Trung Quốc ứng phó bão Pulasan chuẩn bị đổ bộ
Chính quyền các địa phương Trung Quốc đang nỗ lực khắc phục hậu quả của bão Bebinca, đồng thời cũng tích cực chuẩn bị ứng phó với cơn bão Pulasan, dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực miền đông nước này trong chiều hoặc tối nay.
Sau khi bão Bebinca đổ bộ vào Thượng Hải vào ngày 17/9 với sức gió mạnh và lượng mưa lớn, nhiều địa phương, đặc biệt là tỉnh Hà Nam ở miền trung đã hứng chịu các trận mưa lớn kéo dài.
Theo số liệu từ Cục Khí tượng tỉnh Hà Nam, từ 8 giờ sáng 17/9 đến 6 giờ sáng 19/9, nhiều thành phố như Chu Khẩu, Khai Phong và Bộc Dương đã ghi nhận lượng mưa rất lớn, trong đó Thương Khâu là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ và gián đoạn các hoạt động sinh hoạt và sản xuất.
Trong khoảng thời gian trên, 157 trạm quan trắc khí tượng tại 12 khu vực cấp huyện của tỉnh Hà Nam đã ghi nhận lượng mưa vượt quá 100mm, trong khi 49 trạm tại 4 khu vực khác ghi nhận lượng mưa trên 250mm.
Trước tình hình thời tiết cực đoan, tỉnh Hà Nam đã khẩn trương kích hoạt mức độ phản ứng khẩn cấp cấp III để ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc phải tiếp tục đối mặt với ảnh hưởng từ cơn bão Pulasan, dự kiến sẽ đổ bộ vào vùng duyên hải từ huyện Tượng Sơn (tỉnh Chiết Giang) đến quận Phố Đông (Thượng Hải) vào chiều hoặc tối 19/9.
Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia, bão Pulasan hiện đang di chuyển nhanh với tốc độ 40-45 km/giờ và cường độ ngày càng mạnh, mang theo gió lớn và mưa lớn.
Trước tình hình này, chính quyền tỉnh Chiết Giang đã nâng mức cảnh báo khẩn cấp lên cấp III và triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống bão.
Toàn bộ 72 tuyến phà chở khách tại thành phố Chu Sơn đã tạm ngưng hoạt động. Tại Ninh Ba, 20 dự án xây dựng ven biển đã phải dừng lại, trong khi 352 tàu thuyền đang tham gia các dự án này đã được đưa đến vùng an toàn để tránh bão.
Ông Chu Học Tùng, chuyên gia tại Viện Khí tượng Thượng Hải cho biết, mùa thu năm nay chứng kiến sự xuất hiện bất thường của nhiều cơn bão. Từ đầu tháng 9 đến nay, 4 cơn bão đã hình thành, trong đó 3 cơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Quốc.
Ông Chu nhấn mạnh rằng, áp cao cận nhiệt đới bất thường là nguyên nhân chính khiến bão có xu hướng mạnh lên và di chuyển nhanh hơn.
Trước đó, vào ngày 15/9, siêu bão Yagi đã tấn công đảo Hải Nam, gây thiệt hại lớn với 4 người thiệt mạng và 95 người bị thương. Đây được coi là cơn bão mùa thu mạnh nhất ảnh hưởng đến Trung Quốc kể từ năm 1949.
Dự báo, bão Pulasan với tốc độ di chuyển nhanh và lượng mưa lớn có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực miền núi.
Trung tâm Khí tượng quốc gia đã duy trì mức cảnh báo màu vàng đối với bão Pulasan, trong khi các địa phương ven biển được yêu cầu chuẩn bị tốt các phương án phòng, chống lũ lụt và sơ tán dân cư khỏi các khu vực có nguy cơ cao.