Trung tâm dạy nghề 39 tỷ đồng ở Hà Tĩnh sử dụng 9 năm rồi… bỏ hoang
Sau 9 năm hoạt động, Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp...
Năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định phê duyệt Dự án Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê tại xã Hương Bình với mức đầu tư 39,2 tỷ đồng, trên tổng diện tích hơn 3,5ha.
Dự án gồm các hạng mục: Nhà hiệu bộ, nhà học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, nhà thực nghiệm gia cầm, nhà thực nghiệm gia súc, nhà thư viện, nhà ăn và lắp đặt hệ thống thiết bị giảng dạy, ký túc xá 3 tầng. Tháng 9/2014, trường được đưa vào sử dụng. Mục tiêu của dự án là để đảm bảo nhu cầu cho 600 em học sinh, vừa học vừa đào tạo nghề. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, học sinh giảm theo từng năm, năm nhiều nhất có hơn 100 em học sinh theo học.
Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê, do cơ sở này nằm cách xa trung tâm thị trấn, học sinh đi lại gặp khó khăn, nên tỷ lệ huy động học sinh vào học thấp. Cụ thể, năm học 2016 - 2017, chỉ huy động được 20/138 em cần phải huy động, năm học 2017 – 2018 được 7/117 em, năm học 2018 – 2019 được 34/321 em.
Sau 9 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê phải đóng cửa vì không đáp ứng được mục tiêu ban đầu đề ra. Theo ghi nhận, sau khi đóng cửa, các hạng mục bên trong đã xuống cấp nghiêm trọng, khuôn viên trường học nhếch nhác, nhiều khu vực được người dân tận dụng làm nơi chăn thả gà, nuôi trâu, bò và nuôi dê.
Ông Nguyễn Văn Hùng (xã Hương Bình) cho biết, khi trung tâm mới xây dựng, người dân ở đây kỳ vọng con em trong xã và các vùng lân cận có cơ hội học nghề gần nhà. Nhưng số lượng người có nhu cầu ở gần thì ít, quá xa trung tâm, học sinh không muốn đến học, cuối cùng trường phải đóng cửa, gây lãng phí cơ sở vật chất, tiềm ẩn các nguy cơ về tệ nạn xã hội.
“Bao nhiêu tiền bạc đầu tư vào đây, giờ lại xuống cấp, bỏ hoang. Về lâu dài, nếu trung tâm này không được bảo vệ tốt, có nguy cơ trở thành nơi tụ tập của các đối tượng xấu. Chúng tôi mong chính quyền sớm có biện pháp xử lý”, ông Hùng nói.
Khó tái sử dụng
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Văn Hợp - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê cho biết, sở dĩ dự án ở xã Hương Bình phải đóng cửa, bỏ hoang là vì được xây dựng xa trung tâm nên không thể tuyển được học sinh vào học.
Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, những học sinh đang theo học tại cơ sở này được chuyển về học tại thị trấn Hương Khê. Đến năm học 2023 - 2024 thì cơ sở này bị đóng cửa hoàn toàn. “Vì trung tâm cách xa thị trấn huyện nên không tuyển sinh được, hơn nữa qua khảo sát đa số phụ huynh, học sinh đều có nguyện vọng mong muốn được học ở địa điểm thị trấn.
Trước tình hình đó, UBND huyện Hương Khê đã tổ chức nhiều cuộc làm việc và đi đến thống nhất lựa chọn phương án sửa chữa Trường THPT Gia Phố (cũ) tại tổ dân phố 12, thị trấn Hương Khê để Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê làm cơ sở đào tạo từ năm học 2021 - 2022, đồng thời duy trì một số lớp ở điểm trường xã Hương Bình. Từ năm học 2023 - 2024 đến nay thì chuyển toàn bộ các lớp còn lại ở điểm xã Hương Bình lên cơ sở ở thị trấn Hương Khê”, ông Hợp nói.
Theo ông Hợp, đơn vị đang thuê một bảo vệ trông coi tại điểm xã Hương Bình để không thất thoát tài sản. Hiện tại, khu nhà xưởng tại điểm xã Hương Bình đang còn một số máy móc, tài sản, trang thiết bị.
Ông Đặng Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết, do trụ sở trung tâm đóng tại địa phương, hoạt động không hiệu quả, bỏ hoang thời gian qua nên tại các cuộc tiếp xúc cử tri HĐND huyện, xã cũng có đề xuất sớm có phương án xử lý nếu không thiết bị hư hỏng, cơ sở vật chất xuống cấp. Khi có nhu cầu tái sử dụng sẽ tốn kém nhiều chi phí tu bổ, sửa chữa.
“Hiện phía trung tâm đang làm thủ tục để chuyển về cho địa phương quản lý. Nếu tiếp nhận thì chưa có phương án cụ thể để sử dụng. Thực tế trên địa bàn các doanh nghiệp không có nhu cầu, còn trụ sở hành chính cũng đã đầy đủ. Chúng tôi đã nghĩ đến phương án cho các hợp tác xã thuê lại nhưng nhu cầu của họ là các nhà kho còn hạ tầng như của trung tâm thì không phù hợp”, ông Bảo nói.
“Sau khi trung tâm hoàn thành xong việc chuyển tài sản, thiết bị thực hành về điểm thị trấn, trung tâm sẽ báo cáo UBND huyện đề xuất Sở Tài chính, UBND tỉnh phương án xử lý ‘bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất’ đối với cơ sở nhà đất tại điểm xã Hương Bình theo quy định”, ông Lê Văn Hợp cho biết.