Trung tâm khí đốt ở Istanbul mang lại lợi ích gì cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga?

Dự án trung tâm khí đốt tại Istanbul, dự kiến hoàn thành vào năm 2025, là một bước đi chiến lược giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giảm sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy vị thế kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn giúp Nga đối phó với những thách thức địa chính trị từ các lệnh trừng phạt.

Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Một cơ sở khai thác khí đốt ở gần thành phố Novy Urengoi, Nga. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch táo bạo khi quyết định xây dựng một trung tâm khí đốt lớn tại Istanbul và khả năng đi vào hoạt động trong năm 2025. Dự án này được phát triển thông qua hợp tác giữa tập đoàn Gazprom của Nga và BOTAŞ - tập đoàn quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar, nước này sẽ tạo ra một chỉ số khí đốt trong nước mới có tên Istanbul Gas Index (IGI), tương tự như các chỉ số ở châu Âu và Mỹ. Điều này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ và Nga áp dụng cách tính giá mới, giảm phụ thuộc vào thị trường phương Tây.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trung tâm này mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Trước hết, nó sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới và tăng nguồn thu từ hoạt động vận chuyển khí đốt. Trong bối cảnh lạm phát và khủng hoảng năng lượng hiện nay, dự án này giúp Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế độc lập về năng lượng và cung cấp giá khí đốt thấp hơn cho người dân.

Bên cạnh đó, vị trí địa lý đắc địa giữa châu Âu và châu Á cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát việc vận chuyển và phân phối khí đốt trong khu vực. Để đảm bảo nguồn cung, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký các thỏa thuận dài hạn với nhiều nước như Oman, Qatar, Azerbaijan và đặc biệt là Nga.

Về phía Nga, trung tâm khí đốt Istanbul mở ra cơ hội lớn khi tình hình vận chuyển qua Ukraine đang bất ổn. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp bày tỏ ủng hộ dự án này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Từ năm 2023, BOTAŞ và Gazprom đã ký nhiều thỏa thuận cung cấp khí đốt với giá ưu đãi.

Chỉ số IGI mới cũng giúp Nga giảm tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thay vì phụ thuộc vào chỉ số TTF của châu Âu, Nga có thể bán khí đốt theo giá Istanbul, mở ra thị trường mới với ít rủi ro địa chính trị hơn.

Tuy nhiên, dự án này cũng đối mặt không ít thách thức. Dù được Nga ủng hộ mạnh mẽ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải cân bằng lợi ích với các đối tác khác như EU và Mỹ. Những nước này có thể không hài lòng về mối quan hệ năng lượng chặt chẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.

Dự án cũng đòi hỏi đầu tư lớn để mở rộng các nhà ga và kho chứa khí đốt. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng với các tập đoàn như ExxonMobil và Shell để giải quyết vấn đề này, nhưng việc đạt được độc lập năng lượng hoàn toàn vẫn là mục tiêu dài hạn.

Dù vậy, có thể thấy trung tâm khí đốt Istanbul là bước đi chiến lược của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp hai nước giảm phụ thuộc vào phương Tây trong lĩnh vực năng lượng. Thành công của dự án này có thể thay đổi căn bản cục diện thị trường khí đốt Á-Âu trong tương lai.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo News.az)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-tam-khi-dot-o-istanbul-mang-lai-loi-ich-gi-cho-tho-nhi-ky-va-nga-20241104225949236.htm
Zalo