Trưng bày tác phẩm của 12 họa sĩ tại triển lãm 'Sáng đạo trong đời'

Triển lãm nằm trong khuôn khổ cuộc vận động sáng tác nghệ thuật 'Sáng đạo trong đời' với chủ đề 'Nhận thức văn hóa Phật giáo qua các loại hình nghệ thuật', hướng đến Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2025.

Với chủ đề "Sáng đạo trong đời", cuộc triển lãm do Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Văn hóa Trung ương từ ngày 21 đến 28-11-2024 tại Trung tâm triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội.

Tại lễ khai mạc triển lãm, Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban Văn hóa trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, triển lãm là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với giới nghệ sĩ, mà còn đối với toàn xã hội. Qua từng nét vẽ, từng mảng màu, chúng ta như được chiêm ngưỡng, một thế giới nội tâm thanh tịnh, nơi mà đạo lý nhân sinh được thăng hoa, nơi mà tình yêu thương và lòng từ bi được lan tỏa. Cùng với đó, thông điệp mà triển lãm muốn gửi gắm đến mọi người chính là tinh thần đoàn kết, bao dung và những giá trị tốt đời đẹp đạo.

Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban Văn hóa trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban Văn hóa trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Triển lãm quy tụ 51 tác phẩm độc đáo của 12 nghệ sĩ tài hoa trong lĩnh vực và hội họa, mở ra một không gian nghệ thuật lan tỏa truyền thống văn hóa và ý nghĩa của Phật giáo. Đó là những cái tên nổi bật trong giới hội họa như: Trịnh Sinh Nha, Lê Bá Cầu, Cấn Mạnh Tưởng, Hoàng Gà, Nguyễn Văn Nghĩa, Hoàng Hương Giang, Trường Thịnh, Nguyễn Phan Bách, Thu Hằng, Thu Thủy, Long KJ, Lê Tuấn Anh.

Nhóm 12 họa sĩ tài năng này đều có thời gian dài gắn bó và cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam. Mỗi họa sĩ tham gia triển lãm đều có phong cách riêng biệt, từ lối tái hiện hiện thực tỉ mỉ đến phong cách trừu tượng sáng tạo. Họ luôn đặt cái tâm và chiêm nghiệm nhân sinh quan sâu sắc vào trong từng tác phẩm nghệ thuật. Sự kết hợp độc đáo giữa kỹ thuật điêu luyện và chiều sâu tâm linh hứa hẹn tạo nên một không gian nghệ thuật đầy cảm xúc.

Đại diện ban tổ chức cho biết, triển lãm mong muốn mang đến cho công chúng một cái nhìn sâu sắc về giá trị đạo đức, tâm linh Phật giáo trong đời sống hiện đại. Những tác phẩm tại triển lãm không chỉ mang vẻ đẹp hội họa, nghệ thuật mà còn truyền tải những triết lý nhân sinh cao cả, nhằm lan tỏa tình thương, lòng nhân ái và trí tuệ của đạo Phật.

Theo đó, Phật giáo đã hiện diện trên mảnh đất Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, trở thành một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa và tinh thần người Việt. Trong suốt hành trình đó, đạo Phật đã đồng hành cùng dân tộc qua bao thăng trầm, mang lại cho con người niềm tin, giúp họ hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Đạo Phật đã không ngừng thể hiện tinh thần an lạc, từ bi và trí tuệ, xây dựng nên nền tảng đạo đức trong mỗi con người. Với vai trò là chốn quy ngưỡng, các ngôi chùa không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là biểu tượng của sự hội tụ khí thiêng, là nơi người dân gửi gắm tâm hồn, tìm kiếm sự bình an. Triển lãm tôn vinh những giá trị đó, giúp người xem có cơ hội chiêm nghiệm, hòa mình vào không gian nghệ thuật, và hiểu rõ hơn về ý nghĩa của đạo Phật trong đời sống.

Với ý nghĩa trên, sự tham gia của các họa sĩ và các nhà nghiên cứu Phật giáo sẽ góp phần tạo nên một không gian ấm cúng, chiêm nghiệm, nơi những con người yêu nghệ thuật được giao lưu, chia sẻ kiến thức và lan tỏa tinh thần Phật giáo. Các tác phẩm trưng bày hội họa là sự kết tinh của tài năng, tâm huyết và những trải nghiệm sâu sắc của các họa sĩ. Bằng những nét vẽ và cách thể hiện tinh tế trên các chất liệu hội họa, 12 họa sĩ đã tái hiện lại những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc của Phật giáo theo cách riêng, đưa người xem vào một hành trình tâm linh độc đáo và cảm xúc.

Trong thời gian qua, nhằm lan tỏa tinh thần Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công hai sự kiện ý nghĩa: c hương trình văn nghệ mừng lễ Vu Lan vào tháng 8-2024 tại chùa Diệc, Nghệ An, và c hương trình văn nghệ "Sáng đạo trong đ ời" diễn ra hồi tháng 10-2024 tại chùa An Thái, Nghệ An. Các chương trình này không chỉ góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo mà còn là dịp để cộng đồng giao lưu, học hỏi, nâng cao nhận thức về đạo Phật, đồng thời thúc đẩy giáo dục đạo đức và lối sống tích cực theo tinh thần Phật giáo.

Chúc An

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-bay-tac-pham-cua-12-hoa-si-tai-trien-lam-sang-dao-trong-doi-post596265.antd
Zalo