Trung Quốc phá kỷ lục thế giới về thời gian đi bộ ngoài không gian
Ngày 17/12, hai phi hành gia Trung Quốc tham gia sứ mệnh Thần Châu XIX đã thực hiện một chuyến đi bộ ngoài không gian (EVA) kéo dài 9 giờ 6 phút, phá vỡ kỷ lục thế giới trước đó của NASA.
Đây là lần đầu tiên phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu XIX thực hiện EVA, bên ngoài trạm vũ trụ Thiên Cung, và đây chuyến đi bộ ngoài không gian dài nhất trong lịch sử chương trình vũ trụ Trung Quốc.
Chỉ huy sứ mệnh, Đại tá Cai Xozhe, cùng Trung tá Song Lingdong, đã lập kỷ lục mới vào lúc 21h57 ngày 17/12 (giờ Bắc Kinh), sau 9 giờ 6 phút đi bộ ngoài không gian.
Chỉ huy sứ mệnh, Đại tá Cai Xozhe, là người đầu tiên bước ra khỏi cửa sập mô-đun Vấn Thiên (Wentian) của trạm Thiên Cung để thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian. Cai đã gắn mình vào cánh tay robot của trạm và lấy thiết bị cần thiết cho chuyến đi. Sau đó, Trung tá Song Lingdong tham gia vào chuyến đi trong bộ đồ vũ trụ màu xanh.
Trong suốt quá trình đi bộ ngoài không gian, hai phi hành gia đã thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, bao gồm lắp đặt các tấm bảo vệ mảnh vỡ vũ trụ để bảo vệ thiết bị bên ngoài trạm, kiểm tra và xử lý các cơ sở ngoài tàu, với sự hỗ trợ của phi hành gia Wang Haoze từ bên trong mô-đun Thiên Hà (Tianhe) và sự giúp đỡ từ các bộ điều khiển mặt đất.
Đây là lần thứ ba Cai Xozhe thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian, sau hai lần tham gia sứ mệnh Thần Châu XIV vào năm 2022. Trong khi đó, Trung tá Song Lingdong đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên sinh sau năm 1990 tham gia hoạt động này.
Sứ mệnh Thần Châu XIX, được phóng vào ngày 30/10, đã thay thế phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu XVIII và bắt đầu nhiệm vụ kéo dài 6 tháng tại trạm vũ trụ Thiên Cung. Trong suốt 49 ngày qua, phi hành đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động quan trọng, từ bảo trì trạm đến diễn tập ứng phó khẩn cấp và thử nghiệm các trang thiết bị vũ trụ. Sự kiện đi bộ ngoài không gian lần này là chuyến đi thứ 18 của các phi hành gia Trung Quốc bên ngoài Thiên Cung.
Trạm vũ trụ Thiên Cung, quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 400 km, bao gồm ba phần chính: mô-đun lõi và hai khoang khoa học. Trạm nặng khoảng 100 tấn và dự kiến sẽ hoạt động ít nhất trong 10 năm, trở thành nền tảng cho nghiên cứu khoa học và công nghệ không gian quốc gia của Trung Quốc.
Trong sứ mệnh này, các phi hành gia Trung Quốc còn tiến hành 86 thí nghiệm và dự án khoa học, bao gồm nghiên cứu về sinh học và các thí nghiệm trong môi trường không trọng lực. Phi hành đoàn Thần Châu XIX dự kiến sẽ trở về Trái đất vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 năm sau.