Trung Quốc 'phản công', điều tra trợ cấp ngành chip Mỹ
Trung Quốc cáo buộc Mỹ bán phá giá chip cấp thấp hơn và trợ cấp không công bằng cho các nhà sản xuất chip của chính họ. Cuộc điều tra có khả năng là một trong những động thái trả đũa mạnh nhất của Trung Quốc chống lại các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ…
Theo Bloomberg, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ xem xét câu hỏi liệu Mỹ có đang gây bất lợi cho các nhà sản xuất chip của mình thông qua các ưu đãi và tài trợ, hay cắt giảm bất hợp pháp các sản phẩm Trung Quốc.
Các nhà sản xuất chip Trung Quốc bày tỏ sự bất bình về Đạo luật Chip của Mỹ, cung cấp khoản tài trợ khoảng 39 tỷ USD để lôi kéo các công ty như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan và Công ty Điện tử Samsung xây dựng năng lực sản xuất chip cao cấp ở Mỹ.
"Đạo luật Khoa học và Chip của Hoa Kỳ vi phạm các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường, đồng thời gây ảnh hưởng sâu rộng và nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu", Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc tuyên bố trên nền tảng WeChat.
Cuộc điều tra của Trung Quốc thực chất phản ánh lại chính lập luận của Mỹ, rằng Chính phủ Trung Quốc công khai hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp trong nước, vi phạm các hiệp định thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, không phải riêng Mỹ, châu Âu cũng từng cảnh báo về nguy cơ các công ty Trung Quốc, với tốc độ phát triển nhanh trong sản xuất chip ở các phân khúc công nghệ trưởng thành, có thể làm tràn ngập thị trường toàn cầu bằng sản phẩm giá rẻ.
Hiện vẫn chưa rõ hậu quả sẽ ra sao đối với những công ty bán dẫn của Mỹ bị cáo buộc vi phạm quy định về chống độc quyền hoặc chống bán phá giá mà Chính phủ Trung Quốc mở cuộc điều tra.
Có thể Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế cao hơn hoặc các biện pháp trừng phạt cụ thể, tùy thuộc vào kết quả điều tra. Trong quá khứ, Trung Quốc từng đe dọa cấm sản phẩm hoặc áp dụng các hình phạt nặng với các công ty Mỹ.
Vào một thập kỷ trước, Qualcomm đã từng phải chấp nhận nộp phạt 6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 975 triệu USD) để khép lại vụ kiện chống độc quyền kéo dài suốt một năm tại Trung Quốc.
Trong khi đó, vào năm 2023, Micron Technology cảnh báo rằng khoảng một nửa doanh thu của công ty liên quan đến các khách hàng tại Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cuộc điều tra an ninh mạng do chính phủ Trung Quốc thực hiện.
Đến cuối năm 2024, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm xác định liệu Nvidia có vi phạm luật chống độc quyền trong thương vụ mua lại được thực hiện từ bốn năm trước hay không.
Vào tháng 5 năm ngoái, Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) – nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc – đã lên tiếng cảnh báo rằng giá chip có thể giảm mạnh khi các nhà sản xuất tăng cường năng lực sản xuất. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự cạnh tranh giá ngày càng gay gắt trên thị trường toàn cầu, gây bất lợi đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu gần 550 tỷ đơn vị mạch tích hợp trong năm 2024, với tổng giá trị lên đến 385,6 tỷ USD. Phần lớn trong số này là các loại chip thế hệ cũ, được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các thiết bị như máy giặt, xe điện và nhiều sản phẩm khác.
Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các quy định mới nhằm hạn chế việc cung cấp máy gia tốc AI cho Trung Quốc. Nvidia cùng một số công ty công nghệ khác đã phản đối, cho rằng các quy định này gây tổn hại đến khả năng đổi mới của Mỹ và được đưa ra một cách vội vàng trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ chính quyền.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã đưa một số công ty lớn của Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế thương mại, nhằm ngăn chặn việc bán công nghệ Mỹ. Danh sách này bao gồm startup Zhipu – một công ty được tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, Tencent Holdings hậu thuẫn và cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong cuộc đua phát triển sản phẩm đối thủ của ChatGPT từ OpenAI.