Trump 2.0 và những ảnh hưởng đến chính trị - kinh tế thế giới

Với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nền chính trị - kinh tế thế giới dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?

Vào trưa ngày 6/11/2024 (giờ Việt Nam), kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã ngã ngũ với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Trump giành đủ số phiếu đại cử tri, vượt qua ngưỡng 270 phiếu cần thiết theo luật định và qua đó đánh bại ứng viên Kamala Harris để trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ. Đây là lần thứ hai ông giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ đầu tiên từ năm 2016 đến 2020. Vậy, nước Mỹ thời Trump 2.0 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền chính trị - kinh tế toàn cầu?

Một “Nước Mỹ trên hết” và chính sách cô lập

Trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Trump một lần nữa khẳng định sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại. “Đây là Thời kỳ Hoàng kim của Mỹ. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông tuyên bố trước các cử tri.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi theo đuổi chính sách đối ngoại mang tên “Nước Mỹ trên hết”, Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế lớn, phát động thương chiến với Trung Quốc, chỉ trích các đồng minh và khiến các cuộc đàm phán với một số đối thủ của Mỹ thêm phần phức tạp. Trong suốt mùa vận động tranh cử lần này, ông Trump cam kết sẽ tiếp tục thay đổi đáng kể hoặc cản trở các thỏa thuận quốc tế (gồm cả NATO) nếu chúng có thể làm suy yếu vị thế của Mỹ trong trật tự toàn cầu.

Ông Trump tin rằng các thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ là cần thiết. “Chúng ta đã bị đối xử bất công bởi cả bạn lẫn thù. Các đồng minh của chúng ta thực sự đối xử với chúng ta còn tệ hơn những đối thủ mà chúng ta gọi là kẻ thù. Trong khi quân đội chúng ta bảo vệ họ, thì họ lại gây bất lợi cho chúng ta trong các thỏa thuận thương mại. Chúng ta sẽ không để điều đó xảy ra nữa”, ông phát biểu trước đám đông tại một sự kiện vận động tranh cử ở Wisconsin vào tháng 9.

Với cách tiếp cận này, nguyên tắc "Nước Mỹ trên hết" nhiều khả năng sẽ tiếp tục được ông giữ vững khi cải tổ chính sách đối ngoại. Cụ thể, ông Trump có thể sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris một lần nữa, sau khi nước này tái gia nhập dưới thời ông Biden. Ngoài ra, ông có thể sẽ hạn chế sự hợp tác của Mỹ với các tổ chức của Liên Hiệp Quốc mà chính quyền của ông chỉ trích, như Tổ chức Y tế Thế giới.

Tuy nhiên, theo James Lindsay - thành viên cấp cao về chính sách đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, “nhiều thứ sẽ phụ thuộc vào cách ông Trump sắp xếp nhân sự cho chính quyền của mình”. Lindsay cho rằng các vị trí như ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, hay cố vấn an ninh quốc gia sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mọi quyết định về chính sách đối ngoại của Mỹ, từ cách thức (và liệu) các cuộc đàm phán ngừng bắn có được tiến hành hay không, cho đến quốc gia nào sẽ được tiếp nhận chuyển giao vũ khí.

Nếu không có bộ máy ngoại giao mạnh mẽ và giàu kinh nghiệm, ông Trump có thể đàm phán chính sách đối ngoại một mình, như từng làm trong quá khứ. Những nỗ lực đó trong nhiệm kỳ đầu tiên đã cho kết quả kém, chẳng hạn như cuộc đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc năm 2019 mà không đạt được thhoa3 thuận về việc ngừng phát triển vũ khí hạt nhân.

Chính sách bảo hộ, thuế và lạm phát

Dĩ nhiên, các chính sách của ông Trump sẽ có tác động lớn trước tiên đến nước Mỹ, nhưng cũng sẽ gây ra hiệu ứng lan tỏa mạnh trên toàn cầu. Theo đó, chính sách thương mại bảo hộ mạnh mẽ mà ông đề xuất có thể gây tổn hại trực tiếp nhất cho dân Mỹ, đồng thời các đề xuất tăng thuế của ông sẽ châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu, đẩy giá hàng hóa lên cao, làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Khi vận động tranh cử, ông Trump cũng nhắc đến nhiều loại thuế mới, đôi khi đề xuất mức thuế lên tới 20% đối với các đối tác thương mại của Mỹ và gần đây còn đe dọa áp thuế lên tới 100% với Mexico - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Ông cũng đề xuất thuế 10% hoặc 20% cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Việc áp thuế cao sẽ đẩy lạm phát tăng vọt vì người tiêu dùng phải gánh chịu chi phí này. Ông Trump cũng hứa sẽ thúc đẩy các công ty Mỹ hồi hương. Tuy nhiên, việc này có thể mất nhiều năm, và có thể đẩy giá thành sản phẩm lên cao mà không tạo thêm nhiều việc làm mới do các ngành công nghiệp hiện nay ít thâm dụng lao động hơn.

Nguy cơ thương chiến có thể trở lại

Nguy cơ thương chiến có thể trở lại

Ở cấp độ vĩ mô, cựu tổng thống đang nói về việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu, đây là một chính sách tài khóa mở rộng rất lớn. Điều này có thể làm gia tăng lạm phát cao và gây nguy hiểm khi xét đến mức nợ của Mỹ. Hiện nay, hóa đơn lãi suất hằng năm cho khoản nợ 33.000 tỷ USD của nước này đã vượt xa chi tiêu quốc phòng, đạt mức 763 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua - trở thành khoản chi lớn thứ hai sau an sinh xã hội.

Trong những tuần gần đây, thị trường tiền tệ đã bắt đầu phản ánh khả năng lãi suất cao hơn nhiều trong những năm tới. Nếu ông Trump gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang (FED) để giữ lãi suất ở mức thấp, điều này có thể làm tăng lạm phát, làm suy yếu vị thế của USD với tư cách là đồng tiền dự trữ. Khi lạm phát tại Mỹ tăng, khả năng vay tiền của các quốc gia khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Piotr Matys - nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại In Touch Capital Markets, chia sẻ với Bloomberg rằng: “Những chính sách như vậy sẽ gây hậu quả đặc biệt tiêu cực với Mexico, cũng như khu vực đồng Euro và các nền kinh tế Trung và Đông Âu có mối liên kết chặt chẽ với khu vực này”.

Sau đó là lời cam kết của Trump về việc trục xuất hàng triệu lao động bất hợp pháp. Lời nói cứng rắn này có thể được cử tri đồng tình, nhưng việc loại bỏ một lượng lớn lao động sẽ đẩy tiền lương lên cao hơn và thúc đẩy lạm phát.

Trump đã hứa sẽ biến nước Mỹ thành "thủ đô tiền điện tử của hành tinh" bằng nới lỏng quy định và cởi mở hơn với sự đổi mới. Sự ủng hộ của ông đối với tiền điện tử đã mang lại hy vọng cho ngành công nghiệp này tại Mỹ.

Trung Quốc, Mexico trong tầm ngắm

Là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc hiện đang cố gắng phục hồi tăng trưởng kinh tế. Dưới các chính sách của Trump, Trung Quốc có thể tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa không thể xuất sang và bán phá giá sản phẩm ở các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu.

Các ngân hàng trung ương có thể sẽ phản ứng nhanh chóng khi mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc bắt đầu tác động tiêu cực đến các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại.

Lãi suất cao của FED và chi phí vay thấp hơn ở các khu vực khác cũng sẽ thúc đẩy đồng bạc xanh - điều này đã được minh chứng qua việc giá trị đồng Euro và đồng JPY giảm 1,5% qua đêm, gây thêm khó khăn cho các thị trường mới nổi, vì hơn 60% nợ quốc tế hiện nay được tính bằng USD.

Mexico có thể là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tuyên bố đóng cửa biên giới của Trump, trong bối cảnh triển vọng trong nước đang xấu đi. Quốc gia này đặc biệt dễ bị tổn thương bởi căng thẳng thương mại và các mối đe dọa trục xuất có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề nội bộ như hoạt động của băng đảng và sự bất lực của chính phủ trong việc kiềm chế bạo lực.

Trong số các quốc gia có thể được lợi, Brazil có thể hưởng lợi nhiều từ thương mại với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã thay thế hoàn toàn lượng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ bằng đậu nành Brazil khi căng thẳng thương mại nổ ra trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump.

Châu Âu cũng có thể phải chịu thêm tác động từ việc tăng chi phí quốc phòng nếu Trump giảm hỗ trợ cho NATO. Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, châu Âu đã dựa vào sự hiện diện của quân đội Mỹ, và với cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn còn kéo dài, châu Âu sẽ phải bù đắp bất kỳ khoảng trống nào do sự rút lui của Mỹ để lại. Tuy nhiên, nợ chính phủ châu Âu hiện đã gần 90% GDP, khiến tình hình tài chính trở nên căng thẳng và các chính phủ sẽ phải vật lộn trong việc kích thích nền kinh tế đang đối diện với nhiều rào cản thương mại trong khi vẫn phải chi tiêu cho quân sự.

Những nỗ lực bãi bỏ quy định của Trump có thể kéo dài hơn, nhưng các đề xuất nhất trí trên toàn cầu nhằm củng cố hệ thống ngân hàng, thường gọi là Basel III, có thể là nạn nhân đầu tiên.

Khởi Vũ

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/trump-2-0-va-nhung-anh-huong-den-chinh-tri-kinh-te-the-gioi-314421.html
Zalo