Trung Quốc kêu gọi ICC 'khách quan' về lệnh bắt lãnh đạo Israel và Hamas

Trung Quốc bày tỏ hy vọng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sẽ giữ quan điểm 'khách quan', sau khi Công tố viên trưởng đã yêu cầu lệnh bắt giữ các quan chức Israel, bao gồm Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cũng như 3 lãnh đạo Hamas.

Bên ngoài Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại Hague, Hà Lan. Ảnh: Vanguard News

Bên ngoài Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại Hague, Hà Lan. Ảnh: Vanguard News

Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 20/5, Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan cho biết ông đã nộp đơn yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và các thủ lĩnh Hamas gồm ông Yahya Sinwar, ông Mohammed Diab Ibrahim al-Masri và ông Ismail Haniyeh về cáo buộc “phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người” trong cuộc xung đột tại Dải Gaza.

Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 21/5, khi được hỏi về phản ứng của Bắc Kinh trước động thái này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết: “Hy vọng rằng ICC sẽ duy trì quan điểm khách quan, vô tư và thực thi quyền hạn của mình theo luật pháp”.

Ông Bân cho biết “có sự đồng thuận áp đảo trong cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt ngay cuộc chiến ở Gaza và chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với người dân Palestine”.

“Không nên tiếp tục hình phạt tập thể đối với người dân Palestine. Trung Quốc luôn đứng về phía công lý và luật pháp quốc tế về vấn đề Palestine và ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

Israel chưa bình luận về tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong lịch sử, Trung Quốc có thiện cảm với sự chính nghĩa của người Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng kêu gọi tổ chức "hội nghị hòa bình quốc tế" để giải quyết cuộc xung đột này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh (phải). Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh (phải). Ảnh: AFP

Phản ứng trái chiều từ Israel, Hamas và phương Tây

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 20/5 đã bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt trước động thái động thái xin lệnh bắt giữ của công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). “Tôi từ chối sự so sánh ghê tởm của công tố viên ở Hague giữa Israel dân chủ và những kẻ sát nhân hàng loạt ở Hamas,” ông Netanyahu tuyên bố.

Ông Netanyahu cho biết ICC so sánh Hamas đã thực hiện các hành động tàn ác lên người dân Israel “với những người lính IDF đang chiến đấu trong một cuộc chiến chính nghĩa” là “sự bóp méo hoàn toàn thực tế”.

Nhà lãnh đạo Israel nhận định động thái của công tố viên ICC là một kiểu bài Do Thái mới. “Với tư cách là Thủ tướng Israel, tôi cam kết rằng không có áp lực và quyết định nào trên bất kỳ diễn đàn quốc tế nào có thể ngăn cản chúng tôi tấn công những kẻ tìm cách tiêu diệt chúng tôi," ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Sami Abu Zuhri - quan chức cấp cao của Hamas, tuyên bố rằng quyết định của công tố viên yêu cầu lệnh bắt giữ 3 thủ lĩnh Hamas là “đánh đồng nạn nhân với kẻ hành quyết”. Hamas đã yêu cầu ICC hủy bỏ lệnh bắt giữ các thủ lĩnh của tổ chức này.

Động thái của công tố viên ICC cũng vấp phải sự phản đối từ Mỹ và một số nước phương Tây như Anh, Italy.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Israel không phạm tội diệt chủng trong chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Ông nhấn mạnh quan điểm rằng Israel là nạn nhân trong cuộc tấn công quy mô lớn của lực lượng Hamas vào ngày 7/10/2023. Các lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả ICC.

Ngược lại, Pháp và Bỉ đều đưa ra các tuyên bố ủng hộ ICC và yêu cầu của công tố viên trưởng về lệnh bắt giữ các nhà lãnh đạo Israel và Hamas. “Pháp ủng hộ ICC, sự độc lập của cơ quan này và cuộc chiến chống lại sự miễn trừng phạt trong mọi tình huống,” Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một tuyên bố cuối ngày 20/5.

Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Hadja Lahbib viết trên mạng xã hội X rằng: “Tội ác đã xảy ra tại Dải Gaza phải bị truy tố ở mức cao nhất, bất kể thủ phạm là ai”.

Cuộc xung đột tại Dải Gaza bắt đầu vào ngày 7/10/2023, sau khi lực lượng Hamas tấn công bất ngờ vào miền nam Israel, khiến khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng và bắt 250 người khác làm con tin. Lực lượng này hiện vẫn đang giữ khoảng 100 con tin và thi thể của hơn 30 con tin.

Ngay sau đó, Israel đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công trả đũa Hamas ở Gaza. Theo Cơ quan y tế Gaza, tính đến ngày 20/5, có ít nhất 35.562 người đã thiệt mạng vì các cuộc tấn công, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ. Hầu hết các khu vực Dải Gaza đã bị phá hủy và khoảng 80% dân số đã phải rời bỏ nhà cửa.

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric ngày 20/5 cho biết, có hơn 900.000 người - tương đương khoảng 40% dân số Gaza, đã phải di dời trong hai tuần qua khi Israel tiếp tục ném bom khắp phần lớn dải đất này.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/trung-quoc-keu-goi-icc-khach-quan-ve-lenh-bat-lanh-dao-israel-va-hamas-post34835.html
Zalo