Trung Quốc trả đũa lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ
Theo Guardian, chính phủ Trung Quốc tuyên bố cấm xuất khẩu sang Mỹ một số linh kiện quan trọng dùng để sản xuất chất bán dẫn, làm leo thang căng thẳng thương mại sau khi Washington tuyên bố hạn chế khả năng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.
Chính sách trả đũa của Trung Quốc
Trong một tuyên bố trích dẫn những lo ngại về "an ninh quốc gia", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong số các vật liệu bị cấm xuất khẩu có kim loại gali, antimon và germani.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, xuất khẩu than chì - thành phần khác trong chất bán dẫn - phải chịu "các đợt đánh giá chặt chẽ hơn về người dùng và mục đích sử dụng". Các hạn chế này tăng cường thực thi giới hạn hiện hành đối với xuất khẩu khoáng sản quan trọng mà Bắc Kinh triển khai từ năm ngoái, nhưng chỉ áp dụng cho thị trường Mỹ.
"Để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế như không phổ biến vũ khí hạt nhân, Trung Quốc quyết định tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng có mục đích sử dụng kép có liên quan đến Mỹ”, Bộ này cho biết.
Gali và germani được sử dụng trong chất bán dẫn, trong khi germani cũng được sử dụng trong công nghệ hồng ngoại, cáp quang và pin mặt trời. Antimon được sử dụng trong đạn và các loại vũ khí khác, trong khi than chì là thành phần lớn nhất theo thể tích của pin xe điện.
Chuyên gia lo ngại rằng Bắc Kinh có thể nhắm tới các khoáng sản quan trọng khác, bao gồm những khoáng sản có mức sử dụng rộng rãi hơn như niken và coban.
Trung Quốc chiếm 94% sản lượng gali và 83% sản lượng germani của thế giới. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy không có lô hàng germani hoặc gali gia công và chưa gia công nào đến Mỹ trong năm nay, tính đến tháng 10. Trong khi đó, một năm trước, Mỹ đây là thị trường lớn thứ tư và thứ năm về loại khoáng sản này của Trung Quốc.
Tương tự, tổng lượng hàng xuất khẩu antimon của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 97% so với tháng 9 sau khi động thái hạn chế xuất khẩu của Bắc Kinh có hiệu lực.
Điều gì sẽ xảy ra?
Hôm thứ Hai, Washington công bố lệnh hạn chế bán hàng cho 140 công ty, bao gồm các công ty chip Trung Quốc là Piotech và SiCarrier, mở rộng nỗ lực hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc, có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.
Các quy định mới của Mỹ bao gồm biện pháp kiểm soát đối với hơn hai chục loại thiết bị sản xuất chip và ba loại công cụ phần mềm để phát triển hoặc sản xuất chất bán dẫn.
Ngay sau Mỹ áp dụng quy định mới, Trung Quốc cho rằng Mỹ "chính trị hóa, vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghệ" khi công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Dylan Loh - phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore - cho biết: "Động thái này rõ ràng là một đòn trả đũa nhắm vào Mỹ. Điều này nhấn mạnh điểm quan trọng là Trung Quốc không hoàn toàn thụ động, có một số quân bài mà họ có thể sử dụng để tấn công Mỹ về mặt chip”
Chong Ja Ian - phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore - cho biết những "kiềm chế qua lại" này có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như áp lực lạm phát nếu chúng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của bên thứ ba.
Các hiệp hội thương mại Trung Quốc đưa ra những tuyên bố tương tự ngày 3/12, kêu gọi các thành viên của họ tìm kiếm các giải pháp thay thế tại địa phương cho chip của Mỹ.
Hiệp hội Internet Trung Quốc kêu gọi các công ty “thận trọng khi mua chip của Mỹ, tìm cách mở rộng hợp tác với các công ty chip ở các quốc gia và khu vực khác, đồng thời tích cực sử dụng chip do các doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất và chế tạo tại Trung Quốc”.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cáo buộc Washington đã tùy tiện sửa đổi các quy định kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung ổn định các sản phẩm chip của Mỹ.
"Niềm tin của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc vào việc mua sắm các sản phẩm chip của Mỹ đang bị lung lay, các sản phẩm chip ô tô của Mỹ không còn đáng tin cậy và an toàn nữa", Hiệp hội này nhấn mạnh.