Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ: 70 năm - một chặng đường vẻ vang

Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, vinh dự được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ nơi ở và làm việc của đối tượng cảnh vệ, các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước; bảo vệ các cuộc hội nghị, các đoàn khách quốc tế theo chế độ quy định. Với quân số gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn 600 trở thành đầu mối lớn nhất Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Tổ chức bộ máy của Trung đoàn gồm 3 ban chuyên môn (Tham mưu, Chính trị, Hậu cần) và 7 đại đội, mỗi đại đội được bố trí quân số và nơi đóng quân phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác. Mặc dù điều kiện đơn vị phân tán trên khắp các phường, quận nội thành Hà Nội, một số đại đội xa trung tâm chỉ huy nhưng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chỉ huy Trung đoàn và các cấp lãnh đạo, được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện về vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ vậy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập nhiều chiến công, thành tích, được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, được nhân dân tin yêu, cảm phục.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 tại Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc (tỉnh Tuyên Quang, tháng 7/2024).

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 tại Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc (tỉnh Tuyên Quang, tháng 7/2024).

Vinh dự là đơn vị duy nhất trong lực lượng Công an được Bác Hồ đặt tên

Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, từ cầm cự chuyển sang phản công. Để đảm bảo an toàn cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, tại một địa điểm bí mật ở an toàn khu, hai Tiểu đội AD và AT được thành lập, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Trường Chinh và cơ quan Ngân hàng tại chiến khu Việt Bắc. Đây là đơn vị tiền thân của Trung đoàn 600.

Sau khi bảo vệ thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 6/1951, hai Tiểu đội AD và AT sáp nhập với Đại đội 46, để thành lập Đại đội 32 thuộc Tiểu đoàn 187 - Trung đoàn 246 - Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng. Đến tháng 5/1953, để đáp ứng những yêu cầu trong công tác bảo vệ, đảm bảo tính khép kín, giữ được bí mật cũng như tính thống nhất trong chỉ huy, trên cơ sở lấy Đại đội 32 làm nòng cốt, Tiểu đoàn 600 được thành lập, đây là phiên hiệu đầu tiên được Bác Hồ trực tiếp đặt tên. Kể từ đó, tên "600" đã gắn bó và trở thành kỷ niệm thiêng liêng đối với lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn.

Tháng 5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định rời Việt Bắc về Hà Nội để lãnh đạo đất nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ đô, Tiểu đoàn 600 được tăng cường thêm quân số từ các đại đoàn chủ lực liên khu Việt Bắc để phát triển thành Trung đoàn. Ngày 20/9/1954, Trung đoàn 600 chính thức được thành lập, trực thuộc Đại đoàn 350, Bộ Quốc phòng, mang bí danh "Đoàn Tân Trào".

Sau khi bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng về Hà Nội an toàn, nhiệm vụ của Trung đoàn 600 bước sang giai đoạn mới: bảo vệ các mục tiêu công khai giữa Thủ đô Hà Nội. Nhiệm vụ chính của Trung đoàn là bảo vệ nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước; một số mục tiêu kinh tế quan trọng; bảo vệ các đại sứ quán; các đoàn khách quốc tế; các cuộc hội nghị, mít tinh diễn ra tại Thủ đô. Mặc dù nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu của Trung đoàn trong điều kiện hòa bình có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức mới. Xác định rõ nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 600 đã từng bước tiến hành củng cố lực lượng, kiện toàn tổ chức, xây dựng, hoàn thiện các phương án bảo vệ, chú trọng nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ.

Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 58/NQ-TW thống nhất các đơn vị bảo vệ biên giới, hải đảo, các mục tiêu nội địa thành lực lượng CAND vũ trang (trong đó có Trung đoàn 600). Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Bộ Tư lệnh CAND vũ trang chính thức được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Như vậy, Trung đoàn 600 chuyển sang trực thuộc Bộ Tư lệnh CAND vũ trang - Bộ Công an.

Trong giai đoạn đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm chắc tay súng, cùng quân và dân Hà Nội bám trụ kiên cường, bắn trả máy bay địch, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu cố định ở Thủ đô Hà Nội và các mục tiêu sơ tán của Trung ương ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Tây cũ và khu ATK Hòa Bình…

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự sau giải phóng, ngày 24/6/1976, Bộ Nội vụ (Bộ Công an) quyết định thống nhất lực lượng AN vũ trang miền Nam và CAND vũ trang miền Bắc thành một lực lượng CAND vũ trang trực thuộc Bộ Nội vụ. Thời gian này, Trung đoàn hoàn thành xuất sắc một khối lượng công việc rất lớn: bảo vệ an toàn các mục tiêu nằm ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Cũng trong thời kỳ này, Trung đoàn còn được giao làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Lào và Campuchia bảo vệ cơ quan đầu não và các đồng chí lãnh đạo cấp cao.

Sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, xuất phát từ tình hình thực tế, một số nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh CAND vũ trang được chuyển giao cho Bộ Quốc phòng. Theo đó, tháng 12/1979, Trung đoàn 600 được chuyển giao sang trực thuộc Binh đoàn 32, Bộ Quốc phòng. Ngày 25/6/1985, căn cứ Nghị quyết số 21 ngày 26/11/1984 của Bộ Chính trị, nhằm thống nhất các lực lượng bảo vệ Trung ương, Chính phủ đặt dưới sự chỉ huy, quản lý của Bộ Nội vụ, Trung đoàn 600 từ Binh đoàn 32 được chuyển giao trực thuộc Cục Cảnh vệ, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an).

Xứng đáng là đơn vị tiên phong, gương mẫu trong lực lượng Cảnh vệ

Bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, dưới sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Trung đoàn 600 đã có nhiều đổi mới về tư duy, sáng tạo trong công tác bảo vệ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Dù ở thời kỳ nào, Trung đoàn cũng được các cấp lãnh đạo tin tưởng giao phó nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bảo vệ an toàn khu vực, trụ sở làm việc các cơ quan trọng yếu, nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Ngoài việc bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu thường xuyên, Trung đoàn còn phối hợp với các đơn vị liên quan bảo vệ nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, các cuộc hội nghị quốc tế có quy mô lớn. Trong đó, nổi bật là bảo vệ tuyệt đối an toàn 8 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc (từ Đại hội VI năm 1986 đến Đại hội XIII năm 2021); các cuộc diễu binh, diễu hành lớn tại quảng trường Ba Đình do Đảng, Nhà nước tổ chức; các hội nghị quốc tế lớn như: Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp năm 1997; ASEAN 6; ASEAN 16; ASEAN 17; ASEM 5; APEC 14; APEC 25; SEA Games 22; IPU 132; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên năm 2019; bảo vệ các đoàn nguyên thủ quốc gia, khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam như các đoàn Tổng thống Mỹ, đoàn Tổng thống Nga, đoàn Chủ tịch nước Trung Quốc…

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Trung đoàn chủ động triển khai linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, bố trí lực lượng, trang bị các phương tiện kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan, giải quyết tốt các tình huống nghiệp vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn khu vực mục tiêu bảo vệ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chung của lực lượng Cảnh vệ và lực lượng CAND.

Để nâng cao công tác nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới, thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị và Đề án số 04/ĐA-BCA, ngày 30/1/2023 về "Xây dựng lực lượng Cảnh vệ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 600 đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị triển khai đồng bộ các mặt công tác, không ngừng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, từ năm 2023, Trung đoàn đã chủ động nghiên cứu, xây dựng thành công hệ thống phát hiện, cảnh báo, chống xâm nhập mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ lực lượng canh gác bảo vệ mục tiêu trong phạm vi rộng, giảm thiểu những nguy cơ mất an ninh, an toàn; trèo rào xâm nhập trái phép mục tiêu bảo vệ.

Cùng với thành tích đạt được trong công tác nghiệp vụ, công tác xây dựng lực lượng, xây dựng đơn vị vững mạnh luôn là nội dung quan trọng được Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Đảng ủy, lãnh đạo Trung đoàn thường xuyên tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chủ động đổi mới phương pháp, biện pháp nghiệp vụ, đi sâu nắm tình hình để xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp, phòng ngừa từ sớm, từ xa những tình huống có thể xảy ra. Ý thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị được giao, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều coi "mỗi giờ gác là một giờ chiến đấu", không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện võ thuật, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, tinh thông kỹ thuật chiến đấu, xử lý tốt các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ, "Chỉ biết còn Đảng là còn mình". Ghi nhận những thành tích, chiến công xuất sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 trong 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 1 Huân chương Quân công hạng Nhất; 3 Huân chương Quân công hạng Ba; 2 Huân chương Lao động hạng Ba; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 16 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ... Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (20/9/1954 - 20/9/2024), Trung đoàn 600 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba...

Đại tá Phạm Hồng Sơn - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 600

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/trung-doan-600-bo-tu-lenh-canh-ve-70-nam-mot-chang-duong-ve-vang-i744467/
Zalo