Trung Đông có thôi khói lửa khi ông Donald Trump trở lại?
Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump có thể sẽ chứng kiến sự trở lại của chính sách ngoại giao cứng rắn và quyết liệt hơn của Mỹ ở Trung Đông.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, trong bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông khác xa so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Trung Đông không chỉ đang chứng kiến cuộc xung đột Israel - Hamas và đối đầu Israel - Hezbollah mà còn cả màn ăn miếng trả miếng giữa Israel với Iran. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền sắp tới của ông Donald Trump có thể tháo ngòi nổ Trung Đông và lập lại hòa bình trong khu vực?
Ông Donald Trump sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh Israel
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ThS Hoàng Việt, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, nói rằng có thể quan sát thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu “mừng hết lớn” khi nghe tin ông Donald Trump thắng cử. Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã có những quyết định rất táo bạo “chưa ai dám làm trước đó” như công nhận phần cao nguyên Golan là đất của Israel, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đây là những điều chưa một đời tổng thống Mỹ nào quyết trước đó.
Thời điểm đó, ông Netanyahu đã khen ông Trump là người bạn tốt nhất của người Israel và đặt cả một khu định cư ở Israel mang tên Donald Trump. Điều đó cho thấy thái độ của ông Trump đối với Israel, theo ThS Hoàng Việt.
Quay lại thời điểm khi truyền thông đưa tin ông Donald Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, Israel khi đó đã ngay lập tức phản ứng bằng cách tấn công các mục tiêu Hezbollah ở Lebanon. “Israel đã tính toán và chờ sẵn cơ hội chỉ cần ông Trump thắng cử là sẽ ra tay ngay lập tức và thực tế đến nay họ đã tung đòn. Và chắc chắn trong thời gian sắp tới Tel Aviv sẽ mạnh tay hơn nữa đối với cả khu vực Trung Đông” - ThS Hoàng Việt nhận định.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cũng cho rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump là người đã ủng hộ rất nhiều cho Israel. TS Khanh nhắc đến quyết định của ông Trump dời Đại sứ quán Mỹ về lại Jerusalem. Tất cả điều đó thể hiện sự ủng hộ mạnh của ông Trump dành cho Israel.
“Sẽ không có việc Mỹ quay lưng với đồng minh Israel dưới thời ông Trump. Tôi đánh giá rằng ông Trump sẽ cứng rắn hơn trong việc ủng hộ Israel nhưng sự cứng rắn hơn này cũng chỉ ở một mức độ nhất định và khả năng cũng không có biến động quá nhiều so với chính quyền ông Biden” - TS Khanh nhận định.
Chảo lửa Trung Đông khó hạ nhiệt
Có thể hình dung cục diện xung đột Trung Đông hiện tại là ba mặt trận chính giữa Israel với phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và với Iran. Theo ThS Hoàng Việt, chính quyền sắp tới của ông Donald Trump sẽ khó có thể giải quyết được ba mặt trận xung đột này.
Về giao tranh hiện nay giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore), nhận định “khả năng chính quyền mới của ông Trump giải quyết được xung đột Israel - Hamas là rất thấp”. Lý do, theo TS Giang, “so với chính quyền Biden, ông Trump ít chú trọng đến giải pháp hai nhà nước và có lập trường cứng rắn hơn đối với Palestine, lại có cách tiếp cận thiếu cân bằng và không có đối thoại trực tiếp với các lực lượng của người Palestine”.
“Giải quyết bằng cách nào khi mà mối thù của người Israel và người Palestine đã lên tới mức “bất cộng đái thiên”, tức là không đội trời chung được nữa?” - ThS Hoàng Việt đặt câu hỏi về tương lai xung đột Israel - Hamas dưới thời ông Donald Trump.
“Khoảng cách giữa hai bên cũng đã bị khoét sâu rất lớn kể từ đợt bùng nổ vào ngày 27-10-2023 đến nay. Với câu hỏi có thể giải quyết hòa bình được không, tôi cho là không thể được” - ThS Hoàng Việt cũng đồng quan điểm về tương lai xung đột Israel - Hamas.
Đối đầu Israel - Hezbollah khả năng cũng sẽ không kết thúc một sớm một chiều một khi Israel còn đánh Hamas, đồng minh của Hezbollah ở Gaza.
Bên cạnh tiếp tục mạnh tay với Hezbollah, theo ThS Hoàng Việt, thời gian tới khả năng sự đối đầu giữa Israel và Iran - nhà bảo trợ của Hezbollah sẽ căng thẳng hơn. Trước mắt, theo ThS Hoàng Việt, Israel sẽ mạnh tay hơn trong việc trả đũa Iran - quốc gia thù địch số 1 của Israel ở Trung Đông.
“Trong đòn đánh trả đũa Iran vào hôm 26-10, Israel đã hạn chế và cân nhắc mức độ thiệt hại vừa phải. Khi đó, do Israel đang e dè vì Mỹ (dưới thời Tổng thống Joe Biden) gây sức ép không để cuộc chiến lan rộng thành chiến tranh toàn diện trước bầu cử Mỹ. Đến bây giờ, khi ông Trump - một người sẽ ủng hộ Israel vô điều kiện đã thắng cử, vậy tại sao ông Netanyahu không tranh thủ thời cơ?” - ThS Hoàng Việt nhận định.
Chính sách sắp tới của ông Donald Trump với Iran cũng là điều được giới quan sát quan tâm. Tờ The Times of Israel dẫn nhận định của chuyên gia địa chính trị Sergio Restelli, từng là trợ lý đặc biệt cho phó tổng thống Ý dưới thời chính quyền Thủ tướng Bettino Craxi (1983-1987), rằng ông Trump sẽ có cách tiếp cận Iran khác với cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và áp đặt chính sách trừng phạt kinh tế “gây áp lực tối đa” lên Tehran. Ông Trump khi đó cáo buộc Iran gây bất ổn cho khu vực khi hỗ trợ các nhóm chiến binh và phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Một khi về lại Nhà Trắng, ông Donald Trump có thể tăng cường lập trường cứng rắn này, có khả năng tìm cách loại bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân của Iran thông qua các hành động ép buộc hoặc đe dọa hành động quân sự. Còn nhớ trước bầu cử Mỹ, ông Netanyahu từng nhiều lần nói rằng có khả năng Israel sẽ tấn công tên lửa vào các cơ sở hạt nhân và dầu mỏ của Iran. Theo ThS Hoàng Việt, một khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump có thể sẽ không ngại ngần ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, khi việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân là cái gai trong mắt Israel và Mỹ.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump ở nhiệm kỳ thứ hai cũng có thể đặt mục tiêu xây dựng một liên minh rộng lớn hơn gồm các bên tham gia trong khu vực để đối trọng với ảnh hưởng của Iran, theo chuyên gia Restelli.•
Điểm sáng cuối con đường
Một trong những thành tựu được ca ngợi nhất của ông Trump ở Trung Đông là Hiệp ước Abraham, kèm theo đó là hàng loạt thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và Maroc. Hiệp ước này đánh dấu sự thay đổi lịch sử về động lực khu vực, mở ra con đường hợp tác kinh tế và an ninh, theo chuyên gia địa chính trị Sergio Restelli.
Ông Trump đã ám chỉ khả năng mở rộng các thỏa thuận này, trong đó thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel là một viên ngọc quý tiềm năng trong chính sách đối ngoại của ông.
Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, ông Trump tự tin rằng phong cách đàm phán độc đáo của ông có thể đưa Saudi Arabia và Israel ngồi vào bàn đàm phán, tạo ra “kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng mới” trong khu vực. Một thỏa thuận như vậy có thể tái cấu trúc địa chính trị Trung Đông, củng cố khối chống Iran, đồng thời thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn.
Tầm nhìn của ông Trump về Trung Đông cũng có thể mang lại lợi ích cho “Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu” (IMEC), một dự án nhằm tăng cường thương mại và kết nối giữa các khu vực này. Việc chính quyền của ông Trump tập trung vào việc tăng cường mối quan hệ giữa Israel, Saudi Arabia và các nước chủ chốt khác có thể mang lại môi trường ổn định cho IMEC phát triển.