Trung Quốc kêu gọi Mỹ đối thoại bình đẳng, chỉ trích áp lực thuế quan
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/4 khẳng định Bắc Kinh duy trì liên lạc với tất cả các bên liên quan về vấn đề thuế quan trong căng thẳng thương mại với Washington.
Phát ngôn viên bộ này nhấn mạnh, Trung Quốc kêu gọi Mỹ tiến hành đối thoại trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, thay vì áp đặt các biện pháp đơn phương. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: "Đây không phải là cách đúng đắn để xử lý quan hệ với Trung Quốc và cũng không khả thi", ám chỉ các biện pháp thuế quan cứng rắn từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ đối thoại bình đẳng, chỉ trích áp lực thuế quan. (Ảnh minh họa)
Bình luận này được đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ vẫn có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/4 cho biết sẽ không tiếp cận các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc bằng thái độ cứng rắn. Ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục: “Tôi sẽ không nói, ‘Tôi sẽ cứng rắn với Chủ tịch Tập.’ Chúng tôi sẽ mềm mỏng. Nhưng họ phải đạt được thỏa thuận với chúng tôi – nếu không, họ sẽ không thể giao dịch với Mỹ".
Theo ông Trump, mức thuế hiện tại lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc là quá cao và sẽ được giảm đáng kể – dù không về 0%.
Hiện Mỹ vẫn duy trì sức ép lớn bằng các mức thuế cao. Đáp lại, phía Trung Quốc chỉ trích quan điểm này là mâu thuẫn: “Không thể nói muốn đạt thỏa thuận nhưng cùng lúc lại gia tăng áp lực tối đa".
Tuyên bố cứng rắn của Bắc Kinh được đưa ra giữa lúc thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh vì lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang, trong khi các cuộc đàm phán song phương vẫn chưa được nối lại chính thức.
Trước đó, ngày 9/4, ông Trump tạm hoãn áp các mức thuế mới đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày– ngoại trừ Trung Quốc – nhằm tạo điều kiện cho các thỏa thuận thương mại song phương.
Dù vậy, Trung Quốc chỉ trích động thái này là “ích kỷ” và cáo buộc Mỹ “lạm dụng thuế quan” để ép buộc đàm phán.
Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump từng đề xuất đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại do COVID-19 và áp thuế 20% để trừng phạt việc xuất khẩu fentanyl bất hợp pháp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông dường như đã rút lại lập trường về việc trừng phạt tài chính liên quan đến đại dịch.
Nhà Trắng khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể ký tới 75 thỏa thuận thương mại song phương trong vòng 90 ngày, mặc dù hiện tại mới chỉ tiến hành đàm phán với đại diện từ 34 quốc gia.