Trung Quốc công bố kế hoạch giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Kinhtedothi – Tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine làm việc theo cùng một hướng và nối lại đàm phán trực tiếp càng sớm càng tốt, tiến tới hạ nhiệt tình hình và đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện.

Ngày 24/2, Trung Quốc kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt, đồng thời phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột, theo hãng tin AFP.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong tuyên bố 12 điểm được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng, nhân đánh dấu một năm nổ ra chiến sự Nga-Ukraine [24/2/2022-2023].

Tuyên bố thể hiện lập trường nổi bật của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng này: “Tất cả các bên nên ủng hộ Nga và Ukraine làm việc theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt, tiến tới hạ nhiệt tình hình và cuối cùng đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện. Đối thoại và đàm phán là phương án khả thi duy nhất nhằm giải quyết xung đột”.

“Vũ khí hạt nhân không được phép sử dụng, chiến tranh hạt nhân không được phép xảy ra. Chúng tôi phản đối việc phát triển, sử dụng vũ khí sinh học và hóa học của bất kỳ quốc gia nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào,” tuyên bố nêu rõ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia. "An ninh một nước không thể đánh đổi bằng an ninh của quốc gia khác. Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được bảo vệ một cách hiệu quả".

Trung Quốc cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ người dân vô tội và tù binh chiến tranh. "Các bên tham chiến cần tuân thủ quy định nhân đạo quốc tế, tránh tấn công dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự".

Một phụ nữ bỏ chạy trước ngôi nhà đang cháy ở thành phố Irpin, Ukraine. Ảnh: AFP

Một phụ nữ bỏ chạy trước ngôi nhà đang cháy ở thành phố Irpin, Ukraine. Ảnh: AFP

“Xung đột và chiến tranh không mang lại lợi ích cho ai. Tất cả các bên phải duy trì lý trí và kiềm chế, tránh thổi bùng ngọn lửa và làm trầm trọng thêm căng thẳng, đồng thời ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng xấu đi hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát,” Trung Quốc nhấn mạnh.

Tuyên bố còn kêu gọi cộng đồng quốc tế "nỗ lực chung để giảm thiểu tác động lan rộng của khủng hoảng", cũng như để "ngăn chặn khủng hoảng làm gián đoạn hợp tác quốc tế về năng lượng, tài chính, thương mại lương thực và vận tải".

"Ngừng các biện pháp trừng phạt đơn phương vì chiến dịch gia tăng sức ép tối đa không giải quyết được vấn đề, chúng chỉ gây ra những vấn đề mới," Bắc Kinh khẳng định.

Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc cam kết về cách tiếp cận đúng đắn, thúc đẩy đối thoại vì hòa bình, giúp các bên trong xung đột mở cánh cửa dàn xếp chính trị càng sớm càng tốt và tạo điều kiện, nền tảng để khôi phục đối thoại.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng rằng Bắc Kinh có thể cung cấp vũ khí cho các lực lượng của Nga. Nhà Trắng khẳng định điều đó chính là “lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc không nên vượt qua, nếu không muốn nhận hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 23/2, Phó Đại sứ Trung Quốc Đới Binh phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng một năm xung đột ở Ukraine là “thực tế tàn khốc cho thấy viện trợ vũ khí sẽ không mang lại hòa bình”.

“Đổ thêm dầu vào lửa sẽ chỉ khiến căng thẳng trầm trọng hơn. Kéo dài và mở rộng xung đột sẽ chỉ khiến dân thường trả giá đắt hơn,” Phó đại sứ kết luận.

Phát biểu của Phó Đại sứ Đới Binh được đưa ra một ngày sau khi Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị thăm Moscow và cam kết làm sâu sắc quan hệ với Nga.

Tại đây, ngày 22/2, ông Vương Nghị khẳng định rằng mối quan hệ vững chắc giữa Moscow và Bắc Kinh bất chấp thử thách từ các rủi ro quốc tế.

Nga cũng khẳng định hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong những nỗ lực giải quyết xung đột ở Ukraine và đánh giá cao “cách tiếp cận cân bằng” của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đánh tín hiệu sẵn sàng đóng “một vai trò mang tính xây dựng”.

Xung đột Nga-Ukraine buộc hơn 8 triệu dân Ukraine tị nạn trên khắp châu Âu. Ảnh: Reuters

Xung đột Nga-Ukraine buộc hơn 8 triệu dân Ukraine tị nạn trên khắp châu Âu. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kế hoạch của Trung Quốc dường như có rất ít cơ hội thành công do Kiev tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi Nga rời khỏi biên giới, trong khi Moscow không có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng chiến dịch quân sự đặc biệt trong thời gian tới.

Chiến sự Nga-Ukraine bước sang năm thứ hai và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chức phương Tây và Ukraine lo ngại Nga sắp mở đợt tiến công lớn nhằm phá thế bế tắc trên chiến trường, cho rằng Kiev cần phương Tây hỗ trợ lượng lớn vũ khí để đối phó với chiến dịch của Moscow.

Tổng thống Ukraine hoan nghênh Trung Quốc làm trung gian hòa bình

Hãng tin AFP ngày 23/2 đưa tin khi được hỏi về triển vọng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói tại cuộc họp báo ở Kiev cùng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez: “Chúng tôi sẵn sàng gặp Trung Quốc. Điều này là vì lợi ích của Ukraine”.

“Càng nhiều nước, nhất là những quốc gia lớn và có ảnh hưởng, nghĩ về cách kết thúc chiến tranh ở Ukraine trong khi tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, với một nền hòa bình công bằng, thì điều đó sẽ càng sớm xảy ra,” Tổng thống Zelensky nói.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trước đó cho biết, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị đã chia sẻ với ông một số điểm chính trong đề xuất của Bắc Kinh khi hai người gặp nhau tại New York.

Ông Kuleba cho biết, Ukraine không thể rút ra kết luận về kế hoạch khi chưa được đọc đầy đủ, và sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng sau khi nhận được.

Anh Kiệt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-cong-bo-ke-hoach-giai-quyet-xung-dot-nga-ukraine.html
Zalo