Trung sĩ John và 'Lời hứa không văn bản'

Sau gần 3 năm tham chiến tại Afghanistan, ngày 24/6/2018 Trung sĩ John Shermann thuộc Lực lượng đặc biệt Mỹ bị thương nặng trong một cuộc trinh sát. Ba người lính cùng đi với ông thiệt mạng. Được một nông dân Afghanistan cứu sống, John về Mỹ rồi giải ngũ.

Đầu tháng 4/2020, John quay lại đất nước này để thực hiện lời hứa mà ông chưa bao giờ nói với người đã cứu ông. John gọi đó là “lời hứa không văn bản”…

Cuộc chạm súng định mệnh

Sáng 24/6/2018, trung sĩ John dẫn 3 biệt kích Mũ nồi xanh lên trực thăng ở căn cứ không quân Kandahar, Afghanitan. Nhiệm vụ của ông là truy tìm dấu vết một đơn vị Taliban mà theo tin tình báo, có thể lên đến 100 người.

Trong cuốn hồi ký “Lời hứa không văn bản - Unwritten Promises”, John viết: “Nhảy khỏi trực thăng, chúng tôi đi khoảng 3km thì đụng trận. Taliban bắn như vãi trấu. Một quả B-40 trúng hạ sĩ Vicky mang máy truyền tin khiến anh ấy chết ngay tại chỗ. Không lâu sau đó hạ sĩ O’Connor và binh nhì Sam cũng chết. Riêng tôi bị 1 viên đạn vào bụng, và 2 viên vào đùi…”.

Có lẽ cho rằng máy bay Mỹ sẽ ném bom và đổ quân tiếp nên Taliban nhanh chóng rút lui. Gần 2 tiếng sau, anh nông dân Ahmed trên đường từ ruộng lúa mì của mình về làng Panjwayi thì thấy John cùng 3 cái xác. Ahmed kể: “Thoạt đầu tôi nghĩ họ đã chết nhưng lúc đi ngang một người lính, tôi thấy ông ta co giật. Tôi biết ông ta còn sống vì khi nâng đầu người lính ấy, ông ta mở mắt nhìn tôi…”.

Nhóm mũ nồi xanh do John (hàng sau, thứ hai) chỉ huy.

Nhóm mũ nồi xanh do John (hàng sau, thứ hai) chỉ huy.

Lập tức, Ahmed lấy bình nước đổ vào miệng John. Trong đầu anh xuất hiện 2 luồng suy nghĩ: Cứu hay không cứu người lính này? Cuối cùng, Ahmed quyết định đẩy chiếc xe bò lại gần John rồi đưa John lên, sau đó dùng chiếc chăn cáu bẩn mà anh vẫn đắp lúc ngủ ở rẫy lúa mì, phủ kín toàn thân John. Ahmed kể tiếp: “Tôi thấy ở thắt lưng người lính có khẩu súng ngắn nên tôi rút ra, nhét vào bụng. Ý tôi là nếu gặp Taliban, tôi sẽ nói tôi bắt được thằng Mỹ bị thương và thu được súng”.

Dưới cái nắng gay gắt, Ahmed cùng con bò đưa John về làng nhưng anh vẫn chưa hình dung được là khi vào làng, anh sẽ xử sự ra sao vì làng Panjwayi nếu lính Mỹ rút đi sau những cuộc hành quân thì Taliban có mặt. Tuy nhiên mới được khoảng 500m, anh nghe tiếng xe máy rồi trong giây lát, 2 tay súng Taliban xuất hiện. Nhìn thấy Ahmed, cả hai dựng xe nhảy xuống. Một tên hỏi: “Đi đâu về? Hồi nãy có nghe bắn nhau không?”. Ahmed đáp: “Tôi đi làm rẫy, có nghe mà ở xa lắm”.

Ahmed vừa trả lời xong, 1 trong 2 tên Taliban đến cạnh chiếc xe bò khiến anh hiểu rằng hắn sẽ nhìn thấy John và sẽ giết ông ta, thậm chí là giết cả anh. Ahmed kể: “Lúc ấy tôi chẳng còn thời giờ đâu mà suy nghĩ. Theo phản xạ, tôi rút khẩu súng ngắn, mở khóa an toàn rồi bắn liên tiếp 3 phát vào hắn. Sau đó tôi quay sang tên còn lại, bắn cho đến hết đạn”. Cũng ngay lúc này, 4 chiếc Humvee chở đầy lính Mỹ ào đến rồi nhanh chóng đưa John lên.

Một lính Mỹ hỏi Ahmed: “Anh tên gì, ở đâu?”. Ahmed trả lời: “Ibrahim al-Ahmed, làng Panjwayi”. Người lính Mỹ nói: “Cảm ơn anh. Cẩn thận nhé. Anh có muốn giữ khẩu súng không? Tôi cho anh thêm đạn”. Ahmed lắc đầu, đưa khẩu súng cho người lính: “Không! Ở đất nước này nếu muốn sống thì đừng nên giữ súng”.

Được đưa đến Bệnh viện dã chiến Kandahar, John trải qua 6 lần phẫu thuật rồi về Mỹ. Tiếp theo, sau 3 tháng dưỡng thương tại Bệnh viện Lực lượng đặc biệt San Diego, bang California, John giải ngũ vì lý do sức khỏe. Trong cuốn “Lời hứa không văn bản”, John viết: “Trong đầu tôi luôn có câu hỏi rằng người đã cứu tôi là ai? Bây giờ anh ấy ra sao, còn sống hay đã bị Taliban giết. Tôi thoát chết mà không có một lời cảm ơn anh ấy…”.

Cuộc đào thoát nghẹt thở

Đầu năm 2020, dù đã trở về cuộc sống đời thường nhưng nỗi ám ảnh về người đã cứu John gần như lúc nào cũng hiện diện trong ông. Bà Cynthia, vợ ông nói: “Nhiều đêm chồng tôi trằn trọc. Anh ấy kể cho tôi nghe hàng trăm lần vì sao mình còn sống và lần nào cũng như nó vừa mới xảy ra. Tôi chỉ biết an ủi chồng tôi, giải thích cho chồng tôi rằng bây giờ anh đã giải ngũ, chẳng còn có thể làm gì được…”.

Sáng 3/4/2020, John đi đến một quyết định. Ông vào Bộ Chỉ huy Lực lượng đặc biệt ở Fotbragg, bang North Carolina. Tại đây, John xin gặp đại tá Stimson, người mà ông đã cứu sống trong một trận bị Taliban tập kích vào nơi đóng quân khi Stimson còn là chỉ huy một đội Mũ nồi xanh ở Afghanistan. Sau khi nghe John kể lại câu chuyện, Stimson cho biết ông không thể giúp gì được vì cũng như John, ông chẳng biết Ahmed là ai, bây giờ ở đâu, còn sống hay đã chết.

Trong hồi ký “Lời hứa không văn bản”, John viết: “Câu cuối cùng mà tôi nói với Stimson là: “Đại tá, ông nợ tôi mạng sống như tôi đã nợ người đàn ông Afghnistan kia mạng sống của tôi. Tôi khẩn cầu ông hãy tìm mọi cách giúp tôi để tôi có thể đưa ông ấy và gia đình đến nơi an lành. Ông ấy xứng đáng được như vậy…”.

Cuối cùng, Stimson hẹn John quay lại sau 3 ngày. Sáng 6/4, câu trả lời của Stimson là qua tìm hiểu những người lính Mỹ đã đưa John về bệnh viện trong trận phục kích của Taliban ngày 14/6/2018, người cứu John tên là Ahmed, sống ở làng Panjwayi, tỉnh Kandahar. Đại tá Stimson nói: “Ở Kabul hiện nay có một nhà thầu quân sự Mỹ là Richard. Tôi đã giới thiệu anh với ông ấy. Hy vọng Richard sẽ giúp được anh”.

Đập Arghandab, nơi John, Farah và vợ chồng Ahmed được cứu sống.

Đập Arghandab, nơi John, Farah và vợ chồng Ahmed được cứu sống.

Ngày 9/4/2020, John bay đi Kabul. Tại đây, khi gặp Richard rồi sau khi kể lại câu chuyện cùng mục đích của mình, Richard đồng ý cho John mượn 1 chiếc xe tải cùng tài xế Farah người Afghanistan là nhân viên chìm của của ông, thường xuyên chở hàng cho Taliban, được Taliban cấp giấy đi đường ở những vùng do chúng kiểm soát. Bên cạnh đó, Richard còn cho John mượn 1 điện thoại vệ tinh. Richard nói: “Trên xe có 2 khẩu AK cùng 6 băng đạn để anh tự vệ”.

Ngày 12, John và tài xế Farah lên đường đi Panjwayi. Ông kể: “Tôi mặc áo choàng dài kín người, đầu trùm khăn, mắt đeo kính đen. Tôi để râu quai nón rất rậm nên Fatah nói tôi chẳng khác gì người Afghanistan”. Có lẽ vì vậy nên khi qua mấy trạm kiểm soát rồi khi Farah trình giấy kèm theo vài tờ 100 USD, chẳng tay súng Taliban nào kiểm tra John.

Ngày 14/4/2020, tại làng Panjwayi, qua thăm hỏi Farah được biết đã lâu không ai gặp Ahmed nhưng anh ta vẫn còn người anh trai là Baloch làm nghề thợ máy. John viết: “Lúc gặp Baloch, qua sự phiên dịch của Farah tôi đánh liều với số phận bằng cách kể lại cho ông ấy nghe việc Ahmed cứu tôi và bây giờ tôi quay lại để trả ơn. Nghe xong Baloch cứng đơ như tượng gỗ. Ông ấy sợ đến nỗi chỉ lắp bắp “em tôi đang ở làng Tarin, nằm cạnh sông Arghandab, nó cũng là thợ máy. Xin anh đi ngay cho, Taliban hầu như kiểm soát cả vùng này rồi”. Trong hồi ký, John viết: “Lúc nghe Baloch tiết lộ về chỗ ở của Ahmaed, tôi bảo ông ấy nên đi theo chúng tôi thì Baloch trả lời: “Xin cảm ơn anh nhưng tôi đã thuộc về nơi này rồi…”.

Ngày 15, John và tài xế Farah đến làng Tarin. Ngày 16, ông tìm ra nơi ở và cũng là xưởng cơ khí của Ahmed. Ngồi trên chiếc ghế đối diện với gara, John phải đợi đến trưa, khi Ahmed sửa xong chiếc máy cày thì John mới lại gần. Trong hồi ký ông viết: “Ahmed sững sờ khi tôi nhắc lại chuyện cũ. Tôi nói tôi sẽ đưa gia đình anh sang Mỹ nhưng phải đi ngay bây giờ. Sau vài giây suy nghĩ, Ahmed đứng dậy vào nhà rồi khoảng nửa tiếng, ông ấy ra cùng vợ, cả hai chỉ có một chiếc túi xách”.

Không chút chần chừ, John bảo vợ chồng Ahmed vào thùng xe. Trên xe, ông gọi cho nhà thầu quân sự Richard, cho biết ông đã gặp vợ chồng Ahmed và đang trên đường về Kandahar. Trả lời John, Richard nói rất nguy hiểm vì Taliban đã cắt đường ở nhiều đoạn: “Ông ấy bảo tôi hỏi tài xế Farah xem từ chỗ chúng tôi đến con đập trên sông Arghandab còn bao nhiêu xa. Lúc nghe tài xế nói khoảng 40 phút thì Richard bảo sẽ đón tôi cùng gia đình Ahmed bằng trực thăng trên mặt con đập”.

Lúc này ở làng Panjwayi, một chỉ điểm viên của Taliban đã báo cho gã chỉ huy về sự xuất hiện của hai người lạ. Trước những đòn tra tấn thảm khốc, ông Baloch phải khai ra hai người gặp ông là ai. Lập tức, gã chỉ huy ra lệnh cho một nhóm Taliban lên 6 xe tải đuổi theo. Trong hồi ký, John viết: “Khi dừng lại trên mặt đập, nhìn xuống tôi thấy nhiều xe đang lao đến, trên xe đầy những lính. Biết là không ổn, tôi đẩy vợ chồng Ahmed vào sau một trụ xi măng rồi tôi và Farah mỗi người một súng, chuẩn bị cho cuộc chạm trán. Tôi cũng gọi Richard, báo ông biết về tình hình của chúng tôi”.

Vừa lên tới mặt đập, nhóm Taliban ồ ạt nổ súng trong lúc cả John lẫn Farah chỉ dám bắn từng phát một để tiết kiệm đạn. Theo John, khi ông và Farah hạ được khoảng 25 hay 30 tên thì cả hai hết đạn. John viết: “Nhìn sang Admed, mặt ông ấy tái xám còn vợ ông đầm đìa nước mắt. Farah ngồi bên cạnh nắm lấy tay tôi: “John, chúng ta sẽ chết nhưng tôi tự hào vì được chết cùng anh”.

Đột ngột, chuông điện thoại trong túi áo ngực của John reo lên. Lấy nó ra, ông nghe một giọng nói lạ: “John, tôi là phi công AC130, cho tôi biết vị trí của anh”. John đáp: “Chúng tôi ở bên trái bờ đập tính từ hướng Tây, sau lưng chiếc xe tải sơn màu xanh lá chuối”. Chưa đến 30 giây, chiếc máy bay xuất hiện, hai khẩu minigun 6 nòng đặt ở thân bên phải bắn như bò rống, đạn cày thành luồng dài trên mặt đập, 3 chiếc xe của Taliban trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt, hàng chục tay súng Taliban bỏ chạy tán loạn.

Thêm 5 phút nữa, 1 trực thăng Black Hawk xuất hiện. 2 ống phóng rocket của nó thổi thêm mấy quả vào đám lính Taliban rồi hạ cánh. Người bước xuống đầu tiên là nhà thầu quân sự Richard. Ông vẫy tay ra hiệu cho John, Farah và vợ chồng Ahmed leo lên. 45 phút sau, trực thăng hạ cánh xuống sân bay quân sự Kandahar. John viết: “Richard đưa tôi tờ giấy phép đặc biệt của Cục Di trú Mỹ dựa trên lời đề nghị của Đại tá Stimson, cho phép vợ chồng Ahmed nhập cảnh Mỹ. Tôi không ngờ Đại tá Stimson lại làm được những việc như vậy. Nếu quả thật trên đời này còn có phép lạ thì nó đang ở đây”.

Hiện tại, vợ chồng Ahmed sống gần nhà John. Đầu năm 2021, trước ngày Taliban kiểm soát Afghanistan, trong một lần điện thoại về làng Panjwayi, Ahmed mới biết anh ông bị Taliban tra tấn rồi giết chết ngay hôm vợ chồng ông lên chiếc xe tải rời làng Tarin. Riêng Farah, anh cùng nhà thầu quân sự Richard rời Afghanistan đến Mỹ 1 tuần trước khi Taliban kiểm soát toàn bộ quốc gia này.

Sau khi hồi ký “Lời hứa không văn bản” của John được dựng thành phim với những tình tiết hư cấu nhằm tăng thêm phần hấp dẫn, trình chiếu hồi đầu năm 2023, nhiều ý kiến khen John là người có nghĩa khí nhưng cũng không ít phản hồi rằng Chính phủ Mỹ “đem con bỏ chợ” qua việc hàng chục nghìn người Afghanistan đã từng cộng tác với lính Mỹ và liên quân bị phớt lờ. Ông Drake, một trong những nhà phê bình sách nổi tiếng ở Mỹ viết: “Nếu trung sĩ John không tự mình đến Afghanistan thì chẳng mấy ai biết Ahmed đã liều mạng để cứu John. Quốc gia này vẫn còn nợ những người như Ahmed một lời xin lỗi…”.

Vũ Cao (Theo Green Berets)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/trung-si-john-va-loi-hua-khong-van-ban-i754987/
Zalo