Trung Quốc ra mắt 'màn đạn', tiêu diệt hàng loạt UAV cùng lúc

Tập đoàn Norinco của Trung Quốc giới thiệu hệ thống phòng không 'màn đạn' độc đáo, có khả năng tiêu diệt đồng loạt UAV, tên lửa và máy bay trong các đòn tấn công ồ ạt.

 Hệ thống vũ khí “màn đạn” mới của Trung Quốc - có khả năng đánh chặn bầy UAV và tên lửa - được tạp chí Modern Weaponry công bố trong số tháng 4/2025. Ảnh: Modern Weaponry.

Hệ thống vũ khí “màn đạn” mới của Trung Quốc - có khả năng đánh chặn bầy UAV và tên lửa - được tạp chí Modern Weaponry công bố trong số tháng 4/2025. Ảnh: Modern Weaponry.

Trung Quốc mới đây đã chính thức công bố một hệ thống vũ khí phòng không cự ly gần có khả năng đối phó hiệu quả với các mục tiêu nhỏ, tốc độ cao và xuất hiện đồng thời với số lượng lớn, theo SCMP.

Hệ thống có tên gọi "Màn đạn" (Bullet Curtain), do Tập đoàn Công nghiệp Bắc Phương (Norinco) - nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Trung Quốc - phát triển và công bố trên tạp chí Modern Weaponry số tháng 4.

Đây là hệ thống đầu tiên trên thế giới sử dụng phương thức đánh chặn "từ mặt phẳng đến điểm", thay vì tập trung hỏa lực vào một điểm cố định như các hệ thống truyền thống.

“Nếu coi mục tiêu là một con ruồi, thì cách phòng không truyền thống giống như việc liên tục ném đá để bắn trúng nó. Trong khi đó, hệ thống của chúng tôi giống như vung một cây vợt ruồi, bao phủ toàn bộ khu vực mà nó có thể bay qua”, ông Yu Bin - kỹ sư trưởng của dự án - miêu tả về hệ thống.

Cốt lõi của "Màn đạn" là cụm pháo 35 mm gồm 16 nòng (bố trí 4x4), có khả năng bắn ra loại đạn AHEAD tiên tiến - mỗi viên đạn này sẽ phát tán hàng trăm mảnh đạn nhỏ để tạo nên một vùng hủy diệt dày đặc. Đây chính là “màn lưới lửa” giúp vô hiệu hóa nhiều UAV bay cùng lúc.

Không chỉ dừng lại ở mục tiêu nhỏ như UAV, hệ thống còn có thể đánh chặn các loại tên lửa hành trình, đạn pháo phản lực, đạn cối, máy bay cánh cố định và trực thăng. Đối với các mục tiêu lớn và tốc độ cao, Norinco đã phát triển loại đạn chuyên dụng theo cấu hình nối tiếp và song song nhằm gia tăng độ chính xác và sức công phá.

Toàn bộ hệ thống tích hợp radar, thiết bị quang học, bộ điều khiển hỏa lực, nền tảng quản lý tác chiến và cơ chế kiểm soát đạn dược - tạo nên một giải pháp phòng không toàn diện, đồng bộ và có khả năng phản ứng cực nhanh trong thực chiến.

Hệ thống "Màn đạn" hiện được lắp đặt trên xe vận tải quân sự 6x6, đóng vai trò như một lớp phòng không cơ động trong các đơn vị chiến đấu. Tuy nhiên, nhờ thiết kế module hiện đại, hệ thống có thể dễ dàng tích hợp lên các nền tảng đa dạng khác như xe bọc thép bánh lốp, bánh xích, tàu chiến, thậm chí cả các công trình phòng thủ cố định.

“Dựa trên đặc điểm và quy mô của mục tiêu, máy tính sẽ tự động tính toán và điều chỉnh kích thước cũng như mật độ màn đạn để tối ưu hóa khả năng tiêu diệt”, ông Yu Bin cho biết.

Khả năng này cho phép hệ thống nhanh chóng triển khai trong mọi kịch bản chiến đấu - từ phòng thủ biên giới, bảo vệ căn cứ, hộ tống đoàn xe cho đến tác chiến trên biển hoặc bảo vệ các mục tiêu chiến lược.

Hệ thống càng đặc biệt có giá trị khi hiện chiến thuật UAV bầy đàn có thể làm quá tải hệ thống radar và bệ phóng tên lửa hiện đại vốn có giá trị rất cao, tạo ra sự mất cân bằng chi phí nghiêm trọng cho bên phòng thủ.

“Chúng ta cần một hệ thống có khả năng khóa mục tiêu, theo dõi và tiêu diệt đồng loạt nhiều UAV cùng lúc với chi phí thấp và hiệu suất cao. Và đó chính là điểm mạnh lớn nhất của ‘Màn đạn’”, ông Yu Bin nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trong nhiều cuộc thử nghiệm thực chiến, hệ thống đã thể hiện khả năng tiêu diệt hiệu quả các đội hình UAV tấn công đông đảo - điều mà nhiều hệ thống phòng không hiện có trên thế giới còn gặp khó khăn.

Nguồn tin từ Norinco cũng cho biết hệ thống này có thể được giới thiệu ra thị trường quốc tế trong thời gian tới. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đối mặt với thách thức từ các loại UAV giá rẻ nhưng hiệu quả cao, nhu cầu tìm kiếm những giải pháp phòng không chi phí thấp, hiệu quả cao như "Màn đạn" đang ngày càng tăng.

Giới quan sát nhận định, nếu được đưa ra thị trường, hệ thống "Màn đạn" sẽ nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của nhiều dòng vũ khí phòng không hiện đại đến từ phương Tây - đặc biệt trong nhóm các quốc gia đang phát triển hoặc có ngân sách quốc phòng hạn chế.

Tiêm kích không đuôi J-36 của Trung Quốc lần đầu lộ diện rõ nét Video cho thấy chiến đấu cơ mới có biệt danh J-36 với thiết kế cánh bay của Trung Quốc đang hạ độ cao để tiếp cận đường băng tại Thành Đô.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-quoc-ra-mat-man-dan-tieu-diet-hang-loat-uav-cung-luc-post1545200.html
Zalo