Trung Quốc đối mặt vấn đề nghiêm trọng vì lao vào năng lượng mặt trời

Trung Quốc đang tiến gần đến cột mốc quan trọng về năng lượng tái tạo với mục tiêu đạt 1.200 GW công suất.

Đây là mục tiêu mà chính phủ Trung Quốc đã đặt ra từ nhiều năm trước và hiện đã hoàn thành sớm hơn dự kiến tới 6 năm. Mặc dù đây là một thành tựu đáng kể, việc sản xuất năng lượng tái tạo và việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng đó vẫn là hai vấn đề khác nhau.

Trung Quốc vượt tiến độ đến 6 năm để đạt công suất năng lượng tái tạo 1.200 GW.

Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới trong việc phát triển năng lượng gió và mặt trời để trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia khác. Với nền kinh tế mạnh mẽ phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu, việc sở hữu nguồn năng lượng sạch khổng lồ là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu tình hình năng lượng của Trung Quốc có thực sự “sạch” như vẻ bề ngoài?

Là quốc gia hàng đầu trong sản xuất pin lithium và khai thác đất hiếm, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Sự phát triển này đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế kinh tế và gia tăng danh tiếng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với hàng nghìn tỷ đô la đầu tư và nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại.

Thực tế không đơn giản

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu hóa thạch để cung cấp điện. Quốc gia này đốt một lượng lớn than và tiếp tục xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than, dẫn đến ô nhiễm và thiệt hại môi trường không thể tránh khỏi.

Các tấm pin mặt trời nằm ở khắp nơi tại Trung Quốc.

Điều này thật đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc cũng được biết đến với một số hệ thống trang trại gió và mặt trời tiên tiến nhất trên thế giới. Thực tế, tua bin gió lớn nhất trong lịch sử gần đây đã được lắp đặt tại tỉnh Hải Nam, nhưng dù năng lượng tái tạo đã có sẵn, chúng vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu lắp đặt 1.200 GW công suất điện mặt trời và điện gió vào cuối năm 2024, sớm hơn 6 năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2030. Thành công này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc mà còn góp phần đáng kể vào mục tiêu toàn cầu tại COP28, nơi Liên Hợp Quốc đặt ra mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu lên 11.000 GW vào năm 2030. Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng việc đạt được mục tiêu này là cần thiết để duy trì khí hậu ổn định, và động lực của Trung Quốc đang tạo ra hy vọng cho sự khả thi của mục tiêu này.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Bao nhiêu năng lượng tái tạo được sử dụng và bao nhiêu bị lãng phí? Với lợi thế về nguồn tài nguyên và nền kinh tế mạnh mẽ, Trung Quốc đã sẵn sàng lắp đặt các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, quốc gia này đang sản xuất nhiều điện hơn khả năng lưu trữ, dẫn đến việc chỉ có 14% tổng lượng điện tiêu thụ được tạo ra một cách bền vững. Một phần lớn năng lượng từ các cơ sở lắp đặt quy mô lớn bị lãng phí trong thời gian không có nắng hoặc gió.

Giải pháp lưu trữ năng lượng tạo ra là rất cần thiết lúc này.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đang triển khai các quy định mới về lưu trữ năng lượng. Các quy định yêu cầu các công ty năng lượng phải lắp đặt cơ sở lưu trữ ngay tại nguồn, tức là trong các nhà máy phát điện. Hệ thống hạ tầng cũng đang được nâng cấp để hỗ trợ việc bổ sung năng lượng tái tạo vào lưới điện. Tuy nhiên, hiện tại, công suất lưu trữ chỉ đạt 44 GW so với tổng công suất phát điện 1.200 GW, cho thấy vẫn còn nhiều việc phải làm. Những người ủng hộ cuộc cách mạng năng lượng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sớm nhận ra và phát huy hết tiềm năng của mình trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Kiến Tường

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/trung-quoc-doi-mat-van-de-nghiem-trong-vi-lao-vao-nang-luong-mat-troi-232953.html
Zalo