Trúng thầu dự án đường hơn 3.300 tỷ rồi 'đắp chiếu'

Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hoàng Thành là đơn vị trúng thầu thi công dự án trên.

Theo hợp đồng, đến 31/12/2024, dự án hoàn thành, thế nhưng, đến nay nhà thầu mới đắp đất nền đường được 0,6km/29,9km; giá trị thực hiện khoảng 1,1 tỷ đồng (đạt 0,06%). Do vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án này, chuyển sang hình thức đầu tư công.

Điểm đầu nối dự án đường ven biển vào dự án đường giao thông nối thành phố Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn.

Điểm đầu nối dự án đường ven biển vào dự án đường giao thông nối thành phố Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn.

Dự án: “Đầu tư xây dựng Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa” có tổng mức đầu tư hơn 3.372 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng mới 2 đoạn tuyến với tổng chiều dài 29,9km, cụ thể: Đoạn tuyến 1 (Hoằng Hóa - Sầm Sơn) dài 12,0km; Đoạn tuyến 2 (Quảng Xương - Tĩnh Gia) dài 17,9km.

Theo thiết kế, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; Bề rộng nền đường Bnền=12m (trong đó: Bề rộng mặt và lề gia cố Bm=11m; Blề=2x0,5m). Riêng đoạn từ đại lộ Nam Sông Mã đến quốc lộ 47 dài 1,8km, bề rộng nền đường Bnền=48m theo quy hoạch đô thị được phê duyệt.

Đây là dự án BOT, trong đó, phần vốn góp của Nhà nước (để hỗ trợ xây dựng công trình; thực hiện bồi thường, GPMB và TĐC) là 2.358,661 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 1.400 tỷ đồng (đã bao gồm 10% dự phòng); ngân sách tỉnh Thanh Hóa: 958,661 tỷ đồng.

Phần vốn nhà đầu tư 1.014 tỷ đồng, trong đó: Vốn chủ sở hữu tối thiểu 20%, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác tối đa 80%. Thời gian xây dựng công trình: Từ năm 2021 đến năm 2024 (Thi công hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2024). Thời gian thu phí và vận hành khai thác: 21 năm 10 tháng 09 ngày (bắt đầu từ năm 2025 đến năm 2046).

Mục tiêu dự án, từng bước hoàn thành tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội; củng cố an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý các tình huống ứng phó với biến đổi khí hậu.

Được UBND tỉnh Thanh Hóa ủy quyền, Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đã ký hợp đồng với nhà đầu tư (Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung - Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Hoàng Thành), Doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH BOT ven biển Thanh Hóa) tại Hợp đồng số 01/HĐ-BQLDA ngày 17/1/2023, hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày 16/2/2023 (thời điểm Nhà đầu tư nộp bảo lãnh hợp đồng).

Ngày 16/1/2024, Nhà đầu tư ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng cổ phần Tiên Phong (Ngân hàng TPBank), với khoản vay là 570 tỷ đồng, thấp hơn 239,899 tỷ đồng so với phương án tài chính trong hợp đồng ký kết và BCNCKT được phê duyệt. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, đến nay, nhà đầu tư mới triển khai thi công đắp đất nền đường K#0,95 được 0,6km và dừng thi công kể từ ngày 12/1/2024 đến nay; giá trị thực hiện khoảng 1,1 tỷ đồng (đạt 0,06% so với tiến độ hợp đồng dự án), không đáp ứng theo yêu cầu của hợp đồng đã ký và các chỉ đạo của UBND tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, Ban QLDA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết, hiện các địa phương đã giải phóng mặt bằng (GPMB) hoàn thành 27,75km/29,9km (đạt 92,8%) và bàn giao cho nhà đầu tư (NĐT). Trong khi đó, do gặp phải một số vướng mắc, phía ngân hàng không tiếp tục giải ngân nguồn vốn vay cho NĐT nên dự án đã chậm tiến độ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đã tổ chức họp với NĐT, doanh nghiệp dự án (DNDA) và có nhiều văn bản đôn đốc tiến độ, NĐT/DNDA nhiều lần cam kết về tiến độ giải ngân; tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án của NĐT/DNDA không đảm bảo theo tiến độ hợp đồng và các cam kết cũng như chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Cụ thể, theo hợp đồng dự án, NĐT phải thực hiện xong công tác thiết kế bản vẽ trong tháng 7/2023; lựa chọn nhà thầu xây dựng toàn bộ các gói thầu xây lắp của dự án dài 29,9km xong trong tháng 8/2023 và bắt đầu triển khai thi công toàn bộ phần đường từ ngày 1/5/2023; hoàn thành thi công xây dựng dự án trước ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư mới phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở được 4,69km/29,9km.

Còn lại 25,21km nhà đầu tư chưa phê duyệt (chậm 13 tháng so với hợp đồng). Đến ngày 7/11/2023, nhà đầu tư mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công được 1 gói thầu xây lắp dài 4,69km/29,9km (công tác lựa chọn nhà thầu chậm 7 tháng so với hợp đồng). Giá trị xây lắp đạt được khoảng 1,1 tỷ đồng; từ ngày 12/1/2024 đến nay không triển khai thi công. Dự án không thể hoàn thành theo đúng thời gian quy định của Hợp đồng (kết thúc thời gian xây dựng ngày 31/12/2024).

Cùng với đó, NĐT không huy động đủ vốn theo hợp đồng BOT đã ký là: 1.012,373 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu: 202,474 tỷ đồng; vốn vay: 809,899 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến ngày 26/1/2024, NĐT mới cung cấp Hợp đồng cho vay số 01/2024/HDTD/TTKHDNLMB2 ngày 16/1/2024 ký giữa Công ty TNHH BOT ven biển Thanh Hóa và Ngân hàng TPBank về việc vay vốn đầu tư xây dựng dự án (thời hạn nhà đầu tư cung cấp là thời hạn cuối cùng theo hợp đồng dự án (Sau 1 năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng), trong đó hợp đồng vay vốn có giá trị là 570 tỷ đồng thấp hơn 239,9 tỷ đồng so với phương án tài chính của dự án.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa theo hình thức đối tác công tư theo hợp đồng BOT đã ký kết sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc và không đảm bảo theo quy định tại Điều 76 Luật PPP (quá thời hạn 18 tháng mà nhà đầu tư không hoàn thành thu xếp tài chính); NĐT không thể huy động nguồn vốn vay theo hợp đồng đã ký với Ngân hàng TP Bank (theo báo cáo của NĐT tại Công văn số 98/BOT-KHKT ngày 11/11/2024).

Mặt khác, việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo phương thức PPP sẽ không đảm bảo tính khả thi. Do đó, để đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - thị xã Nghi Sơn, việc chấm dứt hợp đồng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) và triển khai đầu tư lại tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Nghi Sơn theo quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết và phù hợp.

Trên cơ sở phân tích các nội dung nêu trên và căn cứ pháp lý, để có cơ sở triển khai tiếp tục đầu tư tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Nghi Sơn theo quy định pháp luật, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Chấm dứt chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa (Hợp đồng BOT).

Cho phép triển khai đầu tư tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Nghi Sơn theo quy định của Luật Đầu tư công; đồng thời, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương với số tiền là 1.103,468 tỷ đồng (đây là số tiền mà tỉnh Thanh Hóa đã trả lại ngân sách Trung ương); số tiền còn lại khoảng 2.196,532 tỷ đồng, tỉnh Thanh Hóa sẽ dùng vốn ngân sách tỉnh để tiếp tục đầu tư hoàn thành tuyến đường trên trong giai đoạn 2025 - 2026.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa là một trong các dự án lớn, trọng điểm, mang tính chất liên vùng, kết nối tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Khu kinh tế Nghi Sơn; đồng thời, kết nối các vùng kinh tế động lực, các trục giao thông của tỉnh Thanh Hóa; có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và của các huyện, thành phố, thị xã ven biển nói riêng.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/trung-thau-du-an-duong-hon-3-300-ty-roi-dap-chieu-i756587/
Zalo