Trung Quốc: hai người chết do siêu bão Yagi
Siêu bão Yagi đổ bộ vào tỉnh đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc với mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến ít nhất 2 người chết và 92 người bị thương.
Siêu bão Yagi càn quét miền Nam Trung Quốc
Thông tin vừa được chính quyền Hải Nam công bố sáng 7/9.
Từ chiều ngày 6/9, siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay đã đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc, mang theo những cơn gió siêu mạnh và mưa lớn đã gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, làm tê liệt tỉnh đảo du lịch vốn được gọi là “Hawaii của Trung Quốc”.
Hơn một giờ sau khi bão Yagi đổ bộ, tình trạng mất điện đã xảy ra, ảnh hưởng đến 830.000 hộ dân trong tỉnh. Sở điện lực của tỉnh Hải Nam đã thành lập một đội ứng phó khẩn cấp gồm 7.000 thành viên bắt tay vào sửa chữa ngay khi điều kiện cho phép. Đến tối 6/9, 260.000 hộ gia đình đã có điện trở lại.
Trước khi bão đổ bộ, đảo Hải Nam đã ngừng các chuyến bay và dịch vụ phà, đóng cửa các doanh nghiệp và yêu cầu hơn 10 triệu người dân không ra ngoài.
Các trường học, doanh nghiệp, tuyến giao thông tại Hồng Kông, Ma Cao và tỉnh Quảng Đông cũng đóng cửa. Từ trưa qua, hơn 574.500 người dân Quảng Đông đã được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm.
Đêm qua, bão Yagi đã vượt qua eo biển ở phía bắc đảo Hải Nam và đổ bộ lần thứ hai vào Quảng Đông với sức gió hơn 200 km/giờ. Tại Quảng Đông, từ trưa thứ 6, hơn 574.500 người đã được sơ tán.
Tại Hồng Kông, sàn giao dịch chứng khoán và trường học đã đóng cửa. Cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông cho biết hoạt động của sân bay đã trở lại bình thường sau khi 50 chuyến bay bị hủy trong ngày 6/9 và thành phố hơn 7 triệu dân này đã hạ cảnh báo bão xuống một bậc sau buổi trưa khi Yagi di chuyển về phía tây hướng tới Việt Nam.
Cầu vượt biển dài nhất thế giới, cây cầu chính nối Hồng Kông với Ma Cao và Chu Hải ở Quảng Đông, đã mở cửa trở lại vào chiều ngày 6/9. Tuy nhiên, các dải mưa lớn liên quan đến Yagi vẫn gây ra mưa rào lớn cho khu vực này. Thành phố lân cận Thâm Quyến đã ban hành cảnh báo mưa lớn ở mức cao nhất.
Trước khi đổ bộ vào miền nam Trung Quốc, bão Yagi đã đổ bộ vào miền bắc Philippines, khiến 16 người thiệt mạng vào đầu tuần này.
Với sức gió mạnh nhất liên tục lên tới 234 km/giờ gần tâm bão, Yagi được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai thế giới trong năm 2024 cho đến nay, sau cơn bão cấp 5 Beryl ở Đại Tây Dương. Đây cũng là cơn bão mạnh nhất ở lưu vực Thái Bình Dương trong năm nay.
Mối liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu
Theo phân loại của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), Yagi là “cơn bão dữ dội”, tương đương với bão cấp 5. Những cơn bão có cường độ này rất hiếm khi xảy ra ở Hải Nam, nơi chỉ từng trải qua 9 trong số 106 cơn bão từ năm 1949 đến năm 2023 được phân loại là siêu bão.
Nhưng các cơn bão này hiện phổ biến hơn ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, một hiện tượng có liên quan chặt chẽ đến tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Các nhà khoa học cho biết nhiệt độ đại dương ấm hơn đang góp phần hình thành các siêu bão, làm tăng tốc độ gió và lượng mưa mà chúng tạo ra.
Một minh chứng là chỉ 2 ngày trước, Yagi còn là một cơn bão nhiệt đới với sức gió tối đa 90km/h nhưng đã nhanh chóng tập trung sức mạnh trên vùng nước ấm của Biển Đông.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng khi hành tinh tiếp tục ấm lên, bão và lốc xoáy sẽ trở nên thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn.
Chỉ tính riêng năm 2024, thế giới đã chứng kiến một số cơn bão mạnh, bao gồm siêu bão Yagi tàn phá Philippines và hiện đang hướng về Trung Quốc, bão Beryl quét qua vùng Caribe, Mexico và Mỹ, bão Shanshan đổ bộ vào Nhật Bản vào tuần trước là cơn bão mạnh nhất mà quốc gia này từng trải qua trong nhiều thập kỷ.
Những cơn bão siêu mạnh này tạo ra mối đe dọa lớn đối với các vùng ven biển, vì chúng không chỉ mang theo gió mạnh mà còn có nguy cơ gây lũ lụt và lở đất cực độ. Mực nước biển dâng cao càng làm trầm trọng thêm nguy cơ này, khiến các vùng ven biển càng dễ bị ảnh hưởng bởi bão./.