Trung Quốc chứng kiến làn sóng giao dịch vàng bùng nổ
Tuần qua, Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng giao dịch vàng bùng nổ khi kim loại quý này liên tục lập kỷ lục mới giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng.

Giao dịch vàng tại Trung Quốc. Ảnh: TTXVN.
Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải ghi nhận khối lượng giao dịch vàng cao nhất trong vòng một năm qua. Nguyên nhân được nhận định là do giới đầu tư và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tinh luyện, thương mại, bán lẻ tăng cường các hoạt động mua vào để phòng ngừa rủi ro giữa lúc thị trường toàn cầu biến động trước các thay đổi chính sách thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhu cầu vàng đang gia tăng khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh một cuộc chiến thương mại mới đang manh nha giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo Goldman Sachs, giá vàng có thể đạt mức 4.000 USD/ounce vào năm sau – tăng khoảng 25% so với mức hiện tại – trong bối cảnh làn sóng mua vào của các ngân hàng trung ương cũng như những rủi ro về suy thoái kinh tế.
Theo tính toán của Bloomberg, cơn sốt mua vàng ở Trung Quốc đã đẩy giá vàng ở nước này cao hơn khoảng 20 USD/ounce so với giá quốc tế – đảo ngược xu hướng suốt năm trước đó khi nhu cầu nội địa yếu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua thêm khoảng 2,8 tấn vàng trong tháng 3, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp nước này tăng dự trữ vàng. Căng thẳng kinh tế toàn cầu gia tăng có thể thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục tiến hành các đợt mua vào tiếp theo. Năm 2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từng bổ sung hơn 100 tấn vàng vào kho dự trữ sau khi quan hệ với Mỹ dường như xấu đi trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) dựa trên kim loại vàng cũng đang trở thành kênh đầu tư phổ biến trong một thị trường vốn chuộng nắm giữ vật chất. Dòng vốn đổ vào các ETF nội địa Trung Quốc – chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân – liên tục lập kỷ lục mới vào hàng tuần. Riêng tuần trước, dòng vốn này đã lên tới 12,4 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD), gần gấp đôi mức đỉnh của tuần liền trước đó.
“Cơ sở nhu cầu đa tầng này giúp hỗ trợ và ổn định giá vàng ngay cả khi thị trường bên ngoài biến động”, ông Aron Chan - chiến lược gia về vàng tại State Street Global Advisors - nhận định. “Lực cầu này ít mang tính đầu cơ, nhưng rõ hơn về tính chiến lược hoặc văn hóa, nghĩa là nó bền vững hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn”, ông nói rõ thêm.
Cơn sốt vàng cũng diễn ra trong bối cảnh niềm tin vào trái phiếu kho bạc Mỹ - thường được coi là nơi trú ẩn an toàn – đang suy yếu. Các nhà đầu tư bán tháo loại tài sản này vào tuần trước giữa làn sóng niềm tin vào các tài sản được định giá bằng đồng USD ngày càng suy giảm.
Theo ông Zijie Wu – chuyên gia phân tích tại Jinrui Futures ở Thâm Quyến, phần lớn sức mạnh của thị trường nội địa Trung Quốc đến từ nhu cầu mua vàng thỏi đầu tư, dòng vốn đổ vào các ETF và các kế hoạch tích lũy vàng của các ngân hàng.
“Các nhà đầu tư vẫn chuộng vàng như một tài sản trú ẩn an toàn và đa dạng hóa danh mục đầu tư dài hạn, trong bối cảnh thị trường trái phiếu và cổ phiếu nội địa chịu áp lực”, ông Wu nói. Ông cũng nhận định rằng nhu cầu về vàng để đầu tư và phòng ngừa rủi ro ở Trung Quốc sẽ tiếp tục ổn định giữa thời điểm mà các chính sách thay đổi thất thường của chính quyền Mỹ khiến môi trường đầu tư thêm phần bất ổn.
Ông Vasu Menon – Giám đốc chiến lược đầu tư tại ngân hàng OCBC – nhận định rằng Trung Quốc có thể sẽ chủ động hơn trong việc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, giảm phụ thuộc vào đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ, nhất là khi họ đang là tâm điểm của cuộc chiến thương mại. Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục mua vàng để củng cố kho dự trữ.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 20% và được dự báo còn nhiều dư địa tăng trong bối cảnh bất ổn tiếp diễn. Goldman Sachs hiện dự báo giá vàng sẽ đạt 3.700 USD/ounce vào cuối năm nay, và lên tới 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026.