Trung Quốc tích trữ mạnh đậu nành trước khi ông Trump nhậm chức
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang đẩy mạnh tích trữ đậu nành do lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức...
Theo tính toán của hãng tin Reuters dựa trên số liệu hải quan chính thức của Trung Quốc, trong năm 2024, nước này nhập khẩu kỷ lục 105,03 triệu tấn đậu nành, tăng từ 99,4 triệu tấn của năm trước.
Đậu nành là mặt hàng chính của cuộc chiến thuế quan do ông Trump khởi xướng trong nhiệm kỳ trước. Theo các nhà phân tích, các công ty nhập khẩu Trung Quốc – nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới – tích trữ đậu nành nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro địa chính trị trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Trump đã dọa sẽ đánh thuế tới 60% với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, làm dấy lên nỗi lo căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Nếu Mỹ áp thuế quan với hàng Trung Quốc, Bắc Kinh có thể trả đũa bằng biện pháp thuế quan nhằm vào hàng nhập khẩu nông sản từ Mỹ vào nước này. Trong đó, đậu nành có thể sẽ trở thành một mục tiêu chính bởi đây là mặt hàng mà Trung Quốc đang nhập khẩu một lượng lớn từ Mỹ”, ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế, tác giả cuốn sách "Asian Megatrends" (tạm dịch: Các siêu xu hướng châu Á), nhận định với trang tin Business Insider.
Mỹ hiện là nhà sản xuất đậu nành lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Nước này cung cấp khoảng 25% tổng lượng nhập khẩu hạt có dầu của Trung Quốc. Các loạt hạt có dầu thường được dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Trong nhiệm kỳ trước của mình, ông Trump đã áp thuế quan mạnh với khoảng 550 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Phản ứng lại, Bắc Kinh áp thuế quan 25% với tổng cộng khoảng 185 tỷ hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu nành. Trong năm 2018, năm đầu tiên của chiến tranh thương mại, nhập khẩu đậu nành Mỹ của Trung Quốc sụt mạnh xuống còn 16,6 triệu tấn, chỉ bằng khoảng một nửa so với năm trước đó.
Thuế quan với đậu nành được miễn vào tháng 1/2020 khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có hiệu lực.
Việc tái diễn căng thẳng thuế quan giữa hai nền kinh tế trong nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump được dự báo sẽ tác động tiêu cực tới nông dân trồng đậu nành Mỹ.
“Trong trường hợp Trung Quốc áp thuế quan trả đũa với đậu nành Mỹ năm 2025, một lần nữa việc này sẽ gây tổn thất kinh tế đáng kể cho ngành đậu nành Mỹ”, ông Biswas nhận xét.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA) và Hiệp hội Nông dân trồng ngô Quốc gia Mỹ (NCGA), một cuộc chiến thương mại mới sẽ gây ra “sự sụt giảm tức thì lên tới hàng triệu tấn xuất khẩu ngô và đậu nành”.
“Brazil và Argentina sẽ giành lấy thị phần của Mỹ và các nhà sản xuất Mỹ sẽ rất khó để giành lại trong tương lai”, hai hiệp hội nhấn mạnh trong báo cáo nghiên cứu công bố vào tháng 10 năm ngoái. “Nhu cầu từ phần còn lại của thế giới không đủ để bù đắp cho thị trường Trung Quốc”.
Trong báo cáo, hai hiệp hội cũng cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh thương mại có thể "tác động lan tỏa khắp nước Mỹ, đặc biệt là ở các vùng kinh tế nông thôn nơi người nông dân sinh sống”.
Về phía Trung Quốc, các nhà nhập khẩu đậu nành của nước này đã đa dạng hóa nguồn cung kể từ sau nhiệm kỳ trước của ông Trump. Theo đó, Brazil là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này.
Với vai trò lớn của Trung Quốc trên thị trường đậu nành toàn cầu, bất kỳ sự sụt giảm nào về nhu cầu của nước này cũng sẽ tác động lớn tới thị trường vốn có nguồn cung dồi dào này. Tuy nhiên, so với trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, mức độ tác động sẽ ít hơn.
"Dù nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump có thể thổi bùng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và Bắc Kinh có thể sẽ áp thuế quan với đậu nành Mỹ, chúng tôi cho rằng nhu cầu giảm từ phía Trung Quốc có thể sẽ tác động ít hơn tới giá mặt hàng này so với nhiệm kỳ trước”, các nhà phân tích của công ty nghiên cứu BMI Research nhận định trong một báo cáo tuần trước.