Trung Quốc sắp tổ chức hội nghị chuyên đề có Jack Ma tham dự, cổ phiếu Alibaba và nhiều hãng tăng vọt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ chủ trì một hội nghị chuyên đề nhằm thúc đẩy tinh thần của khu vực tư nhân vào tuần tới, có sự tham dự của các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước, gồm cả Jack Ma (đồng sáng lập Alibaba), Reuters đưa tin.

Ông Tập Cận Bình hiếm khi chủ trì các hội nghị chuyên đề về khu vực tư nhân và sự kiện này nhấn mạnh nhiều thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt, từ sự leo thang căng thẳng với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cho đến sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế trong nước.

Nhiều doanh nhân lĩnh vực công nghệ tham dự hội nghị và ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ khuyến khích họ mở rộng hoạt động kinh doanh trong nước và quốc tế giữa bối cảnh cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ đang leo thang, hai nguồn tin cho biết.

Ba nguồn tin của Reuters cho biết hội nghị chuyên đề có khả năng sẽ diễn ra vào ngày 17.2.

Pony Ma, Giám đốc điều hành gã khổng lồ công nghệ Tencent, dự kiến sẽ có mặt ở hội nghị này, theo hai nguồn tin của Reuters. Lei Jun (Giám đốc điều hành hãng sản xuất smartphone và ô tô điện Xiaomi) cùng Wang Xingxing (người sáng lập công ty robot Yushu Technology) có khả năng sẽ tham dự hội nghị, một nguồn tin cho hay.

Một lãnh đạo cấp cao của Huawei cũng dự kiến sẽ tham dự hội nghị, theo hai nguồn tin của Reuters.

Hiện chưa rõ Liang Wenfeng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành DeepSeek, có tham dự hội nghị này hay không.

DeepSeek là công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) được chú ý nhất hiện nay khi gần đây tung ra hai mô hình nguồn mở mạnh mẽ, V3 và R1. Hai mô hình AI này được phát triển với chi phí và sức mạnh tính toán chỉ bằng một phần nhỏ so với mức mà các hãng công nghệ lớn thường bỏ ra để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn – công nghệ nền tảng cho các dịch vụ AI tạo sinh.

Mã nguồn mở cho phép công chúng truy cập vào mã nguồn của một chương trình, giúp các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba chỉnh sửa hoặc chia sẻ thiết kế, sửa lỗi hoặc mở rộng khả năng của nó. Các công nghệ mã nguồn mở đã đóng góp to lớn vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ Trung Quốc vài thập kỷ qua.

DeepSeek đã thúc đẩy làn sóng áp dụng các mô hình AI hiệu suất cao, chi phí thấp của công ty khởi nghiệp này trong nhiều ngành, từ sản xuất tiên tiến đến dịch vụ internet.

Các tập đoàn lớn như gã khổng lồ sản xuất PC Lenovo, công ty robot hình người UBTech và nhà sản xuất xe điện Geely nằm trong số những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên tích hợp các mô hình AI DeepSeek vào sản phẩm của họ những tuần gần đây.

Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm thúc đẩy tinh thần của khu vực tư nhân vào tuần tới, có sự tham dự của Jack Ma và các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước - Ảnh: Internet

Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm thúc đẩy tinh thần của khu vực tư nhân vào tuần tới, có sự tham dự của Jack Ma và các lãnh đạo doanh nghiệp trong nước - Ảnh: Internet

Reuters đã nói chuyện với 5 người có hiểu biết về hội nghị chuyên đề sắp tới, tất cả đều từ chối nêu tên vì không được phép trò chuyện với giới truyền thông.

Văn phòng thông tin của Quốc vụ viện, đơn vị xử lý các câu hỏi của giới truyền thông thay mặt cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Alibaba, Tencent, Xiaomi, Huawei và Yushu Technology không trả lời khi được Reuters đề nghị bình luận.

Cổ phiếu Alibaba, Tencent và Xiaomi đã mở rộng mức tăng trong phiên giao dịch chiều 14.2 sau tin tức này. Cổ phiếu Xiaomi tăng 7% và đạt mức kỷ lục, trong khi cổ phiếu Alibaba tăng hơn 6%, gần với mức đỉnh ba năm qua. Cổ phiếu Tencent cũng tăng 6%.

Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên chủ trì một hội nghị chuyên đề cấp cao cho khu vực tư nhân vào cuối năm 2018. Vào thời điểm đó, Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết ủng hộ các công ty tư nhân, hứa sẽ cắt giảm thuế và tạo sân chơi bình đẳng, đồng thời khẳng định lại rằng các doanh nghiệp tư nhân sẽ được tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính.

Những năm gần đây, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhu cầu của Trung Quốc là đạt được "sự thịnh vượng chung", nói rằng các công ty tư nhân phải "giàu có và yêu thương" cũng như "yêu nước" và chia sẻ thành quả tăng trưởng của họ với nhân viên một cách công bằng hơn.

Thúc đẩy niềm tin kinh doanh

Việc Jack Ma tham dự hội nghị chuyên đề theo kế hoạch có khả năng thúc đẩy niềm tin kinh doanh.

Doanh nhân nổi tiếng này hầu như tránh xa ánh đèn sân khấu sau khi đợt IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant Group, hãng công nghệ tài chính thuộc Alibaba, bị chính quyền Trung Quốc dừng lại vào năm 2020. Việc này diễn ra sau khi Jack Ma chỉ trích hệ thống quản lý tài chính của Trung Quốc và tuyên bố các ngân hàng nước này hoạt động với tư duy như "tiệm cầm đồ", tại Hội nghị thượng đỉnh Tài chính Thượng Hải lần thứ 2 vào tháng 10.2020.

Sau đó, đế chế kinh doanh của Jack Ma và ngành công nghệ Trung Quốc nói chung đã bị cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định.

Theo trang SCMP, Jack Ma vừa đến thăm một siêu thị Freshippo ở tỉnh Hồ Nam hôm 13.2, vài ngày sau khi ông xuất hiện tại trụ sở chính của Alibaba tại thành phố Hàng Châu để thể hiện sự ủng hộ với đế chế kinh doanh mà ông tạo ra hơn hai thập kỷ trước.

Đội mũ trắng và đeo khẩu trang đen, Jack Ma đã được phát hiện khi tham quan một cửa hàng Freshippo ở Hồ Nam, theo những bức ảnh được người mua sắm chia sẻ trên mạng xã hội. Trong một bức ảnh, Jack Ma được nhìn thấy đang đi ngang qua lối đi bán đồ uống. Trong một bức ảnh khác, tỷ phú sinh năm 1964 đang xem qua khu sushi.

Jack Ma tham quan chuỗi cửa hàng Freshippo ở Hồ Nam - Ảnh: RedNote

Jack Ma tham quan chuỗi cửa hàng Freshippo ở Hồ Nam - Ảnh: RedNote

Sự việc này xảy ra chỉ hai ngày sau khi Jack Ma xuất hiện tại văn phòng ở Hàng Châu của Xianyu, sàn thương mại điện tử chuyên đồ cũ được Alibaba thành lập vào năm 2014. Ông được nhìn thấy mỉm cười và vẫy tay chào nhân viên.

Vào tháng 12.2024, doanh nhân đã nghỉ hưu này đến thăm trụ sở chính của Alibaba tại Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, nơi ông có bài phát biểu công khai hiếm hoi nhân kỷ niệm 20 năm hoạt động kinh doanh công nghệ tài chính của Ant Group. Tại đây, Jack Ma nói rằng ông tin tưởng vào "20 năm tới" của công ty và mong đợi "nhiều phép màu hơn nữa".

Freshippo (được gọi là Hema tại thị trường trong nước) ra mắt vào năm 2015 và vẫn là hoạt động bán lẻ truyền thống quan trọng của Alibaba, ngay cả khi công ty đã thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngoại tuyến không cốt lõi, gồm cả cửa hàng bách hóa Intime và nhà điều hành siêu thị Sun Art.

Theo lá thư nội bộ từ Giám đốc điều hành Freshippo - Yan Xiaolei (đảm nhận vai trò này vào tháng 3.2024), chuỗi cửa hàng tạp hóa này đã ghi nhận lợi nhuận trong 9 tháng liên tiếp vào năm 2024. Freshippo đã mở rộng mạnh mẽ, mở 72 cửa hàng mới trên khắp Trung Quốc vào 2024 - nhiều nhất trong 5 năm, bà Yan Xiaolei cho biết vào tháng 12.2024.

Freshippo trước đó đã ghi nhận có lợi nhuận trong quý 4/2022 và quý 1/2023.

Alibaba đã hoãn đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo kế hoạch của Freshippo vào năm 2023. Đầu năm 2024, Joe Tsai (đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba) cho biết công ty không vội vàng niêm yết cổ phiếu của Freshippo, chuỗi siêu thị nổi tiếng với hoạt động bán thực phẩm tươi sống này.

Jack Ma đã từ chức khỏi mọi vai trò tại Alibaba, nhưng vẫn là cổ đông chính và nhà lãnh đạo tinh thần của công ty.

Tại một hội nghị ở Dubai (UAE) hôm 13.2, Joe Tsai nhớ lại cuộc gặp với Jack Ma tại căn hộ ở Hàng Châu, nơi họ thành lập Alibaba.

"Jack là một người đầy cuốn hút như anh ấy vốn có và tôi bị anh mê hoặc trong khoảng một giờ. Anh ấy nói: ‘Để khởi nghiệp, bạn không thực sự cần có kế hoạch kinh doanh, mà chỉ cần thực hiện thôi’. Đó là lý do tại sao tôi quyết định nghỉ việc vào thời điểm đó để gia nhập Alibaba", Joe Tsai kể lại.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-sap-to-chuc-hoi-nghi-chuyen-de-co-jack-ma-tham-du-co-phieu-alibaba-va-nhieu-hang-tang-vot-229304.html
Zalo