Trung Quốc lo ngại tỷ lệ sinh giảm sau cơn sốt sinh con tuổi Rồng
Các nhà nhân khẩu học cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến số ca sinh giảm trở lại trong năm nay, dù trước đó có sự gia tăng nhẹ vào năm 2024.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, năm ngoái, Trung Quốc lần đầu chứng kiến xu hướng số ca sinh tăng kể từ năm 2017, đạt 9,54 triệu ca, tăng so với con số 9,02 triệu của năm trước. Các chuyên gia lý giải rằng sự phục hồi này có thể liên quan đến việc số lượng kết hôn tăng lên trong năm 2023, cùng với niềm tin rằng năm 2024 - năm con Rồng trong cung hoàng đạo Trung Quốc, sẽ mang lại nhiều may mắn, khiến nhiều gia đình chờ đến thời điểm này để sinh con.
Giáo sư Yuan Xin tại trường Đại học Nam Khai nhận định số trẻ sơ sinh tăng là do số lượng đăng ký kết hôn mới tăng vào năm 2023 với niềm tin sinh con năm Rồng sẽ may mắn. Ông cho biết Trung Quốc đã xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ sinh sản từ năm 2021, đạt được một số kết quả tích cực, dù quy mô tăng không lớn.
Dù chưa có số liệu chính thức cho cả năm, nhưng dự báo cho thấy số lượng đăng ký kết hôn trong năm 2024 ở mức thấp nhất kể từ năm 1980. Năm 2023, Trung Quốc đã chứng kiến số lượng đăng ký kết hôn tăng thêm 845.000, đạt 7,68 triệu - mức tăng đầu tiên trong gần một thập kỷ. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Nội vụ Trung Quốc, trong chín tháng đầu năm 2024, chỉ có 4,75 triệu cặp đôi kết hôn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đang hoan nghênh xu hướng gia tăng số ca sinh, bởi có những suy đoán cho rằng các chính sách khuyến khích sinh đẻ của chính phủ đang phát huy hiệu quả.
Từ tháng 6/2021, Trung Quốc đã cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ ba và sửa đổi Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình vào tháng 8/2021. Trong hai năm qua, chính phủ đã nhấn mạnh việc xây dựng xã hội thân thiện với sinh sản. Giáo sư Yuan cũng nhấn mạnh rằng các chính sách liên quan đến chăm sóc và hỗ trợ khả năng sinh sản đã được cải thiện đáng kể.
Giáo sư Lu Jiehua từ Đại học Bắc Kinh cho biết các chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều ưu đãi như kéo dài thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp sinh sản và chăm sóc trẻ em.
Dù có sự gia tăng tạm thời trong số ca sinh, các chuyên gia cho rằng xu hướng giảm dân số dài hạn sẽ tiếp diễn, do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng ít đi. Giáo sư Yuan lưu ý rằng tổng dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong tương lai, khi người cao tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng lớn. Dữ liệu cho thấy số người trên 60 tuổi đạt 310 triệu vào năm 2024, tương đương 22% dân số, tăng từ 21,1% vào năm 2023 và 18,1% vào năm 2019.
Ông Yuan cũng nhấn mạnh rằng các chính sách hiện hành cần được thực thi nghiêm túc hơn. Ví dụ, một số khu vực đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không áp dụng đầy đủ. Ngoài ra, một số phụ nữ mang thai phải tự trả chi phí khám thai do thiếu thông tin về quyền lợi miễn phí.
Ông Jiang Quanbao, Giáo sư tại Đại học Giao thông Tây An, cho biết nhiều chính quyền địa phương đã nỗ lực phát triển dịch vụ chăm sóc trẻ em và tặng tiền trợ cấp. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các chiến dịch giáo dục nhằm nâng cao giá trị tích cực của hôn nhân và gia đình, đồng thời đề cao sự phối hợp giữa các bộ ngành trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ.