Trung Quốc nỗ lực vực dậy nền kinh tế
Trung Quốc dự kiến sẽ công bố thêm các biện pháp kích thích kinh tế vào thứ Sáu (ngày 8/11) sau khi quốc hội nước này kết thúc kỳ họp kéo dài năm ngày.
Kể từ cuối tháng 9, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục thông báo về các gói kích thích kinh tế cũng như thúc đẩy đà tăng giá cổ phiếu.
Trong cuộc họp vào ngày 26/9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ, đồng thời ngăn chặn đà suy thoái của thị trường bất động sản.Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm một số mức lãi suất, việc đẩy mạnh chi tiêu cần phải nhận được sự chấp thuận từ quốc hội nước này.
Các nhà phân tích dự đoán quy mô hỗ trợ tài chính sẽ tăng lên sau khi ông Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ áp thêm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuần này.
Khi thảo luận về kế hoạch hỗ trợ tài chính tại cuộc họp báo vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Lam Phật An đã nhấn mạnh đến việc cần phải hỗ trợ chính quyền địa phương trong giải quyết vấn đề nợ công.
Theo phương tiện truyền thông nhà nước, các quan chức đã xem xét một kế hoạch nhằm tăng hạn mức nợ mà chính quyền địa phương có thể phát hành. Theo ông Lam, chính sách này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương có đủ nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ sinh kế của người dân. Chính phủ đã phân bổ 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (169,81 tỷ USD) vào hạn ngạch trái phiếu địa phương trong năm nay để giúp giải quyết các khoản nợ tăng thêm và thanh toán các khoản nợ cho các công ty.
Theo ước tính của Nomura, Trung Quốc đang gánh khoản nợ từ 50 nghìn tỷ nhân dân tệ đến 60 nghìn tỷ nhân dân tệ (7 nghìn tỷ USD đến 8,4 nghìn tỷ USD) và kỳ vọng Bắc Kinh có thể cho phép chính quyền địa phương tăng phát hành trái phiếu thêm 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) trong vài năm tới.
Nomura cho biết điều đó có thể giúp chính quyền địa phương tiết kiệm được 300 tỷ nhân dân tệ (40 tỷ USD) tiền lãi mỗi năm.
Trong những năm gần đây, tình trạng suy thoái của lĩnh vực bất động sản trong nước đã làm suy giảm nguồn thu của chính quyền địa phương. Tình hình càng khó khăn hơn khi chính quyền khu vực phải phân bổ chi tiêu cho các biện pháp kiểm soát Covid-19 trong thời gian đại dịch.
Thậm chí trước đó, nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng lên 22% GDP vào cuối năm 2019, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.