Trung tâm logistics Cái Mép Hạ: Đòn bẩy phát triển hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu

Những năm gần đây, với mức tăng trưởng đều 2 con số, khu cảng Cái Mép - Thị Vải đã lọt vào tốp 10 cảng container có hiệu suất hoạt động tốt nhất thế giới. Thế nhưng, do hạ tầng kết nối liên vùng yếu, thiếu hệ thống cảng cạn, kho ngoại quan và trung tâm logistics tầm cỡ khu vực khiến khu cảng chưa phát huy được các lợi thế sẵn có.

Vì vậy, việc hình thành trung tâm logistics, khu thương mại tự do nhằm tạo cơ chế quản lý đặc thù, thông thoáng cho hàng hóa là rất cần thiết để sớm đưa khu cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế.

Cho những chuyến tàu vươn xa

Theo thống kê, 3 năm gần đây, trung bình khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vượt qua mốc 110 triệu tấn/năm, trong đó hàng container là hơn 8 triệu TEU. Với con số này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm khoảng 15% tổng hàng hóa của cả nước và chiếm khoảng 34% tổng lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển toàn quốc.

Thế nhưng, hiện toàn tỉnh chỉ có 22 kho bãi logistics chuyên dùng với tổng diện tích 256ha, hầu hết tập trung ở thị xã Phú Mỹ. Trong đó, chủ yếu là các kho bãi phục vụ hàng rời và hàng tổng hợp, còn lại chỉ có 5 kho bãi có lưu giữ container. Không những thiếu mà hoạt động của các kho bãi còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ vận hành và quản lý lạc hậu nên hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, khối lượng hàng hóa luân chuyển qua cảng lớn, nhưng tỉnh cũng chưa có một trung tâm logistics tầm cỡ, dẫn đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gần như chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các doanh nghiệp ở các tỉnh thành lân cận. Phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn đang thực hiện các công đoạn đóng container, kiểm định, khai quan tại ICD (cảng cạn) ở các tỉnh khác rồi vận chuyển bằng sà lan đưa lên tàu mẹ tại Cái Mép - Thị Vải.

Để khắc phục các nhược điểm của 1 trong 4 trụ cột kinh tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tích cực nghiên cứu mô hình Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với tổng diện tích hơn 1.686ha. Trong đó, trung tâm logistics diện tích hơn 891ha, bến cảng Cái Mép Hạ hạ lưu diện tích khoảng 594ha và khu mặt nước trước bến.

Khi hình thành, trung tâm sẽ là nơi tiếp nhận, trung chuyển, lưu trữ, sơ chế, đóng gói, phân phối hàng hóa đến các tỉnh thành trong cả nước và các nước trên thế giới thông qua đường biển, đường thủy nội địa và cả đường bộ. Bên cạnh đó, trung tâm cũng bao gồm các dịch vụ như kiểm tra hải quan, biên phòng, kiểm dịch, tài chính ngân hàng, khu nhà hàng khách sạn và một số dịch vụ khác.

 Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải hướng tới trở thành cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Ảnh: PHÚ NGÂN

Cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải hướng tới trở thành cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Ảnh: PHÚ NGÂN

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, đây là một trong những khu vực tốt nhất ở Việt Nam còn sót lại để hình thành một khu cảng tầm cỡ khu vực và thế giới. Thứ nhất là khu vực có khí hậu thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của gió bão nên có thể khai thác quanh năm.

Yếu tố thuận lợi tiếp theo đó là độ sâu luồng tự nhiên và bề rộng lý tưởng để đón các tàu biển siêu lớn ra vào bốc dỡ hàng hóa. Hiện Cái Mép - Thị Vải là khu cảng duy nhất ở miền Nam có tuyến tàu trực tiếp đi châu Âu và châu Mỹ.

Động lực từ khu thương mại tự do

Theo các chuyên gia, để hệ thống cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ hơn nữa, việc hình thành một khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ là rất cần thiết. Việc hình thành khu kinh tế tự do không chỉ để nhận được ưu đãi, thu hút nhà đầu tư, mà địa phương cũng mong muốn được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, qua đó phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong việc thực hiện các chính sách.

Thêm nữa, qua khảo sát từ các doanh nghiệp cho thấy chính sách pháp luật về công tác quản lý, giám sát đối với hàng hóa, container trung chuyển của nước ta chặt chẽ hơn nhiều so với các nước trong khu vực đã dẫn đến chủ tàu, chủ hàng nước ngoài “ngại” đưa hàng trung chuyển qua cảng biển của Việt Nam. Do đó, cần có những cơ chế mở hơn để tăng tính cạnh tranh cho các cảng biển như ở Cái Mép - Thị Vải.

Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh sẽ tập trung phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải ngang tầm khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, cạnh tranh ngang hàng với các cảng của Singapore, Malaysia và quyết tâm trở thành đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045.

Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã định hướng “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ” tại Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nói riêng và vùng kinh tế Đông Nam bộ nói chung.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, việc tiến tới hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển sẽ là bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam bộ, kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành và cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Điều này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối, làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới, thu hút đầu tư trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên hàng lang kinh tế Đông - Tây từ Mộc Bài - Cái Mép - Thị Vải.

Các tuyến giao thông huyết mạch liên vùng như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành cùng một số tuyến đường nội tỉnh kết nối với các khu công nghiệp đang được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực triển khai. Cùng với đó, việc sớm nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa - Cái Mép kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia để giảm áp lực hàng hóa lên đường bộ là rất cần thiết.

KIM NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trung-tam-logistics-cai-mep-ha-don-bay-phat-trien-he-thong-cang-bien-ba-ria-vung-tau-post774561.html
Zalo