Trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân

Quân đội nhân dân Việt Nam 'Trung với nước, hiếu với dân' theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh người chiến sĩ 'Bộ đội Cụ Hồ' giản dị, thân thương, đậm nghĩa quân - dân, nặng tình cá - nước đã quen thuộc trong tâm thức. Hôm nay, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vừa tận tâm tận lực giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khắc phục thiên tai, tham gia bảo vệ hòa bình quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên các đơn vị bộ đội đang diễn tập chiến đấu tại Sơn Tây, ngày 27/4/1957. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và động viên các đơn vị bộ đội đang diễn tập chiến đấu tại Sơn Tây, ngày 27/4/1957. Ảnh tư liệu

Bản chất nhân dân của đội quân cách mạng

Buổi chiều muộn ngày 22/12/1944, thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày càng phát triển lớn mạnh - đúng như Người đã tiên đoán: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”(1). Tư tưởng chỉ đạo xây dựng và tác chiến của đội quân cách mạng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” dựa vào sự ủng hộ và che chở của nhân dân để phát triển lực lượng với phương châm “người trước, súng sau”, “có dân là có súng”, “vũ trang toàn dân” thể hiện đậm nét trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo. Những luận điểm trong bản Chỉ thị của Người cũng là những luận điểm cơ bản trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội nhân dân và chiến tranh nhân dân. Những tư tưởng đó là những chỉ đạo định hướng không chỉ trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập mà còn có giá trị lâu dài trong thời kỳ chiến tranh cách mạng và cho đến hôm nay quân đội đang được xây dựng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Quân đội nhân dân Việt Nam mang khát vọng đấu tranh cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân đã một lòng chiến đấu hy sinh vì nhân dân, gắn bó với nhân dân. Đó là bản chất của quân đội cách mạng, đó cũng chính là nhân tố quan trọng làm nên ý chí, sức mạnh và tài thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là quân đội kiểu mới, là con em của nhân dân, chan hòa dựa vào nhân dân “như cá với nước”. Là quân đội của nhân dân, những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” đã “Được dân mến, được dân tin muôn phần” như lời bài hát Vì nhân dân quên mình (1951) của nhạc sĩ Doãn Quang Khải.

Trong lịch sử dân tộc, truyền thống bất khuất đánh giặc giữ nước luôn gắn liền với truyền thống cần cù lao động dựng nước và ngược lại - dựng nước luôn đi đôi với giữ nước. Những người lính cầm vũ khí bảo vệ đất nước cũng chính là những người nông dân vừa buông tay liềm, tay cuốc. Kinh nghiệm “Ngụ binh ư nông” - gửi binh trong nông khi thời bình, là nét độc đáo trong văn hóa quân sự Việt Nam, được hình thành từ thời Lý, duy trì trong thời Trần rồi hoàn thiện trong thời Lê. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng mọi người dân đều đánh giặc, “cả nước chung sức đánh giặc, trăm họ là binh”. Khi hòa bình thì binh lính lại thay phiên nhau về nhà làm ruộng, phát triển sản xuất. Đây là “phép hay của đời cận cổ” (Phan Huy Chú) đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa vận dụng khi chủ trương xây dựng một đội quân cách mạng cũng là một “đội quân sản xuất”, một đội quân không những chỉ đánh giặc giỏi mà còn biết dân vận giỏi và giúp dân sản xuất giỏi. Đó là những biểu hiện sáng rõ của truyền thống đoàn kết quân dân - “Quân với dân một ý chí”, hội tụ trong phẩm chất đáng tự hào của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thế trận xây dựng vững chắc từ lòng dân

Nhìn lại lịch sử, những cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc đã ghi nhận rằng: Một nước đất không rộng người không đông, tiềm lực kinh tế và quân sự đều ở mức thấp hơn đối phương nhiều lần nhưng có ý chí quyết tâm, biết đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân để chiến thắng nên đã nhiều lần giành thắng lợi. Trong cuộc trường chinh giữa thế kỷ XX, mục tiêu giành/bảo vệ độc lập dân tộc gắn liền với mục tiêu đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu đó đáp ứng khát vọng của toàn dân, cũng là khát vọng của mỗi chiến sĩ quân đội nhân dân. Cuộc chiến đấu của chúng ta là cuộc chiến tranh nhân dân. Quân đội của chúng ta thật sự là quân đội của nhân dân, vì nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy các chiến sĩ “Trung với nước, hiếu với dân”, phải luôn “dựa vào dân” vì “có dân là có tất cả”. Truyền thống yêu nước luôn gắn liền với yêu dân, cứu nước gắn liền với cứu dân trong đấu tranh giải phóng dân tộc đã làm cho sức mạnh tiềm tàng của truyền thống đoàn kết dân tộc được phát huy và nhân lên gấp bội. Động viên toàn dân, thực hiện kháng chiến toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc là nội dung cốt lõi nhất, cơ bản nhất của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, cũng là nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày đầu thành lập. Sức mạnh quân đội là sức mạnh của ba thứ quân kết hợp với sức mạnh toàn dân.

Khi đất nước có chiến tranh thì mỗi người dân là một chiến sĩ sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc. Trong thử thách ác liệt của chiến tranh, nhân dân không chỉ đùm bọc, che chở, cung cấp cho bộ đội, mà còn sát cánh cùng bộ đội đánh giặc. Quân đội là lực lượng nòng cốt, cùng toàn dân chống xâm lược. Trong thời bình thì mỗi người lính lại chung tay cùng nhân dân góp sức xây dựng đời sống, đồng thời vẫn chắc tay súng bảo vệ, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Suốt chặng đường 80 năm chiến đấu và trưởng thành, nhờ dựa vào nhân dân, đoàn kết, gắn bó với nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần. Sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang hợp thành/làm nên bởi sức mạnh của cả dân tộc. Thế trận bảo vệ Tổ quốc là thế trận xây dựng vững chắc từ lòng dân.

“Bộ đội Cụ Hồ” trong thời đại mới vẫn nối tiếp truyền thống:

“Trung với nước, hiếu với dân

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Khó khăn nào cũng vượt qua

Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Không những thế, “Bộ đội Cụ Hồ” hôm nay bên cạnh việc học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, luyện tập giỏi phương án chiến đấu, làm chủ vũ khí, khí tài, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, luôn thực hiện “Quân với dân một ý chí”, cùng với nhân dân giữ gìn ổn định an ninh chính trị, tạo nên “Thế trận lòng dân” vững chắc. Thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam hôm nay vẫn được xây dựng trên truyền thống yêu độc lập tự do, đánh giặc kiên cường và mưu trí với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, bằng ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhưng với tư duy hiện đại: Bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, xây dựng lực lượng vũ trang “tinh, gọn, mạnh”, xây dựng thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc, có chiều sâu, phối hợp với thế chiến lược về kinh tế, với phương châm “lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.

Hình ảnh thân thương càng nổi bật và mở rộng

Với tình cảm “quân với dân như cá với nước”, các chiến sĩ quân đội nhân dân đã nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vun đắp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng làm tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng phụ trách sản xuất ở các Khu Kinh tế - Quốc phòng còn tham gia phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo ở địa bàn đóng quân. Các chiến sĩ hỗ trợ nhân dân phòng, chống lụt bão, cháy rừng, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... Trên những khu vực xung yếu, các chiến sĩ “đi dân nhớ, ở dân thương”, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần thiết thực và hiệu quả đưa đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân các dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh mới - hội nhập và cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu, hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” đã lan tỏa rộng hơn ngoài biên giới quốc gia. Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, làm nhiệm vụ ở khu vực Abyei (nam Sudan), ở phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại Cộng hòa Trung Phi. Cũng như ở Việt Nam, các chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” đã giúp đỡ chính quyền và người dân địa phương bằng những hành động thiết thực: tham gia xây dựng và tu sửa đường sá, giúp xây dựng nhà trường, cải tạo lớp học, tổ chức các lớp học tình nguyện, khoan giếng nước tặng khu dân cư địa phương, tổ chức khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân địa phương v.v. Tác phong nhiệt tình, thân thiện của những chiến sỹ mũ nồi xanh Việt Nam luôn được người dân địa phương yêu mến. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam còn là sứ giả thân thiện, góp phần tô đậm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” nhân văn, nhân ái, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Từ buổi ban đầu, những phẩm chất cao quý của những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam: Trung thành với Tổ quốc, hiếu nghĩa với nhân dân đã được hình thành và ngày càng được bồi đắp. Truyền thống đó vẫn đang được phát huy mỗi ngày. Không những thế, truyền thống tốt đẹp đó đã và đang lan tỏa trong một thế giới đang toàn cầu hóa.

Thiên Phương

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ho-so-tu-lieu/trung-thanh-voi-to-quoc-tan-tuy-voi-nhan-dan-142390.html
Zalo