Trung Tiến phát triển du lịch cộng đồng

Địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Thái cùng hệ thống cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ... là điều kiện để Trung Tiến (Quan Sơn) phát triển du lịch cộng đồng.

Một chương trình văn nghệ phục vụ du khách tại bản Tong.

Một chương trình văn nghệ phục vụ du khách tại bản Tong.

Theo ông Mạc Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Trung Tiến: Xã Trung Tiến cách thị trấn Sơn Lư khoảng 10km, đường sá đi lại thuận lợi. Xã được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh đẹp là những thác nước hùng vĩ như thác Ba (bản Đe), thác An Mạ (bản Cum), những guồng nước khổng lồ đưa nước suối vào ruộng... Cùng với đó, du khách được khám phá nét đẹp đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, tìm hiểu ngành nghề truyền thống, tham quan trải nghiệm cùng các hộ dân, hay thưởng thức những món ngon đặc trưng núi rừng... Từ những lợi thế này, một số hộ dân trong xã đã xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Trong đó, 1 hộ ở bản Tong đã xây dựng khu ẩm thực, điểm check-in cho du khách, 2 hộ tại bản Đe kinh doanh dịch vụ ăn uống, tắm thác và một số hộ dân khác cũng tham gia kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ tại thác Ba và thác An Mạ. Các hộ tham gia kinh doanh, dịch vụ đều có thu nhập ổn định, cao hơn trước rất nhiều.

Thác Ba là một ngọn thác đẹp, hùng vĩ. Thác từ trên cao đổ xuống tạo thành 3 thác với 3 hồ nước nhỏ khác nhau có độ sâu trung bình từ 1,5m - 3m. Thác Ba nằm cách bản Đe khoảng 1,5km, thác có 3 thác nhỏ nên người dân nơi đậy gọi là thác Ba. Dòng nước thác Ba mát lạnh, trong veo, nhìn thấy tận đáy, bởi vậy trong những tháng hè nắng nóng, ngày nào thác Ba cũng thu hút hàng trăm du khách nội tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và tắm thác. Chị Nguyễn Thị Thu, du khách đến từ TP Thanh Hóa cho biết: “Thông qua mạng xã hội, cậu con trai đòi đến du lịch tại thác Ba, xã Trung Tiến. Lúc đầu gia đình có hơi băn khoăn do quãng đường khá xa, các dịch vụ du lịch chưa phát triển mạnh. Nhưng khi đến đây chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Chúng tôi được thử cảm giác mạnh khi đứng trên độ cao 6 - 7m và nhảy xuống dòng thác mát lạnh như trong phim vậy. Dịch vụ ăn uống tuy chưa đa dạng nhưng các món ăn đều ngon và hợp khẩu vị”.

Trải nghiệm những điều mới lạ chưa từng có ở những điểm du lịch khác, cũng là cảm nhận của du khách Đỗ Thị Lan đến từ Triệu Sơn khi du lịch tại thác Ba. Theo chị Lan thì thác Ba rất thích hợp với du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm, thích hoạt động thể thao dưới nước. Giữa cái nắng nóng gay gắt của mùa hè mà được ngâm mình vào dòng suối mát lạnh thì thật tuyệt vời.

Thác Ba (bản Đe).

Thác Ba (bản Đe).

Anh Vi Văn Hiền, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thác Ba cho biết: Thấy khách du lịch từ các nơi đổ về tắm thác Ba, tôi bàn bạc cùng gia đình rồi mạnh dạn đầu tư xây điểm dừng chân và kinh doanh dịch vụ ăn uống. Chúng tôi được chính quyền tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch, bên cạnh đó tôi tự lên mạng nghiên cứu, học tập, để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Từ ngày làm du lịch cộng đồng, gia đình đã có thu nhập tốt hơn rất nhiều. Hiện tại, mức thu nhập của gia đình anh đạt từ 7 – 8 triệu đồng/tháng, những tháng cao điểm, doanh thu cao hơn.

Được sự khuyến khích của chính quyền, tới đây gia đình anh Hiền sẽ sửa chữa, nâng cấp và mở rộng cơ sở kinh doanh, trong đó sẽ xây dựng cơ sở lưu trú cho du khách.

Thác An Mạ là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ, con thác thẳng đứng với chiều cao khoảng 20m tính từ ngọn xuống chân thác. Theo người dân đánh giá thì nước ở thác An Mạ trong và lạnh hơn thác Ba. Dòng nước trắng, mát lạnh đổ từ trên cao xuống tạo thành bể tắm thiên nhiên tuyệt đẹp. Được ngâm mình trong dòng nước mát giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ là trải nghiệm đáng nhớ với nhiều du khách khi đến đây.

Sau khi tắm thác tại bản Cum, bản Đe du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái tại bản Tong. Bản Tong đã xây dựng đội văn nghệ, chuyên biểu diễn các bài múa, đánh cồng chiêng của dân tộc Thái.

Bên cạnh đó, du khách có thể tham quan, check-in các guồng nước. Các guồng nước được làm hoàn toàn thủ công, tận dụng những vật liệu có sẵn từ tự nhiên của núi rừng như cây tre, vầu, nứa... Và vận hành bằng cách lợi dụng sức chảy của dòng nước để quay tròn, lấy nước vào máng đưa lên cao, dẫn vào ruộng lúa.

Dọc Quốc lộ 217, từ xã Trung Tiến đến thị trấn Sơn Lư, rồi lên điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm, xã Sơn Điện, lên động Bo Cúng, xã Sơn Thủy. Điều này giúp Quan Sơn có thêm điểm du lịch mới, đồng thời tạo nên sự liên kết giữa các điểm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với huyện vùng cao Quan Sơn.

Bài và ảnh: Phan Vân

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/trung-tien-phat-trien-du-lich-cong-dong-31851.htm
Zalo