Trúng đấu giá băng tần 700 Mhz, Viettel chiếm thế thượng phong trên thị trường

Sau 2 vòng đấu giá, Viettel đã có được khối băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz và trở thành nhà mạng có nhiều băng tần quý hiếm nhất.

Viettel đã có được khối băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz và trở thành nhà mạng có nhiều băng tần quý hiếm nhất. Ảnh: TK

Viettel đã có được khối băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz và trở thành nhà mạng có nhiều băng tần quý hiếm nhất. Ảnh: TK

Ngày 20/5/2025, phiên đấu giá lại khối băng tần B2-B2’ (713-723 MHz và 768-778 MHz) được tổ chức với sự tham gia của Viettel và VNPT, Viettel đã trúng đấu giá băng tần “kim cương” này. Hồi tháng 3/2024, Viettel đã đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 - 2600 MHz trong vòng 15 năm tới với mức giá 7.533 tỷ đồng. Như vậy, Viettel đang ở thế thượng phong khi có được 2 khối băng tần tốt nhất hiện nay.

Với băng tần này, Viettel là mạng có nhiều lợi thế trong việc phủ sóng so với các đối thủ hiện nay. Điều này, sẽ giúp Viettel có nhiều lợi thế nhất trong việc cạnh tranh với các mạng di động khác, đặc biệt trong cuộc chạy đua phủ sóng 5G.

Phát biểu tại sự kiện này, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện nhấn mạnh: "Việc đấu giá và sớm đưa vào khai thác băng tần 700MHz là một trong những giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là hiện thực hóa mục tiêu về 'Phát triển hạ tầng số' được nêu rõ trong Nghị quyết số 57-NQ/TW". Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục nỗ lực tối ưu hóa nguồn tài nguyên tần số, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của ngành viễn thông và công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới một Việt Nam số hùng cường.

Cuối tháng 3/2025, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ KH&CN) đã công bố kế hoạch đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz. Sở dĩ phải đấu giá lại vì trước đó, cuối tháng 12/2024, Cục Tần số vô tuyến điện đã thông báo tổ chức đấu giá khối băng tần B1-B1' (703-713 MHz và 758-768 MHz), khối băng tần B2-B2' (713-723 MHz và 768-778 MHz) và khối băng tần B3-B3' (723-733 MHz và 778-788 MHz) nhưng không thành công vì thiếu doanh nghiệp tham gia. Trong đó, khối băng tần B1-B1' có giá khởi điểm 1.955,6 tỷ đồng. Khối băng tần B2-B2' có giá khởi điểm tương tự là 1.955,6 tỷ đồng. Với khối băng tần B3-B3', cũng có giá khởi điểm 1.955,6 tỷ đồng.

Trước khi băng tần 700 MHz được đấu giá, băng tần này đã được sử dụng cho dịch vụ truyền hình analog. Tuy nhiên, với việc chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất tại Việt Nam, băng tần này được giải phóng và chuyển giao cho các nhà mạng di động để phục vụ cho các dịch vụ viễn thông.

Trên thế giới, băng tần 700 MHz được sử dụng rộng rãi trong các mạng di động thế hệ 4G và 5G. Đây là một trong những băng tần quan trọng giúp tối ưu hóa tốc độ và độ phủ sóng của các mạng di động thế hệ mới.

Lý do băng tần 700 MHz được ví như băng tần “kim cương” bởi nó có khả năng truyền sóng tốt hơn so với các băng tần cao hơn, giúp tín hiệu mạng có thể đi xa và xuyên qua các vật cản như tường, nhà cao tầng… Điều này giúp các nhà mạng cải thiện được phạm vi phủ sóng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa.

Việc sử dụng băng tần 700 MHz giúp các nhà mạng nâng cao chất lượng dịch vụ di động, đặc biệt là trong các khu vực mật độ người dùng cao như thành phố lớn. Nó giúp giảm tình trạng tắc nghẽn mạng và cung cấp dịch vụ ổn định hơn cho người dùng.

Mặc dù việc triển khai các băng tần cao hơn có thể cung cấp tốc độ dữ liệu nhanh hơn, nhưng những băng tần này yêu cầu đầu tư hạ tầng dày đặc hơn. Trong khi đó, băng tần 700 MHz, nhờ khả năng phủ sóng rộng và hiệu quả, giúp giảm chi phí đầu tư cho các nhà mạng, nhất là trong việc phủ sóng diện rộng.

Thái Khang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-dau-gia-bang-tan-700-mhz-viettel-chiem-the-thuong-phong-tren-thi-truong-2403109.html
Zalo