Trung Quốc tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng bất chấp chiến tranh thương mại
Các quan chức kinh tế cấp cao của Trung Quốc khẳng định rằng nước này hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 'khoảng 5%' của năm nay dù có chiến tranh thương mại với Mỹ...

Ảnh minh họa: Getty Images
“Sản lượng nông sản và năng lượng trong nước, cùng với hàng nhập khẩu từ các nguồn ngoài Mỹ, quá đủ để đáp ứng nhu cầu của chúng tôi”, ông Zhao Chenxin, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) - cơ quan hoạch định chính sách kinh tế quốc gia của Trung Quốc - khẳng định. “Kể cả không mua ngũ cốc và hạt dầu từ Mỹ nữa, nguồn cung ngũ cốc của chúng tôi cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều".
Phát biểu này của ông Zhao được đưa ra tại cuộc họp báo ngày 28/4. Tại đây, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc cố gắng trấn an công chúng về sức khỏe nền kinh tế và cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trước những tác động của cuộc chiến thuế quan với Mỹ.
Theo ông Zhao, nông sản nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc chủ yếu là ngũ cốc - mặt hàng dễ dàng tìm kiếm nguồn cung khác thay thế. Ông cũng nhấn mạnh rằng nguồn cung năng lượng của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể trong trường hợp các doanh nghiệp ngừng nhập khẩu đầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá từ Mỹ.
“Trong khi đó, việc mất đi thị trường Trung Quốc sẽ tác động nghiêm trọng tới nông dân Mỹ”, ông Zhao nhận định.
Năm 2023, Mỹ xuất khẩu 33 tỷ USD nông sản, khoảng 15 tỷ USD dầu mỏ, khí đốt và than đá vào Trung Quốc. Brazil và Argentina là hai thị trường được dự báo sẽ xuất khẩu nhiều hơn vào Trung Quốc. Tỷ trọng của Mỹ trong nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đã giảm xuống còn 13,5% năm 2023, từ mức 20,7% năm 2016. Trong khi đó, tỷ trọng của Brazil tăng từ 17,2% lên 25,2% trong cùng giai đoạn.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, thuế quan của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc đã tăng thêm 145%, bao gồm thuế đối ứng và thuế quan trả đũa qua lại. Trong khi đó, Trung Quốc hiện áp thuế quan 125% với hàng Mỹ để trả đũa, dù miễn trừ cho một số mặt hàng.
Trong bối cảnh chính quyền ông Trump đang có vẻ nóng lòng muốn đàm phán thương mại với Bắc Kinh, phía Trung Quốc dường như không mặn mà với việc đàm phá. Bắc Kinh nhiều lần khẳng định tuyên bố của Washington rằng hai bên đang thảo luận về thương mại là sai sự thật.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng Mỹ nên hủy bỏ toàn bộ thuế quan với hàng Trung Quốc để hai bên bắt đầu đàm phán thương mại.
Theo tờ báo Financial Times, trong bối cảnh thuế quan với hàng hóa hai bên ở mức trên 100%, hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu sụt giảm, khiến nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã cho công nhân nghỉ tạm thời.
Dù thừa nhận những thách thức bên ngoài đang gia tăng, nhưng ông Zhao khẳng định Bắc Kinh “hoàn toàn tự tin” đạt mục tiêu tăng trưởng 5% của năm nay.
Tại họp báo, ông Sheng Qiuping, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh rằng xuất khẩu của nước này vẫn tăng trong tháng 4, sau khi chiến tranh thương mại với Mỹ đã bắt đầu.
Các nhà hoạch định chính sách khẳng định Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp để bình ổn thị trường việc làm và nền kinh tế. Các quan chức cũng cam kết đẩy mạnh hỗ trợ tài chính và tín dụng với các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ nhà sản xuất trong nước tăng doanh thu nội địa và tìm kiếm thêm thị trường nước ngoài.
“Ngân hàng trung ương sẽ bơm thêm tiền cho các nhà băng và hạ lãi suất ở thời điểm thích hơn, đồng thời tiếp tục bình ổn đồng nhân dân tệ”, ông Zou Lan, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), phát biểu tại họp báo.
Một quan chức cấp cao của Bộ Nhân lực - An sinh xã hội Trung Quốc cũng cho biết cơ quan này sẽ đưa ra một số chính sách mới, bao gồm kêu gọi doanh nghiệp nhà nước tăng tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và hỗ trợ tài chính cho hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trong tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị của Trung Quốc ở mức 5,2%, trong khi tỷ lệ này ở giới trẻ duy trì ở mức cao 16,5%.
"Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tiếp tục duy trì chế độ chờ”, bà Louise Loo, nhà kinh tế học hàng đầu về Trung Quốc tại công ty tư vấn Oxford Economics, nhận xét. "Dù Bắc Kinh nhìn chung đảm bảo việc thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan, nhưng việc bình ổn thị trường lao động dường như được ưu tiên hơn cả”.