Trung Quốc-CELAC: Lợi cả đôi bên
Tham dự Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư Diễn đàn Trung Quốc-CELAC ngày 13/5 tại thủ đô Bắc Kinh có đại diện 20 quốc gia Mỹ Latinh-Caribbean. Đáng chú ý là sự hiện diện của Tổng thống Brazil Lula Da Silva, Tổng thống Chile Gabriel Boric và người đồng cấp Colombia Gustavo Petro.

Lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo, quan chức cấp cao các nước CELAC chụp ảnh lưu niệm trước thềm Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 Trung Quốc-CELAC tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 13/5. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục chao đảo bởi hàng loạt xung đột vũ trang, cạnh tranh chiến lược và mới đây, chính sách thuế quan của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trước đó một ngày, Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận về tạm thời dỡ bỏ một phần lớn thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong 90 ngày.
Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình duy trì lập trường phản đối chính sách thuế quan của xứ cờ hoa, đồng thời nhấn mạnh vai trò của cường quốc châu Á như “người bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu”.
Cụ thể, ông Tập Cận Bình nêu lộ trình và nội dung năm chương trình hợp tác bao gồm đoàn kết, phát triển, văn minh, hòa bình và kết nối lòng dân.
Trong đó, Trung Quốc tiếp tục cùng các nước trên ủng hộ lẫn nhau về vấn đề lợi ích cốt lõi; mời 300 cán bộ đảng phái chính trị các nước CELAC đến thăm Trung Quốc hàng năm để trao đổi kinh nghiệm; phối hợp thực hiện Sáng kiến Phát triển toàn cầu, duy trì hệ thống thương mại đa phương, song song với thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường chất lượng cao; tiến tới triển khai khái niệm “Văn minh bình đẳng”, phối hợp bảo đảm an ninh toàn cầu và cung cấp học bổng tiếng Trung, các chương trình đào tạo dành cho học sinh, sinh viên, quan chức từ các nước CELAC.
Điểm nhấn đáng chú ý khác là Trung Quốc cam kết cung cấp các khoản tín dụng trị giá 9,2 tỷ USD bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) cho các nước Mỹ Latinh. Một mặt, điều này phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường vai trò tại khu vực vốn được coi là “sân sau” của Mỹ. Mặt khác, khoản tín dụng này là một phần trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện của đồng NDT trên toàn cầu.
Mới đây, Đại sứ nước này tại Nga Trương Hán Huy cho biết hiện 95% thương mại Trung-Nga được thanh toán bằng đồng nội tệ, tức đồng NDT và Ruble. Việc thúc đẩy vai trò của đồng NDT trong thanh toán quốc tế không chỉ thể hiện vị thế của Bắc Kinh, mà còn giảm phụ thuộc vào đồng USD và tác động bất lợi từ chính sách thuế, tiền tệ do Washington triển khai.
Ở chiều ngược lại, các quốc gia Caribbean, Mỹ Latinh coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và có xu hướng tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh, trong bối cảnh chính sách thuế quan của Mỹ tác động tiêu cực tới nền kinh tế của họ.
Theo dữ liệu của Trung Quốc, năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước CELAC đạt mức kỷ lục 518,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với một thập kỷ trước. Trung Quốc đã duy trì vị thế đối tác thương mại lớn thứ hai của các nước Mỹ Latinh và Caribbean trong nhiều năm liên tiếp. Đồng thời, Bắc Kinh hiện đang là đối tác số một của các quốc gia như Chile, Brazil và Peru.
Bởi vậy, gặp lãnh đạo nước chủ nhà Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Lula Da Silva đã nhấn mạnh quan hệ song phương “chưa bao giờ cần thiết đến thế”. Hai bên cũng chứng kiến lễ ký kết 20 thỏa thuận hợp tác, bao gồm thỏa thuận về xuất khẩu nông sản Brazil sang Trung Quốc, chuyển đổi tiền tệ, khai khoáng và năng lượng hạt nhân bền vững. Tháng 11 năm ngoái, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên “Cộng đồng với tương lai chung vì một thế giới công bằng hơn và hành tinh bền vững”.
Với những thỏa thuận mới đây, quan hệ giữa hai quốc gia hàng đầu tại Đông Bắc Á và Nam Mỹ nói riêng, CELAC-Trung Quốc nói chung sẽ tiếp tục phát triển.