Trưng bày hiện vật quý hiếm thuộc văn hóa Đông Sơn, cổ vật các thời kỳ
Ngày 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc.
Trưng bày gồm 2 phần: Văn hóa Đông Sơn trên đất Vĩnh Phúc và Tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc; giới thiệu hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú, bao gồm các hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn (niên đại 2500 - 2000 năm), các sưu tập cổ vật từ thời vua Hùng dựng nước tới thế kỷ XIX. Các hiện vật được trưng bày khoa học, thẩm mỹ, sinh động, phản ánh sự hình thành và phát triển của nền văn minh Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc, sự kế thừa, lan tỏa văn hóa thông qua cổ vật tới các triều đại sau này. Trưng bày giúp các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử, những di sản văn hóa quý báu. Đồng thời là dịp để các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài tỉnh có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đưa các bộ sưu tập của mình đến với công chúng, góp phần bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Ông Ngô Chí Tuệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Vĩnh Phúc là vùng đất có vị thế đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. "Lòng dân" và "lòng đất" Vĩnh Phúc còn lưu giữ nhiều dấu tích cuộc sống con người từ hàng vạn năm trước, sâu đậm nhất là thời dựng nước đầu tiên của dân tộc. Tại Vĩnh Phúc có hơn 24 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, còn gọi là thời Tiền Đông Sơn, được phát hiện; tiêu biểu là các di tích: Nghĩa Lập, Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường), Gò Hội (huyện Sông Lô), Đồng Đậu (huyện Yên Lạc)... Vĩnh Phúc còn có 12 di tích, địa điểm khảo cổ học thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, tiêu biểu như di tích: Nguyệt Đức (huyện Yên Lạc); Xuân Lôi (huyện Lập Thạch); Đạo Trù, Minh Quang (huyện Tam Đảo)..., với các di vật quý hiếm như trống đồng Đạo Trù, trống đồng Minh Quang, trống chậu Nguyệt Đức...
Vĩnh Phúc hiện có gần 1500 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, trong đó có 4 di tích, cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt; 62 di tích cấp quốc gia, 465 di tích cấp tỉnh; 1 bảo vật quốc gia; hàng nghìn cổ vật, di vật, hiện vật được kiểm kê, lập hộ chiếu khoa học đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng tỉnh và các di tích, nhà truyền thống, nhà sưu tập trong tỉnh. Cùng với đó, Vĩnh Phúc còn có sự phong phú, đa dạng của 571 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 6 di sản được ghi danh mục Văn hóa phi vật thể quốc gia.