Trừng phạt Nga: Các 'mũi tên độc' đang lao về đích, đối tác thân thiện của Moscow cũng phải e dè

Gói trừng phạt mới nhất và được đánh giá là hà khắc nhất của Mỹ 'đánh thẳng' vào các lợi ích kinh tế của Moscow, nhằm mục tiêu làm gia tăng đáng kể các hạn chế liên quan mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất và phân phối dầu Nga, theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ.

Các lệnh trừng phạt Nga toàn diện được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố khoản hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không, đạn dược không đối đất và thiết bị hỗ trợ cho máy bay chiến đấu F-16.

Tính toán của Mỹ và thiệt hại của Nga

Bộ Tài chính Mỹ ngày 10/1 đã chính thức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung đối với các nhà sản xuất dầu Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu đã vận chuyển dầu của Nga, đánh đúng vào nguồn thu của Moscow được cho là sẽ sử dụng để tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tàu chở dầu Eventin trôi dạt ngoài khơi bờ biển Ruegen, Đức, ngày 10/1/2025. Eventin là một trong gần 200 tàu được tổ chức Greenpeace liệt kê là thành viên của "Hạm đội bóng tối" chuyên chở dầu Nga. Con tàu đang trên đường từ Nga đến Ai Cập bị mất kiểm soát ở Biển Baltic và hiện đang trôi dạt gần đảo Ruegen. (Nguồn: EPA)

Tàu chở dầu Eventin trôi dạt ngoài khơi bờ biển Ruegen, Đức, ngày 10/1/2025. Eventin là một trong gần 200 tàu được tổ chức Greenpeace liệt kê là thành viên của "Hạm đội bóng tối" chuyên chở dầu Nga. Con tàu đang trên đường từ Nga đến Ai Cập bị mất kiểm soát ở Biển Baltic và hiện đang trôi dạt gần đảo Ruegen. (Nguồn: EPA)

Trong danh sách đen còn có hàng chục thương nhân, bao gồm hai người từ Hongkong, 34 dịch vụ khai thác dầu có trụ sở tại Nga và 13 quan chức và giới tinh hoa năng lượng Nga. Chủ tịch Gazprom Neft Aleksandr Dyukov, các quan chức cấp cao của tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt.

Bằng cách nhắm vào ngành năng lượng - được cho là nguồn tài trợ lớn nhất cho chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine - Nhà Trắng hy vọng sẽ siết chặt doanh thu xuất khẩu và tạo ra hiệu ứng lan tỏa, làm suy yếu thêm đồng Ruble, cũng như gây thêm áp lực lên nền kinh tế Nga.

Một quan chức Mỹ giấu tên đánh giá, các lệnh trừng phạt, nếu được thực thi đúng cách, có thể làm suy yếu doanh thu của Nga và làm tăng chi phí của nước này lên tới hàng tỷ USD mỗi tháng. "Mục tiêu là thay đổi phép tính của ông Putin về chi phí “nuôi” chiến dịch quân sự, nhưng đồng thời trao cho Ukraine nhiều đòn bẩy hơn - đòn bẩy mà họ cần để đàm phán hòa bình".

Gói trừng phạt mới nhất này được đưa ra chỉ sau hơn 1 tháng Mỹ thẳng tay áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính khắc nghiệt (11/2024) đối với các ngân hàng Nga có quan hệ quốc tế và 10 ngày trước lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cho biết, chính quyền Tổng thống Trump mới sẽ quyết định có giữ nguyên hay hủy bỏ các lệnh trừng phạt mới hay không, tuy nhiên, đòn trừng phạt Nga mới nhất này sẽ "để lại nền tảng vững chắc mà chính quyền mới có thể xây dựng tiếp".

Trên thực tế, các “mũi tên” cũng đang bay đúng hướng, các lệnh trừng phạt dầu mỏ từ Mỹ nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay, dường như bắt đầu đe dọa hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga với các bạn hàng quan trọng và thân thiết nhất là Ấn Độ và Trung Quốc, khiến hoạt động thương mại có thể chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong thời gian tới.

Khác với các gói trừng phạt trước đây, lần này, giới quan sát nhận định, các lệnh trừng phạt mới có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu dầu của Nga, vì nhiều tàu chở dầu trước đây được sử dụng để vận chuyển dầu đến Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các hạn chế.

Các tàu bị nhắm mục tiêu từng có vai trò rất lớn trong việc chuyển hướng xuất khẩu dầu Nga từ châu Âu sang châu Á, sau khi Nhóm G7 áp đặt mức giá trần đối với dầu của Nga vào năm 2022. Một số tàu này cũng được sử dụng để vận chuyển dầu từ Iran, quốc gia hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cuối cùng, các lệnh trừng phạt đối với các công ty bảo hiểm dầu của Nga có thể sẽ khiến Moscow buộc phải định giá dầu thô của mình xuống dưới 60 USD/thùng để có thể tiếp tục sử dụng bảo hiểm và tàu chở dầu của phương Tây.

Đối với thị trường thế giới, diễn biến gói trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga này đã đưa giá dầu toàn cầu tăng hơn 3%, với giá dầu thô Brent giao dịch trên 81 USD/thùng vào đầu tuần này - mức cao nhất trong nhiều tháng. Phí bảo hiểm cho các loại dầu chuẩn Trung Đông cũng đã tăng hơn 70% lên khoảng 3 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Tình hình sẽ không còn được như xưa?

Bất chấp các đợt trừng phạt trước đó do phương Tây áp đặt, nền kinh tế Nga dường như vẫn kiên cường trong năm qua. Moscow cho biết, doanh thu từ dầu khí của nước này vẫn tiếp tục tăng, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và giá dầu thế giới thấp, mang lại 10,34 nghìn tỷ Ruble (102,8 tỷ USD) cho ngân sách liên bang trong 11 tháng đầu năm 2024 - tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Moscow, Nga đã xuất khẩu 107 triệu tấn dầu sang Trung Quốc vào năm 2023, trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của gã khổng lồ châu Á này. Bắc Kinh thanh toán cho khí đốt và dầu của Nga bằng đồng Nhân dân tệ. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 5/2024, Tổng thống Putin cho biết, 90% giao dịch giữa hai nước được thực hiện bằng đồng Ruble và đồng Nhân dân tệ.

Trong khi đó, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga, cũng đã từ bỏ đồng USD và bắt đầu thanh toán bằng đồng Rupee hoặc các loại tiền tệ khác, giúp tránh được các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây đối với Nga. Được biết, New Delhi và Moscow đang xem xét khả năng áp dụng một thỏa thuận giao dịch tiền tệ Rupee-Ruble để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán năng lượng và các hoạt động thương mại hiện có khác.

Tuy nhiên, sau lệnh trừng phạt mới nhất này, dự kiến tình hình sẽ không còn được như trước. Theo báo cáo của Reuters, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với các nhà sản xuất dầu mỏ và tàu của Nga dự kiến sẽ làm gián đoạn hoạt động buôn bán dầu của Moscow với các bạn hàng hàng Ấn Độ và Trung Quốc, hai trong số những khách hàng lớn nhất của nền kinh tế này.

Diễn biến này có thể dẫn đến giá dầu và chi phí vận chuyển tăng đối với cả hai nền kinh tế hàng đầu châu Á, khi họ buộc phải tìm cách mua dầu từ các thị trường thay thế. Và đặc biệt, việc tìm được một nguồn dầu giá rẻ lại càng bất khả thi.

Khi nguồn dầu Nga vừa rẻ vừa dồi dào bị chặn, các đối tác thân thiết của Moscow là Trung Quốc và Ấn Độ khó còn sự lựa chọn nào ngoài việc phải mua dầu Trung Đông, hoặc từ Mỹ…

Các biện pháp ngăn chặn của Mỹ cũng đã làm gián đoạn hoạt động buôn bán dầu bị trừng phạt, đẩy các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ trở lại với những người bán dầu không bị trừng phạt, thắt chặt nguồn cung và đẩy giá giao ngay đối với dầu thô được sản xuất tại Trung Đông và Brazil lên cao.

Vẫn chưa rõ các lệnh trừng phạt mới nhất sẽ ngăn cản những người mua dầu lớn nhất của Nga đến mức nào – các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil là các khách hàng đã mua với số lượng kỷ lục. Theo các nguồn tin trong ngành, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc có thể buộc phải cắt giảm sản lượng lọc dầu do gián đoạn nguồn cung. Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang lùng sục khắp thế giới để tìm nguồn dầu trước khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga có hiệu lực.

Về phía Nga, Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 15/1 cho hay, không loại trừ khả năng Moscow sẽ có phản ứng tương xứng với Mỹ liên quan tới lệnh trừng phạt áp đặt đối với tổ hợp nhiên liệu và năng lượng của Nga. "Không thể loại trừ bất cứ điều gì. Những gì sẽ được thực hiện sẽ là những gì phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước chúng ta".

(theo Bangkokpost, Scmp)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-phat-nga-cac-mui-ten-doc-dang-lao-ve-dich-doi-tac-than-thien-cua-moscow-cung-phai-e-de-301074.html
Zalo