Trung Đông lại 'căng như dây đàn', Mỹ lo xung đột ở Gaza lan sang Lebanon
Xung đột Israel-Lebanon, một khi bùng nổ bạo liệt, có nguy cơ kéo Mỹ vào tình huống phức tạp hơn. Đây là điều mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden rất muốn tránh.
Khi cuộc chiến kéo dài gần một năm của Israel ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại rằng những hành động thù địch có thể sớm lan sang Lebanon, nơi hàng nghìn máy nhắn tin và máy bộ đàm đã phát nổ đồng loạt trong 2 ngày liên tiếp khiến ít nhất 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương.
Trong số những người thiệt mạng có 25 thành viên của phong trào Hezbollah do Iran hậu thuẫn. Nhóm này đã đổ lỗi cho Israel đứng sau loạt vụ nổ trên khắp Lebanon, đồng thời thừa nhận rằng họ đã phải chịu một đòn “chưa từng có” trong cuộc tấn công được thực hiện thông qua các thiết bị liên lạc.
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah hôm 19/9 cho biết, các cuộc tấn công bằng máy nhắn tin và bộ đàm nhằm vào các thành viên của nhóm ở Lebanon và Syria đã vượt qua “mọi lằn ranh đỏ”, đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa và không nao núng trong cuộc chiến chống lại Israel để ủng hộ người Palestine ở Gaza.
Về phía Israel, Bộ trưởng Quốc phòng nước này là ông Yoav Gallant đã tuyên bố bắt đầu một “giai đoạn mới” của cuộc chiến, chuyển trọng tâm sang mặt trận phía Bắc nơi giáp với Lebanon, đồng thời cho biết các hành động quân sự của Israel chống lại Hezbollah “sẽ tiếp tục”.
Trong bối cảnh này, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại khả năng cuộc chiến ở Gaza sẽ mở rộng sang Lebanon. “Các cuộc tấn công bằng máy nhắn tin thực sự đáng lo ngại”, vị quan chức Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài TRT World (Thổ Nhĩ Kỳ) công bố hôm 19/9.
“Chúng tôi lo ngại về khả năng xung đột ở Gaza sẽ lan sang Lebanon. Không ai muốn thấy bạo lực lan rộng hơn nữa. Mỹ đang hợp tác với tất cả các bên để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa”, vị quan chức này nói thêm.
Xung đột Israel-Lebanon, một khi bùng nổ bạo liệt, có nguy cơ kéo Mỹ vào một tình huống phức tạp hơn, mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden rất muốn tránh. Vị quan chức này làm rõ rằng Mỹ không hề biết trước về các cuộc tấn công bằng thiết bị không dây ở Lebanon.
Thông điệp từ Washington là Mỹ không muốn xung đột lan rộng khắp Trung Đông ngay cả khi họ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực, với khoảng 40.000 quân, ít nhất 12 tàu chiến và 4 phi đội máy bay phản lực chiến đấu của Không quân Mỹ sẵn sàng hành động trong trường hợp khẩn cấp.
“Chúng tôi tin tưởng vào khả năng mà chúng tôi có ở đó ngay bây giờ để bảo vệ lực lượng của mình và chúng tôi cũng có thể bảo vệ Israel nếu cần”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết hôm 19/9.
Nói với Đài TRT World, vị quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích thêm về “sự cân bằng ngoại giao tinh tế” mà Mỹ đang cố gắng duy trì: “Mặc dù chúng tôi ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng hiện tại chúng tôi đang tập trung vào việc ngăn chặn tình hình leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn”.
Vị quan chức Mỹ ám chỉ đến sự tham gia kín đáo của Washington vào các hoạt động ngoại giao để hạ nhiệt tình hình đang diễn ra. “Mặc dù tôi không thể tiết lộ mọi chi tiết về các nỗ lực ngoại giao của mình, nhưng chúng tôi đang đối thoại với các đối tác và đồng minh, tìm cách xoa dịu căng thẳng”, vị quan chức này nói.
Mỗi ngày trôi qua, viễn cảnh về một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn dường như càng trở nên thực tế. “Rõ ràng Hezbollah đã phải chịu một đòn giáng mạnh từ các vụ nổ thiết bị. Điều này làm dấy lên lo ngại về phản ứng tiềm tàng của họ”, vị quan chức Mỹ nói.
Đề phòng xung đột mở rộng, hãng hàng không Delta Airlines đã đình chỉ các chuyến bay giữa New York và Tel Aviv cho đến ngày 31/12, với lý do “xung đột đang diễn ra trong khu vực”.
Trong khi đó, hàng chục nghìn người ở cả hai bên biên giới Israel-Lebanon đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, với sự không chắc chắn về thời điểm hoặc liệu họ có thể trở về an toàn hay không. Đối với những người ở lại, cuộc sống hàng ngày đã trở thành cuộc đấu tranh sinh tồn, với mối đe dọa liên tục từ các cuộc không kích và hỏa tiễn.
Khi nỗi lo về một cuộc chiến tranh toàn diện leo thang, khả năng chịu đựng bạo lực của khu vực vẫn còn là dấu hỏi.
“Không ai được hưởng lợi khi cuộc xung đột này leo thang hơn nữa. Mối lo ngại là căng thẳng đang diễn ra có thể gây ra hậu quả không chỉ đối với Hezbollah và Israel”, vị quan chức Mỹ nói với TRT World.
Minh Đức (Theo TRT World, Hindustan Times)