Trung Quốc lật tẩy hình thức tuồn lậu đất hiếm qua kênh vận chuyển
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) ngày 18/7 cảnh báo rằng các cơ quan tình báo và gián điệp nước ngoài đã cố gắng lợi dụng kênh vận chuyển hoặc giao hàng để tuồn lậu đất hiếm của Trung Quốc.

Đất hiếm chuẩn bị được bốc xếp tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Global Times (Trung Quốc) dẫn thông báo của MSS cáo buộc một quốc gia không có năng lực tự sản xuất và tinh chế kim loại hiếm đã tìm cách tích trữ nguồn tài nguyên này thông qua nhiều kênh và phương tiện khác nhau.
Bên cạnh đó, MSS tiết lộ rằng điều tra cho thấy một nhà thầu lớn trong lĩnh vực then chốt của quốc gia đó đã tham gia vào hoạt động bất hợp pháp. Nhà thầu này đóng gói lại và dán nhãn lại kim loại hiếm để đánh lừa người mua rằng chúng "không phải xuất xứ Trung Quốc".
Mặt khác, nhà thầu này tìm cách buôn lậu các mặt hàng bị kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc như đất hiếm qua hành vi khai báo hàm lượng không đầy đủ, làm giả tên sản phẩm, gửi nhiều lô hàng nhỏ lẻ qua dịch vụ chuyển phát nhanh và chuyển đổi tuyến đường vận chuyển.
Các thủ đoạn bao gồm khai báo sai nguyên tố đất hiếm thành mặt hàng không được kiểm soát hoặc làm giả các thông số kỹ thuật và dữ liệu thành phần. Ví dụ như khai báo đất hiếm có độ tinh khiết cao (như dysprosi và terbi) là sản phẩm giá trị thấp (như hợp kim sắt hoặc bột niken), hoặc dán nhãn sai chúng là hàng hóa thông thường như "keo hàn" hoặc "vật liệu chịu lửa" để trốn tránh kiểm soát xuất khẩu.
Bên cạnh đó, còn có hành vi cố gắng che giấu nguyên liệu đất hiếm trong các thiết bị vận chuyển hoặc hàng hóa khai báo hợp pháp. Ví dụ, họ chế biến nguyên liệu đất hiếm thô thành các sản phẩm trung gian, trộn bột đất hiếm vào vật liệu gạch men, hoặc giấu chúng bên trong ma-nơ-canh nhựa hoặc nước đóng chai.
Sau khi có bằng chứng xác thực, MSS phối hợp với các cơ quan liên quan và triển khai hành động pháp lý để ngăn chặn dòng chảy bất hợp pháp các mặt hàng đất hiếm.
Các nguyên tố đất hiếm được mệnh danh là "vàng công nghiệp" và "mẹ của các vật liệu mới". Trung Quốc hiện đang nằm trong số những quốc gia hàng đầu thế giới về trữ lượng, sản lượng, tiêu thụ và xuất khẩu đất hiếm, mang lại cho nước này lợi thế đáng kể trong các chuỗi cung ứng tài nguyên và công nghiệp toàn cầu.