'Trung Quốc là thị trường lớn nhất với các hãng chip Mỹ bất chấp rủi ro'
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, các công ty chip Mỹ vẫn muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc bất chấp lo ngại về an ninh quốc gia và cần các quy tắc rõ ràng từ chính quyền Biden.
Theo trang Bloomberg, John Neuffer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Semiconductor Industry Association), cho biết: “Đó là thị trường lớn nhất của chúng tôi và chúng tôi không phải là ngành công nghiệp duy nhất khẳng định điều này. Quan điểm của chúng tôi là cần phải tham gia thị trường này”.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn là hiệp hội thương mại và nhóm vận động hành lang được thành lập vào năm 1977, đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ.
Chính quyền Biden đang chuẩn bị mời thầu từ các công ty chip muốn xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ theo đạo luật Chips and Science (chip và khoa học). Như một phần của quá trình đó, các quy tắc sẽ được đề xuất liên quan đến loại hình đầu tư nào mà các công ty có thể thực hiện ở Trung Quốc.
John Neuffer nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Việc xác định các ưu tiên an ninh quốc gia là tùy thuộc vào chính phủ. Đó không phải là việc của chúng tôi. Việc của chúng tôi là đảm bảo rằng khi chính phủ đang đưa ra các biện pháp để đảm bảo an ninh quốc gia, họ cần phải hiểu rõ tác động thương mại của nó là gì”.
John Neuffer nói ông lạc quan rằng chính phủ sẽ đưa ra những quy định khôn ngoan để đảm bảo chương trình sản xuất chip thành công và các công ty có thể nhận được quỹ hỗ trợ.
Theo John Neuffer, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn muốn "có quy định rõ ràng".
Jimmy Goodrich, Phó chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, cho biết: “Chúng tôi muốn có các quy tắc rõ ràng và minh bạch về những gì chính phủ Mỹ cho là mối quan ngại về an ninh quốc gia, để các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn có thể dự đoán và lập kế hoạch kinh doanh cho tương lai. Trong hai chính quyền gần đây, chúng tôi đã trải qua chuyến tàu lượn khi nói đến an ninh quốc gia và các hạn chế thương mại”.
“Với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đang cố gắng lập kế hoạch cho 5 năm tới, việc không biết điều gì có thể xảy ra 6 tháng tới sẽ tạo ra rất nhiều điều không chắc chắn và thách thức”, ông nói thêm.
Samsung và TSMC lo ngại về tiêu chí trợ cấp từ đạo luật Chips and Science
Đầu tháng 4, TSMC cho biết đã liên lạc với chính quyền Biden về hướng dẫn cho đạo luật Chips and Science được thiết kế để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Mỹ làm dấy lên lo ngại về các tiêu chí trợ cấp. Các điều kiện để nhận trợ cấp bao gồm chia sẻ lợi nhuận vượt mức với chính phủ Mỹ nhưng những nguồn tin trong ngành cho biết bản thân quy trình đăng ký có thể làm lộ chiến lược bí mật của công ty.
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng đang liên lạc với chính phủ Mỹ về hướng dẫn của đạo luật Chips and Science”, TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới có trụ sở ở Đài Loan, cho hay.
Tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol cũng nói các tiêu chí này đang khiến Samsung Electronics và SK Hynix lo lắng.
Theo bà Vương Mỹ Hoa, người đứng đầu Cơ quan Kinh tế Đài Loan, TSMC đã nói chuyện cụ thể với Mỹ về chi tiết của các khoản trợ cấp.
“Chính quyền và ngành công nghiệp Đài Loan hiểu rất rõ về những gì đang diễn ra, hy vọng rằng các chi tiết của luật trợ cấp liên quan sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác công nghiệp giữa hai bên và chi phí xây dựng liên quan đến ngành”, bà Vương Mỹ Hoa nói.
TSMC đang đầu tư 40 tỉ USD vào một nhà máy mới ở bang Arizona (Mỹ). Chi tiết về các khoản trợ cấp dự kiến cho nhà máy này chưa được tiết lộ. Các khoản trợ cấp sẽ được chi từ một khoản tiền dành cho nghiên cứu và sản xuất trị giá 52,7 tỉ USD được ghi nhớ trong đạo luật Chips and Science.
Hồi tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ bảo vệ thông tin kinh doanh bí mật và hy vọng rằng yêu cầu chia sẻ lợi nhuận vượt mức sẽ chỉ xảy ra khi các dự án vượt quá đáng kể dòng tiền dự kiến.
Một số nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, gồm cả TSMC và Samsung Electronics, sẽ bị cản trở trong việc mở rộng cơ sở của họ ở Trung Quốc theo các hướng dẫn được đề xuất của Mỹ với các công ty nhận tài trợ để sản xuất chất bán dẫn.
Các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia được Mỹ đề xuất cấm các công ty nhận một phần trong số 52,7 tỉ USD trợ cấp liên bang theo đạo luật Chips and Science sử dụng tiền cho các dự án ở "các quốc gia nước ngoài đáng lo ngại", cụ thể là Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.
Các hướng dẫn mới, trong đó phân loại một danh sách các chất bán dẫn là quan trọng với an ninh quốc gia, nghiêm cấm người nhận tài trợ thêm dây chuyền sản xuất mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất của cơ sở cũ hiện tại vượt quá 10%.
Mỹ cũng cấm họ thực hiện các giao dịch quan trọng liên quan đến việc mở rộng cơ sở vật chất cho các chip tiên tiến ở các quốc gia đó trong 10 năm kể từ khi nhận được tài trợ.
Những rào cản này cho thấy chính quyền Biden đang tiếp tục gây áp lực như thế nào với tham vọng phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc, sau hiệp ước Mỹ - Hà Lan - Nhật Bản nhằm hạn chế xuất khẩu một số máy sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, Liên minh Chip 4 do Mỹ dẫn đầu với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, cùng các biện pháp trừng phạt thương mại Trung Quốc mở rộng vào tháng 10.2022.
Với TSMC, việc thực hiện các quy định mới theo đạo luật Chips and Science có thể dẫn đến việc đình chỉ chương trình mở rộng tại cơ sở sản xuất chip của họ ở Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc.
Vào năm 2021, TSMC đã đầu tư 2,89 tỉ USD để mở rộng năng lực sản xuất tại nhà máy chế tạo wafer (đĩa bán dẫn) 28 nanomet ở Nam Kinh nhằm đáp ứng nhu cầu chip ngày càng tăng trong ngành công nghiệp ô tô. Nhà máy này chủ yếu sản xuất các mạch tích hợp tiên tiến sử dụng công nghệ xử lý 12 nanomet và 16 nanomet.
TSMC đã thực hiện các bước chủ động trong việc điều chỉnh năng lực sản xuất của mình để tránh bị hạn chế bởi các lệnh cấm từ Mỹ.
TSMC đang hợp tác với Sony Group Corp và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Denso Corp xây dựng một nhà máy trị giá 8,6 tỉ USD ở miền nam Nhật Bản. Công ty này cũng đang xây dựng cơ sở trị giá 12 tỉ USD ở thành phố Phoenix (bang Arizona, Mỹ) như một phần của khoản đầu tư tổng thể 40 tỉ USD để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hơn ở đây.
Theo Arisa Liu, nhà nghiên cứu chất bán dẫn cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, tác động của các hướng dẫn mới được đề xuất từ Mỹ dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn với các nhà sản xuất chip lớn Hàn Quốc có cơ sở sản xuất hiện tại ở Trung Quốc.
Ông nói: “Samsung Electronics và SK Hynix đầu tư một tỷ lệ cao khả năng sản xuất của họ tại Trung Quốc. Nếu không thể nâng cấp quy trình sản xuất hoặc mở rộng công suất, hoạt động kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Cả Samsung Electronics và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, đang nộp đơn xin tài trợ theo đạo luật Chips and Science.
Samsung Electronics vận hành một nhà máy sản xuất chip ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 40% tổng số chip nhớ NAND flash của công ty.
SK Hynix điều hành nhà máy ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, đóng vai trò là trung tâm sản xuất ở khu vực, nơi sản xuất khoảng một nửa sản lượng chip DRAM của công ty.
Samsung Electronics đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở bang Texas (Mỹ) có thể tiêu tốn hơn 25 tỉ USD. Trong khi SK Group, công ty mẹ của SK Hynix, công bố kế hoạch đầu tư 15 tỉ USD vào ngành công nghiệp chip Mỹ hồi năm ngoái.