Trung Quốc trải thảm đỏ đón các lãnh đạo châu Phi

Phái đoàn từ hàng chục quốc gia châu Phi đang có mặt tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày, cơ hội cho Trung Quốc thể hiện mình là đối tác hàng đầu của châu lục này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 2/9.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 2/9.

Các nhà lãnh đạo châu Phi được chào đón nồng nhiệt khi đến sân bay Bắc Kinh, để tham dự hội nghị mà các quan chức Trung Quốc gọi là một trong những sự kiện ngoại giao lớn nhất mà họ tổ chức trong những năm gần đây.

Hội nghị thượng đỉnh ngày 4/9 là sự kiện đầu tiên như vậy giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và châu Phi tại Bắc Kinh kể từ năm 2018. Hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và châu lục mà Trung Quốc có căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài, cũng là nơi Trung Quốc có lợi ích lớn về kinh tế.

Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc cấp vốn cho nhiều dự án đường cao tốc, đường sắt và nhà máy điện trên khắp châu Phi. Nguồn vốn này lấp đầy khoảng trống về vốn đầu tư và mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc, nhưng cũng vấp phải chỉ trích của phương Tây rằng cách làm này đang đẩy nhiều quốc gia vào những khoản nợ không bền vững.

Sau giai đoạn mở rộng ồ ạt, Trung Quốc chuyển sang triển khai mô hình đầu tư "nhỏ mà đẹp", thúc đẩy các công nghệ xanh mà Trung Quốc dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất.

Hội nghị tuần này sẽ là cơ hội lớn để Bắc Kinh truyền tải tầm nhìn đó, để xác định hướng đi cho mối quan hệ với châu lục mà sự ủng hộ chính trị ngày càng trở nên quan trọng hơn, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington. Tầm nhìn đó cũng phục vụ mục tiêu của Trung Quốc nhằm trở thành quốc gia dẫn dắt của Nam bán cầu và thay thế vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Tuy nhiên, đối với các nhà lãnh đạo châu Phi, những thay đổi này diễn ra như thế nào vẫn là một câu hỏi. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thẳng thắn kêu gọi Trung Quốc "thu hẹp thâm hụt thương mại và giải quyết cơ cấu thương mại song phương” trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 2/9.

Một số quốc gia châu Phi vẫn đang vật lộn với khoản nợ quốc tế khổng lồ, bao gồm các khoản vay từ Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm thêm đầu tư và thương mại để thúc đẩy nền kinh tế của họ.

Từ trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã giảm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành chủ nợ lớn nhất của châu Phi trong những thập kỷ gần đây.

Theo thống kê của Trung tâm Chính sách phát triển toàn cầu thuộc Đại học Boston (Mỹ), khoản vay mà Trung Quốc cung cấp cho các quốc gia châu Phi đã giảm mạnh trong giai đoạn đại dịch, xuống mức thấp nhất là khoảng 1 tỷ USD năm 2022, sau đó phục hồi nhẹ lên 4,6 tỷ USD năm 2023, thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm hơn 28,8 tỷ USD năm 2016.

Một số nhà lãnh đạo châu Phi đến dự hội nghị ở Bắc Kinh lần này khi đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc trả nợ.

Biểu tình diễn ra rầm rộ ở Kenya vào đầu mùa hè này để phản đối dự luật tài chính do chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế nợ công. Theo thông báo mà chính phủ nước này đưa ra hồi tháng 4, khoản nợ đó bao gồm gần 6 tỷ USD nợ Trung Quốc và hơn 20 tỷ USD phải trả cho các ngân hàng đa phương.

Bình Giang

Theo CNN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-trai-tham-do-don-cac-lanh-dao-chau-phi-post1669565.tpo
Zalo