Trung Quốc quyết 'tấn công' Đức bằng đòn quyến rũ, châu Âu cũng phải lung lay?

Global Times bình luận, sự kiện Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường công du Đức, Pháp đã tạo nên cơ hội hiếm có để loại bỏ những tác động từ bên trong và bên ngoài, đồng thời giải tỏa những suy nghĩ phức tạp và mẫu thuần của châu Âu về Trung Quốc. Châu Âu không nên bỏ lỡ cơ hội này.

Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường được giới quan sát nhìn nhận là cách Bắc Kinh tìm con đường ngắn hơn, nhằm tăng cường quan hệ với hai “anh cả” Đức, Pháp trước sức ép ngày một gia tăng từ Mỹ.

Đối với Đức, Pháp và châu Âu nói chung, chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sau khi thành lập chính phủ mới (tháng 3/2023) không chỉ là hành trình thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống và làm sâu sắc thêm sự hợp tác, mà còn là chuyến thăm quan trọng để thực hiện đề xuất của nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc - đẩy mạnh phát triển quan hệ Trung Quốc-châu Âu.

Ông Lý Cường cũng sẽ thăm chính thức nước Pháp, ngay sau đó và dự Hội nghị cấp cao về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới (ngày 22 và 23/6).

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) chào đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Cung điện Bellevue ở Berlin, Đức, ngày 19/6. (Nguồn: AP)

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) chào đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Cung điện Bellevue ở Berlin, Đức, ngày 19/6. (Nguồn: AP)

Trung Quốc sẵn sàng là bên nỗ lực hết sức

Điều đáng chú ý hơn về chuyến thăm hai cường quốc châu Âu của Thủ tướng Lý Cường là nó diễn ra ngay sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 4 và chuyến công du nền kinh tế số 1 châu Á của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào cuối năm 2022.

Global Times bình luận, sự kiện đã tạo nên cơ hội hiếm có để loại bỏ những tác động từ bên trong và bên ngoài, đồng thời giải tỏa những suy nghĩ phức tạp và mẫu thuần của châu Âu về Trung Quốc. “Châu Âu không nên bỏ lỡ cơ hội này” là lời khuyên của Global Times

Tờ báo Trung Quốc nhấn mạnh rằng, đây không phải cái gọi là “đòn tấn công quyến rũ” của Trung Quốc đối với châu Âu và Bắc Kinh cũng chưa từng lợi dụng châu Âu. Nói một cách đơn giản, tâm lý chân chính và đơn giản nhất của Bắc Kinh là họ thực sự không muốn nhìn thấy một đối tác chiến lược, không có xung đột lợi ích cơ bản nhưng bị “lung lay” bởi tác động từ bên ngoài và những cảm xúc thiếu lý trí từ bên trong thúc đẩy, đi theo hướng gây ra thiệt hại thay vì cùng có lợi.

Để tránh tình trạng này, Trung Quốc sẵn sàng là bên nỗ lực hết sức.

Và trên thực tế, ngay sau khi đến Berlin vào tối Chủ nhật (18/6), Thủ tướng Lý Cường đã gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, hội đàm với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức và đồng chủ trì cuộc tham vấn liên chính phủ Trung Quốc-Đức lần thứ bảy với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Thủ tướng Trung Quốc đã trực tiếp truyền đạt thiện chí và sự chân thành của quốc gia Đông Bắc Á, đồng thời giải thích quan điểm của Bắc Kinh về một loạt vấn đề lớn. Ông Lý Cường đã làm nổi bật rằng, giữa Trung Quốc và Đức không có xung đột lợi ích cơ bản, rủi ro lớn nhất giữa hai nước là không hợp tác và hiểm họa an ninh lớn nhất là không phát triển.

Ông Lý Cường khẳng định, Tham vấn liên chính phủ Trung-Đức lần thứ bảy là lần kết nối toàn diện đầu tiên sau khi chính phủ mới của hai nước được thành lập, Bắc Kinh sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và sâu sắc với Berlin trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng và cùng có lợi.

Từ đó, hai bên đi sâu khai thác tiềm năng hợp tác, xử lý ổn thỏa bất đồng và khác biệt, làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, phát đi tín hiệu tích cực và mạnh mẽ về việc duy trì sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng quốc tế cũng như hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Dường như những nỗ lực trên đã có tác dụng tích cực. Biểu hiện trực tiếp nhất của chuyến thăm là dư luận châu Âu về Trung Quốc đã trở nên thực dụng và hợp lý hơn, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong đó, lãnh đạo các doanh nghiệp đã trở nên đặc biệt nhiệt tình. Thủ tướng Scholz cho biết, Đức bác bỏ mọi hình thức tách rời và giảm rủi ro, chứ không "chia tách" với Trung Quốc.

Theo các báo cáo, hai nước đã ký kết hơn 10 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, bao gồm sản xuất tiên tiến và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra sự đồng thuận hơn nữa trong hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển xanh, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Thông điệp thực tế này đã làm tăng niềm tin rằng, quan hệ Trung Quốc-châu Âu và sự hợp tác thực chất giữa hai bên vẫn có triển vọng tươi sáng.

Trước đó, giới quan sát cho rằng, quan hệ Trung Quốc-châu Âu đã có dấu hiệu rạn nứt. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở châu Âu trong năm 2022 đạt hơn 8,6 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong một thập niên, theo công ty tư vấn Rhodium Group ở New York.

Đức - cường quốc công nghiệp của châu Âu, trong những tháng gần đây đã dịch chuyển dòng chảy thương mại ra xa Trung Quốc và hướng về Mỹ. Xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc giảm 12% trong ba tháng đầu năm nay, xuống mức hơn 26 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của Đức sang Mỹ tăng 14% trong cùng giai đoạn, lên hơn 43 tỷ USD, theo cơ quan thống kê liên bang Đức.

Tờ Global Times nhấn mạnh, không còn nghi ngờ gì nữa, có sự khác biệt giữa Trung Quốc và châu Âu về một số vấn đề, một số vấn đề cũ và cả những vấn đề mới. Trở ngại lớn nhất chắc chắn là ở cấp độ chính trị, cũng như ý thức hệ và một số lực lượng chống Trung Quốc sẽ không bỏ qua các cơ hội gây ồn ào. Chúng ta phải làm hết sức mình, nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng “đón nhận” sự phức tạp và những khúc ngoặt trong quan hệ Trung Quốc-châu Âu hiện tại và tương lai.

Trên thực tế, cái mác “mềm mỏng với Trung Quốc” vẫn là trở ngại không dễ dàng vượt qua đối với phần lớn chính trị gia ở một số nước châu Âu. Điều này có thể đặt họ vào thế bị động về chính trị, vì vậy, họ thường chọn cách thỏa mãn tâm lý dân túy hơn. Họ cũng có thể phải thỏa hiệp, điều này chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn không cần thiết cho quan hệ Trung Quốc-châu Âu.

Trung Quốc-châu Âu đã đến gần nhau hơn?

Về lý thuyết, những hiểu lầm và nhận thức sai lầm hầu hết có thể được giải quyết thông qua tăng cường giao tiếp và trao đổi, Bắc Kinh đang nỗ lực áp dụng điều này trong quan hệ với Berlin. Trong chuyến thăm châu Âu này, Thủ tướng Trung Quốc đã nỗ lực bày tỏ thiện chí, tăng cường giao tiếp và trao đổi mạnh mẽ. Đáp lại, thông điệp "rủi ro lớn nhất là bất hợp tác và mối nguy hiểm an ninh tiềm ẩn lớn nhất là không phát triển" của ông Lý đã nhận được rất nhiều sự chú ý ở châu Âu.

Như vậy, có thể nói, con đường hợp tác để phát triển quan hệ Trung Quốc-châu Âu đang ngắn dần hơn?

Có vẻ như khó khăn lớn nhất của châu Âu hiện nay không phải là có nên hợp tác với Trung Quốc hay không mà là xác định vị trí hợp tác ở đâu?

Tờ báo Trung Quốc bình luận, Bắc Kinh sẽ vẫn lo ngại một thực tế rằng, một khi sự hợp tác cùng có lợi bị thay thế bằng chính trị hóa, hệ tư tưởng và an ninh toàn diện, thì chắc chắn môi trường hợp tác sẽ bị ảnh hưởng, phạm vi hợp tác sẽ bị thu hẹp đáng kể, cho dù hai bên có muốn hay không.

Từ góc độ đó, châu Âu cần làm rõ hơn về mặt nhận thức, vì bỏ lỡ cơ hội có nghĩa là phi hợp tác, phi ổn định và giảm phát triển, tờ Global Times nêu.

Bắc Kinh đang thay đổi, châu Âu đang thay đổi và quan hệ Trung Quốc-châu Âu cũng vậy. Mối quan hệ Trung Quốc-châu Âu không phải là quay trở lại quá khứ, cũng không thể quay ngược lại quá khứ, mà là tiến lên phía trước.

Tiến về phía trước đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả hai bên để liên tục kiểm soát các thay đổi. Trong khi bí quyết để làm chủ các thay đổi là bám sát các nguyên tắc quan trọng sẽ tạo nên sự hợp tác ổn định, đó là các nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, tìm kiếm điểm chung, nhưng bảo lưu sự khác biệt và đối xử bình đẳng với nhau là những yếu tố không thể xâm phạm.

Chừng nào những nguyên tắc này không thay đổi, thì tương lai quan hệ Trung Quốc-châu Âu vẫn đáng được trông đợi.

(theo Global Times, WSJ)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-tan-cong-duc-bang-don-quyen-ru-chau-au-da-lung-lay-231687.html
Zalo