Trung Quốc 'thống trị' năng lượng gió và mặt trời

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy gần 2/3 các nhà máy điện gió và điện mặt trời lớn đang được xây dựng trên toàn cầu đều ở Trung Quốc.

Trung Quốc đang xây dựng số nhà máy điện gió và điện mặt trời với tổng công suất lên tới 339 gigawatt (GW), tương đương với 64% tổng số toàn cầu, theo báo cáo từ tổ chức nghiên cứu Global Energy Monitor (GEM).

Con số này cao hơn 8 lần so với số dự án của Mỹ - đang đứng ở vị trí thứ hai, với tổng công suất 40 GW.

Các tua-bin gió tại một nhà máy điện gần Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

Các tua-bin gió tại một nhà máy điện gần Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

Các tác giả của báo cáo cho biết tốc độ của Trung Quốc khiến mục tiêu toàn cầu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào cuối năm 2030 trở nên "trong tầm tay" ngay cả khi không có thêm thủy điện, đồng thời kêu gọi Trung Quốc nâng cao các mục tiêu trong cam kết về khí hậu gửi tới Liên hợp quốc vào năm tới.

Tuần trước, tổ chức tư vấn Climate Energy Finance có trụ sở tại Sydney cho biết Bắc Kinh cũng đang trên đà đạt được mục tiêu năm 2030 là lắp đặt 1.200 GW điện gió và điện mặt trời vào tháng này - sớm hơn 6 năm so với mục tiêu.

Mặc dù vậy, nhà phân tích nghiên cứu Aiqun Yu của GEM cho biết việc tích hợp thành quả bùng nổ của năng lượng tái tạo vẫn là một thách thức đối với mạng lưới điện tập trung vào than của Trung Quốc, và quốc gia này cần phải phát triển các đường dây truyền tải nhanh hơn nữa.

Theo phân tích của Lauri Myllyvirta, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, Trung Quốc đã sản xuất 53% điện từ than vào tháng 5, mức thấp kỷ lục, trong khi mức kỷ lục 44% đến từ các nguồn không phải nhiên liệu hóa thạch, cho thấy lượng khí thải carbon của nước này có thể đã đạt đỉnh vào năm ngoái nếu xu hướng này tiếp tục.

Tỷ trọng điện than đã giảm từ mức 60% vào tháng 5/2023.

Năng lượng mặt trời tăng lên 12% sản lượng điện vào tháng 5 và năng lượng gió lên 11% khi Trung Quốc bổ sung thêm một lượng lớn công suất mới. Thủy điện ở mức 15%, hạt nhân ở mức 5% và sinh khối ở mức 2% góp phần vào công suất năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch của nước này.

Việc tăng sản lượng điện tái tạo đã giúp lượng khí thải carbon dioxide từ ngành điện, chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải của Trung Quốc, giảm 3,6% vào tháng 5.

Ông Myllyvirta cho biết: "Nếu việc triển khai năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhanh chóng như hiện nay tiếp tục, thì lượng khí thải CO2 của Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục giảm, khiến năm 2023 trở thành năm đạt đỉnh về lượng khí thải của nước này".

Phân tích của ông Lauri Myllyvirta - lấy dữ liệu từ Hội đồng Điện lực Trung Quốc - cho thấy sản lượng điện mặt trời tăng vọt kỷ lục 78% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 5, đạt 94 terrawatt giờ (TWh).

Sản lượng điện gió tăng 5% trong năm lên 83 TWh khi công suất tăng 21% được bù đắp bằng mức sử dụng thấp hơn do điều kiện gió thay đổi. Sản lượng thủy điện tăng 39% so với năm ngoái, khi thủy điện bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Sản lượng điện từ khí đốt giảm 16%, sản lượng điện từ than giảm 3,7%, ngay cả khi tổng nhu cầu điện tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo phát triển thường niên ngành điện lực Trung Quốc năm 2024 do Hội đồng Điện lực Trung Quốc, tỷ lệ công suất phát điện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt tới 70% vào năm 2030, đẩy tỷ lệ tiêu thụ năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vượt quá 25%.

Thủy Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/trung-quoc-thong-tri-nang-luong-gio-va-mat-troi-d113236.html
Zalo