tướng Nguyễn Minh Đức phát biểu tại phiên thảo luận Tổ về sửa đổi Bộ luật Hình sự

Tại phiên thảo luận tổ, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu băn khoăn khi bỏ hình phạt tử hình ở 4 tội danh: Tham ô tài sản, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy và sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại - đã phân tích rõ hơn về cơ sở chính trị, thực tiễn và quốc tế cho đề xuất này. Trung tướng Nguyễn Minh Đức nguyên là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân).

Về cơ sở chính trị, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết ngày 25-3, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình và khắc phục những bất cập trong quy trình, thủ tục thực hiện.

Về cơ sở quốc tế, Việt Nam đang mở rộng quan hệ đối ngoại, ký kết nhiều điều ước song phương và đa phương với các quốc gia. Rất nhiều quốc gia yêu cầu Việt Nam xem xét giảm hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự.

104 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình

Trên thế giới, hiện có 104 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình, chỉ còn 28 quốc gia duy trì, trong đó có Mỹ (nhưng khoảng 3/4 số bang của Mỹ không còn áp dụng hình phạt này).

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Đức, một khó khăn lớn trong thực tiễn tố tụng quốc tế là việc dẫn độ tội phạm. Khi các đối tượng phạm tội thuộc nhóm 8 tội danh nói trên trốn ra nước ngoài, Việt Nam rất khó yêu cầu dẫn độ nếu quốc gia sở tại không áp dụng hình phạt tử hình. Nguyên nhân là do nguyên tắc "tội phạm kép" trong luật hình sự quốc tế. "Nếu hành vi không bị xử tử hình tại nước họ, họ sẽ từ chối dẫn độ. Điều này gây khó khăn trong xử lý tội phạm tham nhũng, ma túy...".

Về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Trung tướng Nguyễn Minh Đức nêu rõ: Thực tế cho thấy nhiều người vận chuyển ma túy là người dân vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số, không biết chữ, bị các đối tượng lợi dụng, thuê làm người vận chuyển mà không biết rõ là đang vận chuyển ma túy. Có trường hợp học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài cũng bị lợi dụng. "Với quy định tại khoản 4, Điều 250 hiện nay, chỉ cần vận chuyển 100 g heroin là có thể bị tử hình".

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết cán bộ tố tụng rất trăn trở khi phải xử tử hình những trường hợp như vậy. Điển hình là trường hợp một sinh viên học ở Thái Lan cách đây gần 10 năm, vô tình vận chuyển giúp 3 kg ma túy, dù không biết là ma túy, vẫn bị tuyên tử hình, nhưng đến nay chưa thi hành án.

Việc thi hành án tử hình cũng gây áp lực rất lớn cho lực lượng công an, cơ quan thi hành án, bởi phải canh giữ nghiêm ngặt ngày đêm, chỉ một sơ suất cũng có thể bị kỷ luật.

""Cho nên dưới góc độ gọi là nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Bộ luật Hình sự của nước ta", cùng với thực tiễn, chúng tôi cho rằng đối với tội danh này thì tính toán bỏ án tử hình" - vị đại biểu là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ.

"Còn các đối tượng mà chúng ta trong quá trình điều tra, xác định được rằng đối tượng biết rõ mua, bán trái phép chất ma túy mà vẫn nhận vận chuyển thì chúng ta sẽ xử về tội đồng phạm đối với tội mua, bán trái phép chất ma túy. Điều này bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh" - Trung tướng Nguyễn Minh Đức nói.

Còn chứng minh được họ hoàn toàn không biết gì, chỉ là một người vận chuyển thuê thì chúng ta có thể bỏ hình phạt tử hình là hợp lý, đảm bảo tính nhân đạo. "Phải những người trong cuộc tiến hành tố tụng mới thấy trăn trở, suy nghĩ như thế nào về việc này" - ông nói.

Mục tiêu cuối cùng là thu hồi tài sản và phòng ngừa phạm tội

Về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự từ năm 2009 cũng đã có đề xuất bỏ tử hình đối với tội danh này nhưng sau đó không được Quốc hội thông qua và các lần sửa đổi sau vẫn không được.

"Hiện nay, mục tiêu cuối cùng của chúng ta là gì? Với đối tượng phạm tội này là những người có chức vụ để thực hiện hành vi tham ô, nhận hối lộ. Vậy nguyên nhân điều kiện nào dẫn đến việc việc anh tham ô, nhận hối lộ, rõ ràng phải có những lỗ hổng pháp lí, trong quá trình thực thi công vụ.

Dưới góc độ của tội phạm học, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và điều kiện nào dẫn đến tội phạm, từ đó có trách nhiệm bịt kín các kẽ hở đó để loại trừ đến mức thấp nhất các điều kiện phát sinh tội phạm. Đây mới là điều quan trọng nhất" - Trung tướng Nguyễn Minh Đức nói.

"Đối với tất cả những tội này, chúng ta phải làm rõ được nguyên nhân, điều kiện và giải quyết loại trừ nguyên nhân, điều kiện đó. Mục tiêu của chúng ta là phải thu hồi được tài sản, đấy mới là vấn đề quan trọng. Và làm thế nào không để phạm tội" - đại biểu Nguyễn Minh Đức nói và cho rằng việc không áp dụng hình phạt tử hình với tội danh này hoàn toàn có căn cứ.

Chính vì thế, Trung tướng Nguyễn Minh Đức đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổng hợp tất cả những thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh, chỉ ra những lỗ hổng của tất cả một loạt các tội danh mà vẫn còn lỗ hổng, để giải quyết bài toán loại trừ nguyên nhân.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trung-tuong-nguyen-minh-duc-neu-ly-do-nen-bo-hinh-phat-tu-hinh-doi-voi-8-toi-danh-196250521173828224.htm
Zalo